Aa

Cây thuốc xuyên tâm liên

Chủ Nhật, 25/07/2021 - 07:00

Bộ Y tế vừa cho phép sử dụng xuyên tâm liên là một vị thuốc đông y để điều trị dịch Covid-19. Vậy cây xuyên tâm liên là gì?

Dịp gần đây, trên mạng bàn tán khá nhiều về cây xuyên tâm liên, một thứ cây dược liệu quen thuộc với nhiều người Việt Nam, nhất là thế hệ đã sinh ra và lớn lên trong thời kỳ bao cấp. Lý do là Bộ Y tế vừa cho phép sử dụng xuyên tâm liên là một vị thuốc đông y để điều trị dịch Covid-19.

Vậy cây xuyên tâm liên là gì?

Đó là một loại cây thảo, sống hàng năm chỉ cao từ 0,3 đến 0,8m, thân có nhiều đốt, lá thuôn nhọn hai đầu. Nó có nguồn gốc từ Ấn Độ, Sri Lanka nhưng đã được di thực về Việt Nam, Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc (Quảng Đông) từ lâu đời. Thực tế đã được coi như cây bản địa vì cực kỳ dễ mọc và sinh trưởng mạnh ở nước ta. Cây này còn có tên là công cộng, hùng bút, khô đàm thảo, cây lá đắng: vì lá của nó có vị rất đắng. Tên khoa học của nó là: Androgaphis Paniculata, họ ô rô Acathaceae.

Bộ phận dùng của cây xuyên tâm liên là thân và lá, thu hái vào mùa thu. Thái nhỏ phơi khô rồi tùy từng mục đích sử dụng mà chế biến cho phù hợp.

Khoa học cũng đã nghiên cứu khá kỹ cây này. Theo đó trong thành phần hóa học của nó có hai nhóm chất có khả năng chữa bệnh là flavon và glucozide. Họ đã phân lập được tới 14 hợp chất thuộc hai nhóm này. Đặc biệt là chất andrographolide có nhiều và theo dự đoán đây chính là chất quyết định tính chất dược lý của xuyên tâm liên.

Bộ phận dùng của cây xuyên tâm liên là thân và lá, thu hái vào mùa thu. Thái nhỏ phơi khô rồi tùy từng mục đích sử dụng mà chế biến cho phù hợp. (Ảnh sưu tầm)

Ở nghiên cứu tổng quan, nước sắc xuyên tâm liên tỷ lệ 5/1, 2/1 có hàm lượng andrographolide cao, có tác dụng kháng khuẩn và diệt khuẩn mạnh trên một số chủng vi khuẩn gây bệnh viêm phổi cấp tính.

Như vậy là nghiên cứu của y học hiện đại cũng khá đồng nhất với các tổng kết nghiên cứu trên thực tế chữa bệnh của Đông y từ xa xưa là, vị thuốc xuyên tâm liên có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, giảm đau dùng để trị các chứng bệnh như: ho do lạnh, cảm mạo, đau đầu, viêm họng, lở ngứa, viêm nhiệt, giải độc… Trong dân gian có lưu truyền một bài thuốc chữa viêm họng, đau họng khá hiệu quả đó là chỉ cần nhấm nát rồi ngậm 2 - 3 lá xuyên tâm liên tươi một ngày là khỏi.

Dạng dùng của xuyên tâm liên khá đa dạng. Ngậm tươi lá như đã nói ở trên. Ngoài ra có thể dùng dạng thuốc sắc, ngày từ 3 - 5g dược liệu khô, phối hợp với các vị thuốc khác như huyền sâm, mạch môn, kim ngân hoa, cam thảo… hoặc dùng riêng xuyên tâm liên cũng tốt.

Người ta hay dùng lá xuyên tâm liên để tán bột mịn, đóng viên hoặc làm viên hoàn tán hay thuốc tễ đều được. Dạng nấu cao thường dùng cả cây trừ gốc rễ, nấu như mọi loại cao dược liệu, cô đặc, sấy khô rồi chuyển sang đóng viên nang cứng hoặc viên nén bao phim để khắc chế vị đắng khó uống cho bệnh nhân. Viên thuốc xuyên tâm liên thời những năm 198X của thế kỷ trước khi nước ta đang bị bao vây cấm vận, thuốc men rất khó khăn là kỷ niệm của cả một thế hệ, nhất là học sinh sinh viên, công nhân ở tập thể. Hồi ấy khi bị ốm mà xuống bệnh xá khám bệnh, hầu như bệnh gì các thầy thuốc cũng cho xuyên tâm liên. Đau đầu: xuyên tâm liên. Ho: xuyên tâm liên về uống. Cảm cúm: cũng vài viên xuyên tâm liên. Đến đau bụng kinh của phụ nữ cũng chỉ có xuyên tâm liên! Thế mà rồi đa số cũng khỏi bệnh cả.

Thần kỳ! Viên thuốc xuyên tâm liên đã trở thành viên thuốc “thần kỳ”, trị bách bệnh cho cả một thế hệ như vậy. Sau này có dịp, tôi ngồi với một ông thầy vốn giảng về Dược lý - Dược lâm sàng ở trường Dược, thầy có lý giải tại sao hồi đó viên xuyên tâm liên nó “thần kỳ” vậy. Chẳng qua là bọn sinh viên vốn khỏe, chẳng may có đau đầu cảm cúm gì đó, thì dù có không uống thuốc gì cũng vẫn khỏi. Thế nên phát cho mấy viên xuyên tâm liên được chế từ cao hoặc bột lá phơi khô tán nhỏ, về uống cho nó yên tâm thôi: tác dụng ở đây chính là hiệu ứng tâm lý, giả dược - placebo là chính! Nói rồi thầy nhìn tôi cười khà khà…

Cây xuyên tâm liên (Ảnh sưu tầm)

Nhưng đó là chuyện vui thôi, chứ gần đây khá nhiều nước quay sang nghiên cứu một cách nghiêm túc về tác dụng của xuyên tâm liên với virus Sars-cov-2 gây ra dịch Covid-19. Hẳn không ai quên giải Nobel Y học năm nào đã từng được trao cho vị bác sĩ Đông y người Trung Quốc, người nghiên cứu thành công cây thanh hao hoa vàng để từ đó chiết xuất ra hợp chất lừng lẫy artemisinin, góp phần đẩy lui và chặn đứng dịch sốt rét trên toàn cầu. Các nước Ấn Độ, Thailand họ đều tập trung vào nghiên cứu thành phần hoạt chất chính của xuyên tâm liên là andrographolide.

Tại Ấn Độ sau khi thử trên in sillico (mô phỏng cơ thể người) cho thấy chất này có tác dụng chống lại virus gây dịch Covid mạnh. Còn tại Thailand, họ cũng đưa ra kết luận sau khi thí nghiệm là chất này có tác dụng diệt virus và giảm tiết cytokine. Bạn nên nhớ, cytokine là một chất gây viêm do cơ thể tiết ra khi bị virus xâm nhập. Nhưng nó tiết nhiều quá thành “cơn bão cytokine” dẫn đến hủy hoại luôn các cơ quan cơ thể người bệnh như phổi, thận, gan, ruột…Và người ta tử vong vì “cơn bão cytokine” kia là chính. Việc hạn chế cytokine cũng là một nhiệm vụ hàng đầu của thầy thuốc khi điều trị cho các bệnh nhân Covid nặng.

Đó là tại nước ngoài. Còn tại Việt Nam, nhiều bài thuốc sắc phối hợp với xuyên tâm liên đang được nhiều cơ sở điều trị Covid thể nhẹ, thể không có triệu chứng ứng dụng đã cho những kết quả ban đầu khả quan. Chính vì vậy mà Bộ Y tế mới cho phép dùng trong phác đồ điều trị dịch Covid lần này. Nhưng đặc biệt khuyến cáo cho các thể nhẹ, chứ các ca bệnh đã trở nặng, khó thở thì chỉ định tuyệt đối luôn là phải tới ngay các trung tâm y tế có ICU, ECMO và các loại biệt dược sẵn sàng hỗ trợ.

Đó là vài nét tổng quan về cây xuyên tâm liên và vị thuốc xuyên tâm liên. Một thứ cây dược liệu dễ trồng, dễ kiếm và thực ra là một vị thuốc khá lành tính. Bởi vậy trong khi dịch Covid đang lan rộng, các bệnh nhân thể nhẹ hoặc người mới chỉ bị dương tính, đang cách ly tại nhà sao không sử dụng thêm loại thuốc chế biến từ dược liệu này? Và nhất là có khi chỉ cần hái đôi ba cái lá xuyên tâm liên tươi mà ngậm, cũng có tác dụng tốt. Cùng với việc sử dụng các loại thuốc hỗ trợ khác và các biện pháp vệ sinh, ăn uống rất có thể chúng ta đi qua dịch một cách nhẹ nhàng như một cơn cảm cúm thường nhật mà thôi./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top