Aa

Ông Trương Gia Bình nêu 3 "nỗi sợ hãi thường trực" của doanh nghiệp Việt

Thứ Tư, 06/12/2017 - 06:00

Khó tiếp cận thông tin từ cơ quan nhà nước, hình sự hóa quan hệ kinh tế và cán bộ quan liêu nhũng nhiễu đang là những “nỗi sợ hãi” thường trực đối với hoạt động doanh nghiệp cần cải thiện ngay lập tức.

Đó là kết luận tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp “Tiếp nhận xử lí phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức tại TP HCM.

Quá nhiều rào cản

Theo đánh giá của ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, trong số 100 doanh nghiệp được khảo sát về cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua, 64% doanh nghiệp than phiền khó khăn thủ tục tiếp cận thông tin thông qua khối cơ quan nhà nước, thứ 2 là hình sự hóa kinh tế, thứ 3 là cách làm việc quan liêu hành chính và cuối cùng các cán bộ có biểu hiện gây khó khăn lợi ích cục bộ, nhũng nhiễu.

Có tới 73% doanh nghiệp nêu liên quan 4 vấn đề gồm Nhập khẩu với quá nhiều thủ tục, giao đất, yếu tố cấp thẻ APEC và là các thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Nhìn chung, doanh nghiệp không phàn nàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ thời gian qua. Doanh nghiệp cũng ghi nhận những nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, phần tiếp cận đất đai vẫn là yếu tố chiểm tỷ lệ phàn nàn cao (28%).

“Các vấn đề tiếp theo là cổ phần hóa, xử lý nợ xấu và thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cũng đang có những “thang” đánh giá khác nhau, không hoàn toàn tích cực. Như vậy đây là bức tranh nhiều chiều có tốt và không tốt, phản ánh nỗ lực cải cách vượt qua khó khăn của cả nền kinh tế giai đoạn qua”, ông Bình nói.

Phản ánh các khó khăn, vướng mắc đối với từng ngành cụ thể, đại diện các doanh cho biết: Đối với ngành nông nghiệp là chính sách thu hút đầu tư chưa hiệu quả, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao chưa phù hợp, doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các cơ chế ưu đãi. Ngoài ra ngành nông nghiệp chưa có sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa.

Hay trong lĩnh vực tài chính, các doanh nghiệp cho rằng, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chậm, cần phải đẩy nhanh tốc độ và theo lộ trình rõ ràng từ đầu.

 Doanh nghiệp vẫn kêu trời vì

Doanh nghiệp vẫn kêu trời vì "ma trận" thủ tục hành chính

Nỗ lực cải thiện

Theo đánh giá của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nhìn chung, các doanh nghiệp đã tích cực tham gia và đánh giá cao trọng tâm cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, trong đó việc hội nhập quốc tế là một điều kiện nền tảng đã thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề chồng chéo, rào cản chia sẻ thông tin, tiếp cận thông tin qua cán bộ… vẫn còn là rào cản lớn.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng dẫn xếp hạng cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam lên tới 16 bậc, đứng thứ 68 theo đánh giá của Báo cáo Môi trường Kinh doanh của World Bank 2017 như một dẫn chứng cho thấy những cải cách hành chính của Việt Nam đã và đang đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.

Theo ông Dũng, trong 11 tháng đầu năm 2017, 110 ngàn doanh nghiệp hoạt động, cả năm nay sẽ đạt con số khoảng 120 ngàn doanh nghiệp. Xuất khẩu 11 tháng 193 tỷ USD, nông nghiệp sẽ đạt 36,2 tỷ USD, đây là cơ hội thu hút đầu tư vào nông nghiệp rất tốt.

“Hội đồng tư vấn sẽ tiếp tục tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời tiếp thu các đóng góp giải pháp để trình Thủ tướng Chính phủ có những thay đổi kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất. Trước mắt là bằng mọi cách giảm chi phí logistics xuống mức hợp lý nhất cho doanh nghiệp tăng thêm sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Dũng nói.

“Vừa qua tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các cơ quan liên bộ và nhận thấy riêng trong lĩnh vực nhập khẩu các doanh nghiệp mỗi năm chi tiêu tốn thêm 15 nghìn tỷ đồng chi phí kiểm tra chuyên ngành. Điều này cho thấy những rào cản lớn cần tháo gỡ vẫn còn nhiều”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top