Aa

“Cây gậy hành chính” và những “cơn sốt đất ảo”

Thứ Năm, 01/04/2021 - 11:30

Tại nhiều địa phương trong cả nước đang dấy lên những "cơn sốt" đất ảo khiến nhiều người lo ngại xuất hiện trở lại tình trạng “bong bóng" bất động sản.

Thời buổi kinh tế thị trường mà lại nói chuyện đem mệnh lệnh hành chính của các cơ quan công quyền can thiệp, điều tiết thì nghe có vẻ ngược dòng. Thế nhưng, với những “cơn sốt đất ảo” như hiện nay đang diễn ra ở nhiều địa phương thì dứt khoát các cơ quan công quyền phải vào cuộc, bởi cái từ “ảo” kia.

Một thị trường ảo là nơi mà các hoạt động mua bán xảy ra không xuất phát từ nhu cầu có thật trong xã hội, khiến mọi quy luật tự nhiên trong thị trường đó bị rối loạn, mọi nỗ lực của bộ máy chính quyền và mong muốn của đông đảo người dân về an sinh xã hội bị phá vỡ… Sự bất bình thường ấy tựa như tâm thần của kẻ bị “ngáo đá” vậy.

Như bất cứ loại hàng hóa nào, quan hệ cung cầu là một trong những yếu tố quan trọng để khiến giá cả tách xa với giá trị của hàng hóa đó. Vào một thời điểm nhất định, nhu cầu của một loại hàng hóa tự nhiên tăng vọt, chẳng hạn như hồi đầu của dịch Covid-19, "cơn sốt" khẩu trang phòng dịch khiến người người chen chúc nhau mua khẩu trang với giá cao, khi cung không đủ cầu. Sau đó, thị trường tự điều tiết, các nhà đầu tư đã xuất hiện, nguồn cung dồi dào, hết sốt! 

Nay vẫn mảnh đất ấy, vẫn nhu cầu ấy, vẫn nguồn cung ấy, chỉ với những thông tin không chính thống và tính chuẩn xác không cao mà thị trường đùng đùng lên cơn sốt, và cái đáng lo ngại là xuất hiện nhiều yếu tố ảo, nhu cầu giả tạo, không có thật, gây rối loạn thị trường, vậy là lý gì đây?

Cần chấn chỉnh tình trạng sốt đất ảo ở nhiều tỉnh thành
sốt đất ảo tại nhiều tỉnh thành

Tình trạng "sốt nóng" bất động sản diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước từ đầu năm 2021

Trước hết, cần phải nói rằng, hiện tượng “sốt” của bất cứ một loại hàng hóa nào cũng là bình thường. Trong một thị trường minh bạch, môi trường đầu tư thuận lợi, hệ thống pháp lý đồng bộ và được điều hành thông suốt... thì những sự mất cân bằng cung cầu ấy sẽ nhanh chóng được bù đắp. Tuy nhiên, đến ngay như nước Mỹ, một đất nước có hệ thống luật pháp chặt chẽ đến từng chi tiết, có bộ máy hành chính dày dạn kinh nghiệm hàng trăm năm với nền kinh tế thị trường, có một môi trường đầu tư thuận lợi đến mức ai cũng có thể xuất hiện trên thị trường ngay lập tức và bất cứ lúc nào..., thế mà còn bị một trận khủng hoàng kinh tế kinh hoàng sau nhiều thập kỷ từ “bong bóng bất động sản” cách đây hơn chục năm khiến phải nhớ đời. Khi ấy, Chính phủ Mỹ đã phải chi ra hơn 900 tỷ USD đề cứu vãn thị trường này.

Như thế mới biết, sự lơ là và mất cảnh giác của các cơ quan quản lý Nhà nước với một thị trường tối quan trọng là bất động sản này sẽ có thể gây ra hậu quả như thế nào?

Ở Việt Nam ta, từ nhiều năm nay, "sốt" đất xảy ra như cơm bữa, khi thì ở mức độ toàn quốc, khi thì từng vùng, từng miền, thậm chí từng dự án, rồi "sốt" nóng có mà "sốt" lạnh cũng có; "sốt" thật có mà "sốt" ảo cũng có... nhưng lâu nay, các cấp chính quyền ở địa phương hầu như thờ ơ và dường như bất lực.

Nay, tại nhiều địa phương trong cả nước đang dấy lên những "cơn sốt" đất ảo khiến nhiều người lo ngại xuất hiện trở lại tình trạng “bong bóng bất động sản”. 

Chẳng hạn như sau khi có thông tin thành phố Hà Nội sắp phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đã xảy ra hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số khu vực thuộc huyện Hoài Đức với mức giá 25 - 30 triệu đồng/m2, tăng 50% so với năm 2019; các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng 20 - 30% so với năm 2019. Theo đánh giá của các đơn vị nghiên cứu thị trường, việc tăng giá mạnh và cục bộ chủ yếu do các nhà đầu cơ lợi dụng những yếu tố, như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng..., gây nhiễu loạn thông tin nhằm thu lợi bất chính.

Sốt đất nền vùng ven Hà Nội
Nhiều người lo ngại xuất hiện trở lại tình trạng “bong bóng bất động sản” do "sốt" đất ảo

Hoặc như gần đây, tại tỉnh Bắc Giang, khi có thông tin các khu vực quy hoạch, dự kiến đầu tư xây dựng những công trình quy mô lớn như khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sân golf, đường giao thông…, thì xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng tách một thửa đất thành nhiều thửa để lợi dụng hợp thức hóa, chuyển mục đích sang đất ở..., giá đất đột nhiên tăng gấp rưỡi, gấp đôi, khiến UBND tỉnh đã phải có những công văn chấn chỉnh và cảnh báo.

Mặc dù trong các nhà đầu cơ này cũng không ít kẻ đã nếm mùi khuynh gia bại sản bởi quyết định sai lầm của mình trong những "cơn sốt" tương tự, nhưng họ vẫn như con thiêu thân lao vào lửa để tìm đường sống!
Vậy “cây gậy hành chính” của các cấp chính quyền Nhà nước nên có những biện pháp gì để giảm thiểu và ngăn chặn những "cơn sốt" đất ảo này?

Đầu tiên, đó là việc cần phải nắm vững được nguồn cầu và điều tiết được nguồn cung, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực đất ở. Nhu cầu nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của đông đảo người dân nên tính “ảo” thường xảy ra ở thị trường này. Nhu cầu đó là có thật và rất lớn. Với bộ máy hành chính hiện nay, việc nắm được thị trường này hoàn toàn có thể thực hiện nếu có một tư duy lãnh đạo bài bản, có đơn đặt hàng với các tổ chức chuyên gia, tư vấn chuyên nghiệp để khảo sát, phân tích, nghiên cứu và vạch ra chiến lược phát triển cho thị trường này cùng các bước đi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn… Như vậy mới có thể tránh được tình trạng điều hành “giật cục” như hiện nay.

Nhiều người lo ngại xuất hiện trở lại tình trạng “bong bóng bất động sản” do sốt đất ảo
“Cây gậy hành chính” của các cấp chính quyền Nhà nước nên có những biện pháp để giảm thiểu và ngăn chặn những "cơn sốt" đất ảo này

Tiếp theo, theo ý kiến nhiều chuyên gia, đó là sự minh bạch về thông tin. Quả thật đã từ lâu nay, thông tin về quy hoach đất đai luôn luôn được các nhà môi giới bất động sản, thậm chí ngay cả nhiều cán bộ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này coi là một tài sản vô giá. Những tiếng thì thào truyền tai nhau trong một thời điểm nào đó đã trở thành cơ hội làm giàu cho nhiều người. Chính vì thế, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã khuyến nghị, chính quyền các địa phương cần cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho người dân nắm được và thuận lợi khi tiếp cận thông tin để có thể tự quyết định về hành vi đầu tư của mình.

Tiếp nữa, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có cảnh báo cần thiết về những rủi ro có thể xảy ra đối với người dân; đồng thời có những biện pháp xử lý thích đáng đối với những kẻ tung tin thất thiệt, ảnh hưởng đến thị trường, nhất là những tin tức tạo dựng làm "sốt" đất, gây bất ổn trong các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top