Aa

Nghĩ bên cây ATM

Chủ Nhật, 18/07/2021 - 07:00

Đứng trên ban công nhìn dòng đời như đang bắt đầu hồi sinh từ cái “máy rút tiền tự động”, tôi bỗng thấy cuộc sống bình thường và lam lũ biết bao nó đáng giá biết bao.

Gần nhà tôi có một cây ATM. Vì ở giữa phố lại cạnh Bưu điện, ngay trước cửa Ngân hàng nên cái “máy rút tiền tự động” này đông lắm. Sáng, trưa, chiều, tối lúc nào cũng thấy người chờ nhau vào rút tiền. Nhất là những dịp đầu tháng, mới có lương. Cán bộ công chức nhà nước, giáo viên… nhưng đông nhất là công nhân làm trong nhà máy, công ty ở các khu công nghiệp. Nên cây ATM nhộn nhịp dịp đầu tháng, các công ty vừa chuyển trả lương vào thẻ, công nhân tan làm vội rẽ vào rút ngay ít tiền mặt tiêu. Nào tiền nhà, tiền điện tiền nước, tiền sữa cho con, chai bia cho chồng… Rút xong, đi qua chợ cóc tiện mua luôn của bà nông dân mớ rau quả bí, của chị hàng chài con cá sông vừa đánh lên vẫn còn tươi rói về tối nay cho chồng con bồi dưỡng. Cái chợ cóc ấy không hẳn là chợ. Chỉ là đoạn vỉa hè xế bên cây ATM, buổi chiều tối khi các nhà chức trách lơ là đâu đó chút là bà nông dân trong xóm mang mớ rau quả cà, chị hàng chài dưới bến đem con cá mớ tôm tranh thủ bán. Nhiều lúc cũng bán mua rôm rả ra trò…

Nhưng đến dịp dịch Covid vừa rồi bùng phát, cả phố, cả huyện, cả tỉnh bị phong tỏa. Nhiều nhà máy, công ty trong khu công nghiệp phải dừng hoạt động. Người bị cấm ra đường. Chợ búa cũng bị cấm. Phố phường hiu hắt vắng lặng chưa từng có. Nếu không thỉnh thoảng nghe thấy tiếng xe cứu thương hú còi, tiếng xe tuyên truyền oang oang thì tưởng như đang sống trong khu phố ma! Hàng quán đóng cửa im ỉm nên người dân cũng chả ai buồn ló mặt ra ngoài cửa nhà làm gì.

Trong những ngày ấy thỉnh thoảng vào lúc ban ngày, nhất là lúc ban đêm, tôi hay ra đứng ngoài ban công tầng hai, nơi phòng viết của tôi thư giãn hít thở không khí và ngắm nhìn xung quanh. Tôi nhìn về phía cây ATM. Vắng lặng. Không có một cái xe máy dựng chờ. Không một bóng người. Cái đèn hiệu màu đỏ, chữ sáng vẫn rực rỡ trong đêm báo hiệu cho người ta biết máy vẫn hoạt động, tiền vẫn nhiều, mà chẳng có mấy ai qua lại rút ra tiêu. Thỉnh thoảng lắm mới có một người loáng rồi đi. Thế thôi. Công nhân các công ty trong khu công nghiệp bị phong tỏa bao vây mất việc cả rồi, tài khoản còn gì mà rút. Có chỗ họ còn phải sống bằng lòng hảo tâm của mọi người nữa kia.

Nhãn

Tôi cứ đứng lặng trên ban công nhìn cái sự hoang vắng của cây ATM mà thấm thía cái sự tàn hại do con virus quái ác này gây ra. Kể từ khi nó xuất hiện cuối năm 2019, như một cơn gió độc địa từ thành phố Vũ Hán lạnh lẽo bên kia biên giới, nó đã nhanh chóng lan ra toàn cầu. Nước ta cũng không là ngoại lệ. Làn gió độc mang tên Covid-19 lan đến đâu là ở đó cuộc sống như bị đóng băng lại, bị kéo lùi như trở về thời mông muội xa xăm, khi đêm đêm con người bé nhỏ yếu đuối phải chui nấp kỹ trong hang sâu hoặc đóng chặt cửa ngôi nhà của mình, mặc cho ma quỷ thú dữ hoành hành bên ngoài.

Cơn gió độc ấy tràn về, mang theo chết chóc và hủy diệt khôn cùng. Những mạng người ra đi còn được tính đếm, nhưng còn bao con người bị nó âm thầm hủy diệt dần mòn về kinh tế, sự tổn hại về sức khỏe tâm thần? Những hệ lụy do nó gây ra thực sự là không thể nào tính đếm hết ngay được. Nên cả thế giới phải lao vào một cuộc chiến chống lại bệnh tật. Thôi thì đủ mọi biện pháp được đưa ra. Lúc xuôi lúc đảo ngược nhau lẫn lộn tùng phèo. Có lúc tưởng như loài người lao đầu vào hũ nút, vào con đường tăm tối không lối thoát, ngày tận thế đến nơi…

Nhưng ơn giời, với thời gian mọi việc cũng dần sáng tỏ. Rốt cuộc con virus này nó cũng chỉ như căn bệnh mà loài người vốn có từ lâu, hàng năm: căn bệnh cúm. Có điều cùng với thời gian, con virus quái quỷ kia đã biến đổi khiến cho nó trở nên ác độc hơn. Và để chống lại nó, con người cần phải có những biện pháp thông minh hơn, thuốc men và vaccine phải tinh vi hơn. Mầy mò cả hơn hai năm nay, rốt cuộc vaccine chống Covid-19 đã ra đời. Cùng với đó, trên lâm sàng, các bác sĩ cũng tìm ra những phác đồ điều trị cho bệnh nhân covid hiệu quả hơn. Bằng chứng cho thấy các bệnh nhân trẻ khỏe bị mắc covid nặng ở Bắc Ninh, Bắc Giang vừa rồi, nếu được hỗ trợ hồi sức cấp cứu kịp thời sẽ rất nhanh hồi phục trở lại cuộc sống lao động bình thường.

Cơn bùng phát dịch ở quê tôi rồi cũng đi qua. Công nhân lại đi làm. Chợ búa lại họp. Phố xá bắt đầu tấp nập đông vui. Cây ATM xế bên nhà tôi lại đông đến rút tiền. Ngày đầu tháng có lương, các công nhân trẻ lại xếp hàng rồng rắn đợi đến lượt. Họ lại ghé qua hàng hoa quả mua cân vải quả dưa. Mua vài mớ rau nhà trồng của bà nông dân. Mua con cá mớ cua của chị hàng chài lưới… Đứng trên ban công nhìn dòng đời như đang bắt đầu hồi sinh từ cái “máy rút tiền tự động”, tôi bỗng thấy cuộc sống bình thường và lam lũ biết bao nó đáng giá biết bao. Lao động và tiêu dùng.

Và dĩ nhiên luôn có những niềm vui trong đó. Lúc bình thường có đôi khi tôi thấy khó chịu vì phố xá ồn ào, vì chợ họp bán buôn vô tổ chức. Nhưng khi tất cả những ồn ào của đời sống phố xá chợt biến mất, bỗng bàng hoàng. Và nhất là khi nhìn cảnh công nhân mất việc hết cả gạo ăn, bà nông dân có mớ rau con gà không bán được, cô tiểu thương không có hàng ra hàng vào chẳng có đồng tiêu. Mới thấy cái cuộc sống ồn ào nhộn nhạo kia thực là quan trọng và quý báu xiết bao. Bởi đơn giản đó chính là dòng đời đang chảy.

Dòng đời cũng như một dòng sông, không chảy thành ra ngay vũng nước tù đọng bốc mùi. Nên khi đã trải qua những ngày những đêm đứng nhìn phố phường vắng lặng. Nhìn ánh đèn báo mời gọi rút tiền mà chẳng thấy ai lai vãng. Nhìn những mớ rau con cá bỏ không ai bán mua. Mới thấy thực ra, những người công nhân, nông dân, tiểu thương… họ như những hàn thử biểu của cuộc sống. Cho dù cuộc đời họ sẽ qua đi bình dị, không dấu ấn gì như cả triệu tỷ giọt nước mênh mông trên những dòng sông đời. Vô danh. Nhưng nếu không có những giọt nước vô danh kia làm sao có dòng sông cuộc đời sôi động ồn ào quý giá này…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top