Từ khi ra mắt thị trường, Tập đoàn BĐS An Gia luôn theo đuổi chiến lược phát triển nhà ở vừa túi tiền, phục vụ cho nhu cầu ở thực của đại đa số người dân. Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Thanh Sơn - Tổng Giám đốc An Gia có những chia sẻ về hướng đi của doanh nghiệp thời gian tới.
- PV: Kết quả kinh doanh 2023 của Tập đoàn An Gia có gì nổi bật, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Chúng ta đều thấy bức tranh chung của thị trường. Trước dịch Covid-19, thị trường bất động sản ổn định. Tuy nhiên, đại dịch ập đến khiến nhiều ngành bị ảnh hưởng nặng. Tất nhiên kể cả ngành địa ốc. Thực tế, ngay trong dịch, chúng ta chưa cảm nhận được đà giảm này. Đến năm 2022-2023, thị trường mới ngấm đòn. Bất động sản nhà ở, du lịch, văn phòng đều rơi vào khó khăn.
Tuy nhiên, ở An Gia, chúng tôi đã dự báo được những khó khăn nên đã chuẩn bị về chiến lược để thích ứng. Chiến lược quản trị của An Gia là "thận trọng và ứng phó". Nhờ định hướng này, chúng tôi không rơi vào tình thế quá khó khăn. Nguồn thu của An Gia vẫn ổn định, phần lớn đến từ việc hoàn thiện và bàn giao 2.000 sản phẩm tại dự án Westgate ở Bình Chánh. Đây là dự án trọng điểm hơn hai năm qua và có mức độ hấp thụ tốt trên thị trường. Đến cuối năm 2023, chúng tôi đã bàn giao 97% sản phẩm tại đây.
Doanh thu năm 2023 đạt gần 3.900 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận 175 tỷ đồng, vượt 75% kế hoạch được phê duyệt tại Đại hội Cổ đông thường niên.
PV: Chiến lược "thận trọng và ứng phó" được Tập đoàn triển khai ra sao?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Có 3 yếu tố then chốt trong chiến lược của chúng tôi.
Đầu tiên, suốt nhiều năm qua chúng tôi luôn theo đuổi, tập trung phát triển dòng sản phẩm cốt lõi là bất động sản vừa túi tiền. Thực tế, bất động sản vừa túi tiền thường cắt giảm các tiện ích để tối ưu chi phí, nhưng An Gia luôn muốn tăng số lượng tiện ích để cư dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Chúng tôi sẵn sàng hy sinh diện tích sở hữu riêng của chủ đầu tư hoặc đất thương mại để làm các tiện ích cho cư dân khi cần thiết.
Chẳng hạn như Westgate ở Bình Chánh có đầy đủ hồ bơi Olympic, hồi bơi trẻ em, sân chơi trong nhà và ngoài trời, khu thể thao, khu BBQ, phòng tiệc. Dự án cũng có công viên nội khu rộng đến 1,9 ha. Dự án The Standard Bình Dương cũng bỏ ra gần 1.000 m2 đất thương mại để xây tiện ích.
Yếu tố thứ hai là chúng tôi luôn trăn trở làm sao phục vụ, chăm sóc cư dân tốt nhất. An Gia luôn xác định đồng hành cùng cư dân trong suốt thời gian họ đến ở.
Trong quá trình triển khai kinh doanh hay phát triển dự án, "chăm sóc cư dân" trở thành từ khóa, kim chỉ nam cho các quyết định. Chúng tôi chăm chút thiết kế, chất liệu dùng cho căn hộ, tạo ra tiện ích đa dạng đồng thời mong muốn duy trì chất lượng của sản phẩm hàng chục năm chứ không phải làm ra rồi cất đi vì không có chi phí vận hành. Nhờ vậy mà cư dân khi tìm hiểu dự án đều muốn mua và chốt mua rất nhanh.
Yếu tố thứ ba là thượng tôn pháp luật. Thị trường càng khó càng phải tuân thủ pháp luật. Khi đã làm đúng, An Gia không cần phải lo lắng thêm điều gì nữa. Đến nay, tôi tự hào doanh nghiệp đang làm tốt việc này.
Chúng tôi cũng có sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước tại các địa bàn đầu tư. Khi phát triển một dự án, sẽ có nhiều vấn đề xoay quanh. Nếu không có cơ quan Nhà nước hỗ trợ, đồng hành, gỡ khó, chúng tôi không làm gì được.
Ngoài ba yếu tố trên, may mắn cũng là một phần giúp An Gia có kết quả kinh doanh ấn tượng. Chúng tôi may mắn bán được sản phẩm, may mắn có sự đồng hành của khách hàng, may mắn khi được đối tác, nhà thầu tin tưởng. Song hành cùng An Gia là rất nhiều doanh nghiệp đầu ngành như CBRE, Savills, Coteccons, Ricons, Newtecons, Hafele, An Cường, Schneider, Siemens… các ngân hàng, đối tác nước ngoài.
- PV: Tập đoàn có những chính sách gì để hỗ trợ người mua nhà trong giai đoạn khó khăn?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: An Gia luôn phát triển các sản phẩm để người dân có thể mua ở được. Bên cạnh yếu tố giá, chúng tôi có rất nhiều chính sách phù hợp. Đầu tiên là hợp tác với các ngân hàng lớn để hỗ trợ vốn vay dài dạn. Chủ đầu tư cũng hỗ trợ lãi vay. Ví dụ với Westgate, ngân hàng cho vay đến 70%, còn lại chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất và ân hạn nợ gốc trong 24 tháng. Ban đầu chúng tôi không có chính sách này nhưng chúng tôi quan sát thị trường, thấy người dân gặp khó nên đề ra các ưu đãi để hỗ trợ.
Có một số trường hợp khách chậm trả do cư dân khó khăn. Với các trường hợp này, chúng tôi thường xuyên tìm hiểu lý do để có cách đồng hành phù hợp, hỗ trợ họ đóng tiếp. An Gia luôn muốn đi cùng chứ nhất quyết không bỏ cư dân.
Chúng tôi cũng hỗ trợ về phí quản lý. Như đã chia sẻ, tập đoàn sẽ dùng một phần doanh thu khai thác thương mại để đóng góp vào phí quản lý. Với người mua trả nhanh, An Gia luôn có mức chiết khấu tốt.
Với sản phẩm, nếu tập đoàn thấy giá bán chưa tốt thì sẵn sàng chiết khấu lại. Có nhiều sản phẩm shophouse, chúng tôi có chính sách thuê lại, ký hợp đồng ngay lập tức, ít nhất 1-2 năm. Chính sách này giúp người mua ngay lập tức có được nguồn thu.
- PV: Đâu là kế hoạch trọng tâm của An Gia lúc này?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Thị trường bắt đầu có những dấu hiệu tốt như ở phân khúc chung cư, bất động sản du lịch. Nhưng dư chấn từ năm 2023 vẫn còn đó, nhất là mảng tín dụng với gần 234 nghìn tỷ trái phiếu đáo hạn và lô chậm trả 99,7 nghìn tỷ.
Hiện các ngành nghề đang dần phục hồi tốt hơn như du lịch, logistics, năng lượng. Khi dòng tiền dịch chuyển, xoay vòng, kinh tế sẽ đi lên và bất động sản sẽ bán được.
Với bức tranh đó, năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các phân đoạn còn lại loạt dự án như Westgate, The Standard Bình Dương. Ngoài giỏ hàng có sẵn, chúng tôi phát triển thêm các sản phẩm mới, vẫn tập trung vào cốt lõi là bất động sản vừa túi tiền. Có hai dự án mới là The Gió Riverside tại Bình Dương và dự án The Lá Village quy mô khoảng 27 ha tại Bình Chánh. Đây là hai dự án lớn và then chốt trong giai đoạn 3-4 năm tới mà chúng tôi cần chuẩn bị kỹ trước khi ra mắt thị trường.
Thị trường vẫn còn khó khăn nhất định nên tập đoàn cần nhìn lại, đánh giá vì sao năm 2022-2023 thành công và tiếp tục phát huy thế mạnh. Tiêu chí của doanh nghiệp là sản phẩm sau phải tốt hơn dự án trước. Cũng vì thế, hai dự án sắp ra mắt sẽ có ba dòng sản phẩm mới mà chúng tôi chưa từng làm trước đây như khu thấp tầng, nhà ở xã hội và trường học.
Với hai dự án mới, chúng tôi sẽ có gần 10.000 sản phẩm trong 3-5 năm tiếp theo. Điều này đặt vấn đề về việc mở rộng đội ngũ, nâng cao chất lượng nhân sự. Chúng tôi có nhiều kế hoạch để đào tạo, phát triển kỹ năng chuyên môn, tuyển dụng thêm lao động. Đồng thời, tập đoàn tiếp tục nâng cao văn hóa doanh nghiệp.
Ở An Gia, văn hóa của chúng tôi là "be work" - tức là làm việc hăng say, nhiệt huyết, "be respect" - tức nhận được sự tôn trọng, "to be seen - to be heard" - tức được nghe, được nhìn và được công nhận về những đóng góp. Từ đó, người lao động tại An Gia sẽ "to be proud" - tức cảm thấy tự hào về công ty và bản thân.
Để làm được tất cả những điều trên, tôi lại nhắc đến yếu tố pháp luật. Bước đi càng xa, tiến đi càng nhanh càng phải tuân thủ pháp luật.
Với những định hướng đó, tôi tin kết quả kinh doanh năm 2024 sẽ tốt hơn năm 2023 rất nhiều. Còn tốt hơn bao nhiêu sẽ được trình bày và công bố tại Đại hội Cổ đông sắp tới.
- PV: Vì sao An Gia phát triển các loại hình sản phẩm mới?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Cốt lõi của chúng tôi vẫn là các sản phẩm vừa túi tiền. Dòng sản phẩm này vẫn chiếm đại đa số. Tuy nhiên, khi quy mô các dự án lớn hơn, nếu làm một loại hình sẽ không tiêu thụ hết. Trước đây, chúng tôi có 3.000 sản phẩm. 5 năm tới con số lên đến 10.000. Chúng tôi phải đa dạng các loại hình để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Chẳng hạn, khu thấp tầng, mô hình khu compound theo quan sát đang được nhiều người ưa thích. Với nhà ở xã hội, đây là trách nhiệm của chúng tôi với cộng đồng. Khi doanh nghiệp phát triển đủ lớn, quy mô sản phẩm đủ nhiều, chúng tôi phải đóng góp ngược lại cho sự phát triển của xã hội. Còn với mô hình trường học, đây là cách chúng tôi đa dạng hóa các tiện ích cho cư dân. Ngay trong nội khu đã có thể tiếp cận với môi trường giáo dục chất lượng.
Thực tế, ngoài hai dự án lớn đã chia sẻ, chúng tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tiên về pháp lý cho hai dự án khác. Quy mô khoảng 3.000 sản phẩm. Dự án đầu tiên là chung cư, còn thứ hai là văn phòng. Chi tiết ra sao tôi sẽ công bố khi hoàn thiện khâu pháp lý.
Về lâu dài, chúng tôi nghiên cứu quỹ đất mới để triển khai 5 dự án nữa. Loạt dự án đều trong giai đoạn lên ý tưởng, nằm ở nhiều địa bàn như quận 7, quận 8, TP Thủ Đức, Bình Dương. Các dự án này cung cấp khoảng 10.000 sản phẩm.
Tập đoàn luôn có quy tắc là không đầu tư dàn trải, quá sức mà tập trung vào thế mạnh, làm đúng năng lực. Đây là điều chúng tôi "hạnh phúc" vì khi phát huy đúng năng lực, doanh nghiệp sẽ phát triển ổn định, bền vững.
- PV: Theo ông, Luật Đất đai sửa đổi áp dụng từ năm 2025 có tác động thế nào đến thị trường?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Gần đây, tôi dự một hội thảo lớn về bất động sản cùng rất nhiều chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị. Nhìn chung tất cả đều rất hồ hởi vì đứng trước một thời cơ mới của thị trường. Chưa thời điểm nào, chính phủ sửa đổi cùng lúc nhiều luật lớn để hỗ trợ thị trường bất động sản và tài chính như hiện nay. Đây là điều đáng mừng, tín hiệu vui cho ngành.
Với luật mới, người mua sẽ được bảo vệ quyền lợi nhiều hơn trước đây. Các nhà phát triển, chủ đầu tư phải kỹ lưỡng, chăm chút hơn trong quá trình triển khai dự án. Khung giá đất được cập nhật mỗi năm giúp thị trường minh bạch, rõ ràng hơn. Các quy định về đất nông nghiệp sẽ giúp khu vực nông thôn giàu lên nhanh hơn. Điều này đồng nghĩa với kinh tế tăng trưởng, nhiều ngành nghề cũng phát triển theo.
Tuy nhiên, tôi nghĩ những chính sách mới cũng cần thời gian để thật sự đi vào cuộc sống. Chắc chắn trong quá trình áp dụng sẽ còn nhiều vướng mắc. Lúc này, rất cần các đơn vị, chính quyền ngồi lại lắng nghe và tiếp tục tháo gỡ. Vướng mắc là điều khó tránh nhưng tôi tin tưởng Luật Đất đai sửa đổi sẽ giúp thị trường đi lên.
Hơn hết, tôi tin năm 2024 là bản lề để bất động sản tăng trưởng ổn định.
- PV: Đảm nhiệm vị trí CEO của tập đoàn, quan điểm điều hành, quản trị doanh nghiệp của ông là gì?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Tôi may mắn có cơ hội kinh qua nhiều vị trí cả ở ngành bất động sản, xây dựng, dầu khí hay resort ở nhiều tập đoàn đa quốc gia hay các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Tôi luôn hiểu bất động sản, cụ thể hơn là một ngôi nhà luôn là ước mơ cả đời của mọi người dân. Chính vì thấu hiểu điều này nên tôi luôn dồn hết cái tâm, sự chính trực, nhiệt huyết, kiến thức để phát triển sản phẩm. Các căn hộ ra đời phải là nơi người dân muốn sống, gắn bó cả đời.
Mỗi khi nhận phản ánh từ người mua, tôi luôn thấy khó chịu vì mình làm chưa tốt. Nhưng chính những phản ánh này giúp chúng tôi cải thiện để làm tốt hơn. Phải làm họ hài lòng. Nếu họ không hài lòng thì chúng tôi biết bán cho ai?
Với nhân viên, những người đồng hành để tạo ra sản phẩm, tôi quan niệm họ phải được hưởng thụ công sức lao động. Chính sách của công ty là thu nhập luôn bằng hoặc cao hơn thị trường. Muốn có thu nhập cao thì doanh thu công ty phải cao, phải bán được sản phẩm. Đây là trách nhiệm của ban điều hành, phải phát triển được sản phẩm đủ tốt để bán được hàng. Doanh nghiệp phải tiết kiệm để mang tiền về phục vụ cho việc kinh doanh, cho đội ngũ nhân viên thụ hưởng và phát triển xã hội.
Bất động sản cũng không phải ngành một người có thể làm được. Tạo ra dự án là chất xám của cả một đội ngũ, sự phối hợp của nhiều bên. Vì vậy đội ngũ cần phải có kỹ năng làm việc nhóm, cần tôn trọng sự khác biệt, dùng nhiệt huyết và đoàn kết để tạo nên kết quả.
Cuối cùng, quy tắc của tôi luôn là thượng tôn pháp luật./.