Aa

CEO Nguyễn Hữu Thái Hòa: Chúng ta đang đứng nhìn thế giới đổi thay

Thứ Tư, 13/12/2017 - 06:00

"Mặc cho dòng tiền đang chạy điên cuồng xung quanh, dòng tiền này lại không dừng ở đáy phễu bởi thế giới đang thay đổi nhưng chính chúng ta không chịu phát triển".

Đánh giá về cơ hội của Việt Nam trong thời kì cách mạng công nghệ 4.0, CEO Nguyễn Hữu Thái Hòa – Chủ tịch Hội tri thức Knowhow Center 3.0 và Giám đốc chiến lược Tập đoàn VNPT cho rằng, Việt Nam hiện đang nằm trong vùng phủ tốt nhất của mọi giao dịch.

Theo ông, nếu đặt vòng tròn 12 giờ bay xung quanh tâm Hà Nội thì Việt Nam hiện đang phủ sóng năm trung tâm tài chính toàn cầu và khoảng 40% dòng tiền trên thế giới.

Thế nhưng ông Nguyễn Hữu Thái Hòa lại cho rằng, mặc cho dòng tiền đang chạy điên cuồng xung quanh, dòng tiền này lại không dừng ở đáy phễu bởi thế giới đang thay đổi nhưng chính chúng ta không chịu phát triển.

Từng ngành nghề, từng tuy duy và từng cách hành xử đều có những vấn đề đọng lại mà Nguyễn Hữu Thái Hòa gọi đó là những “cục máu đông”. Việt Nam đang giữ những thứ cực kì lạc hậu để bảo vệ quyền lợi của một nhóm người.

Theo ông Hòa, cách mạng 4.0 thực sự là cuộc cách mạng thay đổi Việt Nam nhưng vấn đề không nằm ở công nghệ mà vấn đề nằm ở cách chúng ta hành xử.

Để trao đổi rõ thêm xung quanh vấn đề công nghệ 4.0 cũng như đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, PV đã có cuộc phỏng vấn ngắn với ông Nguyễn Hữu Thái Hòa.

PV: Theo ông, chúng ta nên hiểu như thế nào cho đúng về cách mạng công nghiệp 4.0?

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa: Bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất cho mọi người và biểu hiện rõ nhất của công nghiệp 4.0 chính là thế giới ảo của Facebook và về mặt công nghệ, nó chính là hình ảnh giống như Uber vào Việt Nam.

Tôi không dùng hai biểu tượng này để lăng xê mà dùng nó như một từ khóa.

Trước đây 10 năm, không ai có thể tưởng tượng được cách tiếp cận tri thức, việc trao đổi thông tin lại mạnh mẽ như Facebook hiện nay. Nó đã trở thành một đời sống thật chứ không còn là một thế giới ảo.

Với Uber, không sở hữu xe, không sở hữu khách hàng của các hãng taxi nhưng lại đang tạo ra sự thay đổi đối với toàn bộ tư duy của ngành giao thông vận tải.

Chúng ta có những loay hoay khi thì chống họ, khi lại làm khó họ nhưng cuối cùng, sự tiến hóa và giá trị của người tiêu dùng cũng như xã hội được nâng lên rất nhiều khi chúng ta có được sự phục vụ của công nghệ 4.0.

Và rõ ràngm cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang đi vào Việt Nam dù chúng ta có muốn hay không. Chúng ta đang thực sự có một cuộc cách mạng đi vào đời sống chứ không còn là cuộc cách mạng của các chuyên gia.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc áp dụng công nghệ 4.0 trong các doanh nghiệp hiện nay?

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa: Về việc áp dụng công nghệ 4.0, tôi nhìn rõ thấy có hai thế hệ.

Thứ nhất là những người cuối cùng của thế hệ X – thế hệ được cho là hơi bảo thủ vì bản chất họ chưa giỏi và am hiểu về công nghệ.

Thứ hai là thế hệ trẻ âm thầm làm công nghệ từng ngày từng giờ và trong từng ngành nghề, lĩnh vực. Họ chấp nhận nền tảng phát triển công nghệ và đây chính là lực lượng tạo ra động lực thay đổi lớn nhất cho xã hội Việt Nam hiện nay.

Tôi gọi đây là lực lượng Uber hay lực lượng hành động, khác hẳn với lực lượng chúng ta gọi là những người của giáo điều và lý thuyết.

Tôi nhận thấy Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn nhưng cũng rất thách thức để có thể tạo ra một nền tảng thay đổi.

PV: Ông kì vọng gì vào doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ trong việc đón được làn sóng công nghệ 4.0 cũng như tận dựng những cơ hội từ cuộc cách mạng này?

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa: Đây là một cuộc cách mạng người Việt Nam hoàn toàn có thể bắt được và chúng ta thuận lợi hơn trong cách mạng 4.0 vì chúng ta có một nền tảng và hạ tầng công nghệ thông tin quá tốt.

Nếu Uber vào Myanmar sẽ không có hạ tầng Internet tốt để triển khai nhưng khi vào Việt Nam thì thắng ngay. Còn rất nhiều các giải pháp khác giống như Uber đang chờ đợi để tận dụng và tạo ra tài sản trên một hạ tầng rộng thênh thang của FPT, VNPT hay Viettel.

Tôi dùng rất nhiều từ khóa Uber để nhấn mạnh và kì vọng rằng mọi ngành mọi nghề trong nền kinh tế Việt Nam sẽ có hàng ngàn Uber khác và chúng tôi đang làm những công việc như Uber trong giáo dục, Uber trong y tế, Uber trong truyền thông…

Giá trị của người trẻ được thể hiện qua ba làn sóng chính. Đầu tiên là những công ty, những tập đoàn công nghệ hàng đầu như FPT, VNPT, Viettel những năm 80 và thực chất, đó là làn sóng làm gia công công nghệ cho nước ngoài.

Làn sóng thứ hai là làn sóng làm app, làm dịch vụ nhưng cuối cùng, làm sóng quan trọng nhất là làn sóng của những người sở hữu trí tuệ và sở hữu nền tảng công nghệ.

Đại diện cho làn sóng cuối cùng mà chúng tôi đặt hy vọng đó là Nguyễn Hà Đông – một hình tượng đem lại hứng khởi cho rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp. Và tôi cho rằng, tinh thần này sẽ tạo ra giá trị thay đổi lớn, tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động của toàn dân lên gấp nhiều lần.

PV: Vậy để đạt được những sự kì vọng như trên thì theo ông, cộng đồng doanh nghiệp cần phải làm gì?

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa: Đây là một đầu bài mà tôi nghĩ rằng mọi giá trị tri thức của doanh nghiệp cần phải thay đổi chính mình để đạt được.

Nếu như trước đây, chúng ta nhìn các phát minh và công nghệ cao rất xa vời thì hiện nay chúng vô cùng gần gũi trong đời sống. Ví dụ như công nghệ in 3D, chỉ cần vài nghìn đô là hoàn toàn có thể mua được những thiết bị in 3D trong ngành may mặc hay tạo đồ chơi trẻ em.

Thế nhưng vấn đề sau những diễn biến của cách mạng công nghệ lần thứ tư là cách người Việt Nam hành xử như thế nào. Nếu công nghệ cũng như tốc độ thay đổi đang diễn ra nhanh chóng nhưng chúng ta tự đóng lại, tự đứng ngoài cuộc chơi thì nó chẳng tác động gì đến chúng ta cả.

Cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, thay đổi về công nghệ và thay đổi nhiều thứ trên toàn cầu nhưng không quan trọng bằng việc thay đổi chính chúng ta. Nếu chúng ta không muốn thay đổi, không ai có thể giúp được chúng ta.

Cám ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top