Aa

Cầu vượt sông dài nhất Việt Nam: Gấp đôi cầu Long Biên, tương lai kết nối 2 TP trực thuộc Trung ương

Thứ Bảy, 28/12/2024 - 12:24

Sau 10 năm đi vào hoạt động, công trình này vẫn đang đảm nhiệm tốt vai trò quan trọng trong lưu thông ở các tỉnh, thành phía Bắc.

Cầu Vĩnh Thịnh là một phần của tuyến đường Vành đai 5 TP. Hà Nội, bắc qua sông Hồng, kết nối thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Với chiều dài gần 5,5km, trong đó phần cầu chính dài 4,48km, cầu Vĩnh Thịnh hiện là cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam, gấp đôi chiều dài cầu Long Biên (2.290m) và gần gấp ba cầu Mỹ Thuận (1.535m).

Cầu vượt sông dài nhất Việt Nam: Gấp đôi cầu Long Biên, tương lai kết nối 2 TP trực thuộc Trung ương- Ảnh 1.

Cầu Vĩnh Thịnh là cầu vượt sông dài nhất Việt Nam. Ảnh: Ngọc Đẹp

Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 12/2011 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2014, do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 137 triệu USD, trong đó 100 triệu USD được tài trợ bằng vốn vay ODA từ Hàn Quốc và 37 triệu USD từ vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Theo thiết kế, điểm đầu tuyến nằm tại Km4+313m (nút giao giữa Quốc lộ 32 và tuyến tránh thị xã Sơn Tây), điểm cuối tuyến tại Km9+800m.

Cầu vượt sông dài nhất Việt Nam: Gấp đôi cầu Long Biên, tương lai kết nối 2 TP trực thuộc Trung ương- Ảnh 2.

Điểm đầu dự án tại nút giao QL32 với tuyến tránh Sơn Tây. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết

Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, với mặt cắt ngang rộng 16,5m đủ cho 4 làn xe. Đường dẫn lên cầu được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng, cho phép tốc độ tối đa 80km/h. 

Cầu chính có kết cấu dầm hộp liên tục gồm 9 nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực, thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng, trong khi cầu dẫn sử dụng dầm Super-T với mỗi nhịp dài 40m. Đoạn đường ở phía huyện Vĩnh Tường, kéo dài qua khu vực bãi sông rộng lớn, nơi có nhiều làng mạc và khu canh tác của người dân địa phương.

Sau hơn một thập kỷ hoạt động, cầu Vĩnh Thịnh đã hoàn thành tốt vai trò thay thế cho phà Vĩnh Thịnh, vốn là tuyến giao thông huyết mạch nối Sơn Tây và Vĩnh Tường. Không chỉ vậy, cầu còn góp phần giảm tải đáng kể áp lực giao thông cho các tuyến quốc lộ quan trọng như Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6 và Quốc lộ 32, giúp tối ưu hóa việc lưu thông giữa trung tâm Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và ngược lại.

Cầu vượt sông dài nhất Việt Nam: Gấp đôi cầu Long Biên, tương lai kết nối 2 TP trực thuộc Trung ương- Ảnh 3.

Công trình đã đi vào hoạt động được 10 năm. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết

Việc đưa cầu Vĩnh Thịnh vào sử dụng không chỉ minh chứng cho nỗ lực của ngành Giao thông trong việc thực hiện quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải Thủ đô Hà Nội và vùng Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030, mà còn khẳng định tầm quan trọng chiến lược của công trình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Theo quy hoạch của tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Khi đó, cầu Vĩnh Thịnh sẽ đóng vai trò là điểm kết nối quan trọng giữa hai thành phố lớn, hai trung tâm công nghiệp hàng đầu miền Bắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và gia tăng giá trị liên kết trong khu vực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top