Aa

Nhớ những chuyến phà xưa

Chủ Nhật, 27/06/2021 - 07:00

Giờ qua sông bằng cầu Hồ, xe máy ô tô phóng vun vút hết vài phút. Nhưng mỗi lần qua sông, nhất là vào mùa nước lũ, tôi vẫn nhớ đến những chuyến phà thủa xưa.

Quê tôi là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nằm ở bờ Nam sông Đuống. Thủ phủ của tỉnh ở trên thị xã, nay là thành phố Bắc Ninh, cách huyện chỉ hơn chục cây số. Nhưng ngày xưa khi chưa có cầu Hồ, bắc qua sông, mỗi lần phải lên tỉnh có việc thấy cách rách nhiêu khê làm sao. Nhất là vào mùa mưa lũ…

Con sông Đuống bắt nguồn từ sông Hồng, chỗ cửa Dâu. Nó còn có tên chữ là sông Thiên Đức, do vua Lý Thái Tổ đặt, trước đó gọi là sông Bắc Giang. Nhưng nói một cách khoa học địa lý, gọi nó là chi lưu của sông Hồng cũng được. Nó vốn là con sông tự nhiên, nhưng nhiều người vẫn tưởng nhầm là sông đào.

Thực ra không phải vậy, con sông này có từ lâu đời lắm rồi, có lẽ nó hình thành cùng với việc bồi đắp nên vùng đồng bằng Bắc Bộ trù phú của sông Hồng - sông Cái, con sông vĩ đại đã làm nên cả một nền văn minh Đại Việt. Bởi nước sông Hồng - sông Đuống vốn bắt nguồn từ miền cao nguyên đất đỏ Vân Nam bên Trung Quốc nên mùa mưa lũ, nước sông đỏ rực phù sa. Vậy mới có tên sông Hồng. Phù sa nhiều nên dẫn đến dòng sông hay bị bồi lấp, cạn dòng, chuyển hướng.

Như con sông Dâu lịch sử bên đô thành Luy Lâu hồi đầu công nguyên là một ví dụ. Nhưng sông Đuống vốn cũng ăn nhánh cả vào sông Dâu thì không thể cạn dòng được. Bởi nó làm nhiệm vụ chia nước cho sông Hồng mùa lũ, xả về mạn Lục Đầu giang rồi ra biển. Mỗi lần sông Đuống bị phù sa bồi lấp là người ta đều phải tổ chức khơi dòng, bởi nếu không khơi, nước lũ ứ tràn không thoát đi được về phía biển sẽ gây tai ách cho cư dân cả một vùng rộng lớn. Đại Việt Sử Ký toàn thư còn chép, sự kiện tháng 10/1390 dưới triều vua Trần Thuận Tông đã cho khơi sông Thiên Đức…

đi phà sông đuống
Ảnh minh họa.

Nhưng có vẻ tôi hơi lan man mất rồi. Số là định kể cho các bạn nghe chuyện đi phà mùa lũ kia. Những chuyến phà nhớ đời. Chả là bình thường, qua sông bằng phà cũng đơn giản, bởi lòng sông mùa cạn chỉ rộng độ trên dưới 200 mét, con phà chạy bằng cano lai dắt cũng chỉ mươi phút một chuyến là thảnh thơi sang bờ. Thế nhưng mùa lũ về, mỗi chuyến phà là cả một câu chuyện nhiều khi rùng rợn, ớn lạnh đến tận bây giờ. Bởi khi nước lũ về, vào dịp tháng 6 tháng 7 là nước tràn ngập cả cánh bãi hai bên bờ vốn dĩ mênh mông.

Nước ngập từ bờ đê bên này đến bờ đê bên kia rộng cả hàng vài kilomet. Bạn thử tưởng tượng mình đứng trước cảnh một biển nước đỏ ngầu sủi bọt băng băng đổ về phía biển xem, bạn sẽ cảm nhận được sức mạnh của thiên nhiên kinh khủng đến như thế nào. Những lúc đó thì phà không chạy nổi. Trôi xuống tận Lục Đầu giang ngay. Là dân sông nước vùng tôi nói thế. Nhưng việc thông thương giữa hai bờ không thể trì hoãn lâu được, nước chỉ cần xuống chút là phà phải chạy ngay. Công nhân đi làm, cán bộ đi họp, học sinh đi học, các bà các cô chạy chợ… lèn chật kín phà.

Xe ô tô, xe máy, xe đạp chen chúc. Cái cano cũ kỹ gầm lên bành bạch, phun khói khét mù dẫn con phà leo xiên ngược dòng nước bờ bên này rồi lại xiên chéo xuôi sang bến bên kia. Hôm nào nhanh gọn và gặp phải tay lái cứng, độ gần tiếng đồng hồ phà cũng sang được bên kia. Mọi người thở phào nhẹ nhõm ào lên bờ vui vẻ. Nhưng có hôm gặp phải con nước xiết, lại đúng tay lái còn kém kinh nghiệm, chiếc phà bị nước đẩy trôi tít xa cách bến hàng cây số. Lúc đó ông bến trưởng lại phải đích thân cầm lái chiếc cano dự phòng, lao xuống kè vào bên kia phà để đẩy dần lên.

Đẩy ngược con phà đầy ních người xe trên nước sông mùa lũ không phải chuyện chơi. Hai bên phà, hai chiếc cano gầm rú tuôn khói mù mịt mà lắm lúc cảm tưởng con phà vẫn đứng yên tại chỗ hàng giờ liền. Không nhúc nhích tiến lên được tẹo nào. Tôi đã vài lần gặp phải những chuyến phà chạy mùa lũ như vậy. Đứng bên thành phà nhìn cano đang gắng hết sức, tiếng ông bến trưởng quát tháo đám thủy thủ om xòm, tiếng chuông báo tiến báo lùi cho thợ máy gắt gỏng…

Quay ra nhìn đám đông nhẫn nại đứng chơ vơ trên phà giữa dòng nước xiết. Tôi rùng mình nghĩ, nếu chẳng may cả hai chiếc cano chết máy, nếu chẳng may một cơn lũ lớn tràn về, chắc cái phà với hàng trăm sinh mạng ngủm củ tỏi mất… Tôi len lén lách ra đứng ở đầu phà, tự phòng thủ trước với ý nghĩ, nếu có gì không hay, sẽ nhảy ra khỏi phà bơi xuôi theo dòng nước lũ rồi muốn về đâu thì về. Chứ đứng ở giữa phà, cả một khối người chen chúc thế kia, chỉ níu nhau đã chết chìm ráo. Lúc ấy có đến ông Yết Kiêu sống lại cũng không cứu nổi.

Thế nhưng thật may, bao nhiêu năm phà Hồ chạy nối hai bờ sông Đuống trên quốc lộ 38 đều không xảy ra một tai nạn nào đáng kể. Dĩ nhiên là chẳng có chuyện chìm phà. Dòng sông Thiên Đức quả là một dòng sông ngọt lành, mang theo cái đức của trời cao luôn phù hộ cõi nhân sinh. Mãi cho đến khi tỉnh Hà Bắc tự dưng được tách làm hai: Bắc Ninh và Bắc Giang năm 1997. Năm 1998 cầu Hồ được khởi công. Năm 2000 cầu khánh thành, dân hai bờ vĩnh viễn từ biệt con phà và những con đò ngang qua sông lúc đêm khuya phà nghỉ chạy.

Giờ qua sông bằng cầu Hồ, xe máy ô tô phóng vun vút hết vài phút. Nhưng mỗi lần qua sông, nhất là vào mùa nước lũ, tôi vẫn nhớ đến những chuyến phà thủa xưa. Những chuyến qua sông từ 7h sáng đến 10h trưa mới tới bờ bên kia. Nhất là nhớ cái cảm giác không tả nổi khi đang lênh đênh giữa dòng nước dữ đỏ ngầu sủi bọt hung hãn, đập vào thành phà ào ạt như những con thuồng luồng trong truyền thuyết dưới sông đang lên cơn vật…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top