Aa

Cha dắt con đi dạo bị đâm tử vong và "cái chết" của doanh nghiệp

Thứ Năm, 07/03/2019 - 06:01

Tháng trước, dư luận bàng hoàng về chuyện người cha dắt con đi dạo ở công viên bị đâm tử vong chỉ vì tiếng hô “bắt cóc trẻ con”. Có doanh nhân chua chát tâm sự, doanh nghiệp nhiều khi cũng “chết” vì những thông tin oan nghiệt kiểu như vậy…

Dư âm của câu chuyện chưa thể nguôi ngoai về nỗi đau con mất cha, vợ mất chồng, mẹ mất con, và cả nỗi lo về sự bất an, tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào sau tiếng tri hô “bắt cóc trẻ em".

Lý do hết sức vu vơ.

Người cha dắt con nhỏ dạo chơi trong công viên ở thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đứa con đi vòng quanh chậu cây cảnh, người cha đi theo sau trông chừng. Bà bán vé số tri hô “ông này bắt cóc trẻ em”. Một thanh niên mới uống rượu xong cũng dạo chơi gần đó liền lao tới can thiệp. Người cha giải thích đứa trẻ là con mình nhưng người thanh niên không tin và xảy ra cãi cự to tiếng. Người thanh niên liền chạy vào một quán gần đó lấy dao đâm người cha tử vong.

Nói gì thì nói, người thanh niên, thủ phạm gây án mạng đáng bị lên án và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Tuy nhiên, có một nhân vật là nguồn cơn gây nên câu chuyện nhưng lại dễ bị mọi người bỏ qua, đó là “bà bán vé số” với tiếng hô “bắt cóc trẻ em”. Mới chỉ nhìn thấy một người lớn đi theo một đứa trẻ, đã “nghi là bắt cóc trẻ em”. Rồi mới chỉ “nghi ngờ” thế thôi đã vội khẳng định và lớn tiếng tri hô “bắt cóc trẻ em”…

Thế là án mạng đau xót xảy ra.

Có rất nhiều điều để bàn qua câu chuyện thương tâm này và pháp luật sẽ xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội. Nhưng cho dù trừng phạt kẻ phạm tội như thế nào thì người chết cũng không thể sống lại.

Dẫn lại câu chuyện trên, tôi thực lòng không muốn xát thêm muối vào nỗi đau của gia đình mất người thân, mà chỉ muốn nói một điều rằng, một thông tin không chính xác được đưa ra, dù là “vu vơ” hoàn toàn có thể giết chết một con người, theo cả nghĩa bóng, nghĩa rộng và nghĩa đen. Và không phải chỉ là anh thanh niên say rượu manh động đâm chết người cha dắt con đi dạo, ngay các doanh nghiệp nhiều khi cũng sống dở chết dở vì những thông tin giống như tiếng tri hô “bắt cóc trẻ em” của “bà bán vé số” nói trên.

Dư luận hẳn chưa quên cách đây 3 năm, Công ty chế biến thực phẩm Việt, gọi tắt là Viet Foods đã xất bất xang bang, chỉ vì cơ quan quản lý thị trường kiểm tra và công bố nghi vấn xúc xích của Viet Foods “chứa chất cấm gây ung thư” khi chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn. Mặc dù sau đó, Viet Foots đã được minh oan, nhưng những thiệt hại về cả kinh tế và giá trị thương hiệu thì không dễ gì khắc phục được.

Hay như cách đây 1 năm, Công ty CP Con Cưng cũng điêu đứng sau vụ quản lý thị trường đồng loạt kiểm tra chuỗi cửa hàng rồi cán bộ quản lý thị trường có những phát ngôn gây dư luận hiểu là Con Cưng buôn lậu, bán hàng giả. Đến khi Bộ Công Thương ráo riết vào cuộc và công bố “Con cưng không buôn lậu, không bán hàng giả” thì doanh nghiệp cũng đã… no đòn.

Trên đây là hai trong số không ít vụ việc doanh nghiệp gánh chịu hậu quả, lãnh đủ thiệt hại vì những thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác được tung ra một cách vội vàng, không hiểu do vô tình hay cố ý.

Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Còn rất nhiều oan nghiệt đối với doanh nghiệp khó nói thành lời và nhiều khi không biết ngỏ cùng ai.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nợ thuế cũng có ba bảy đường và trong trường hợp cụ thể còn được pháp luật cho phép. Nhưng chỉ cần cơ quan chức năng vào kiểm tra rồi công bố doanh nghiệp nọ nợ ngần này tỷ tiền thuế và những thông tin mập mờ dẫn dắt dư luận đến sự “trốn thuế’ mà không lý giải nguyên nhân, lý do của sự nợ thuế… cũng có thể gây tổn hại về uy tín, về thương hiệu cho doanh nghiệp không nhỏ.

Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật đã là sự giả dối”. (Ngạn ngữ Nga)

Thanh tra, kiểm tra là hoạt động bình thường trong quản lý. Có thanh tra kiểm tra đột xuất, nhưng có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra mang tính thường kỳ, được lên kế hoạch sẵn từ trước. Ấy thế nhưng, chỉ cần một thông tin doanh nghiệp ấy, doanh nghiệp nọ bị thanh tra, kiểm tra được tung ra cũng có thể bị khai thác để hướng dư luận theo cách hiểu tiêu cực, “không có lửa làm sao có khói”, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Rồi trong quá trình thanh tra, kiểm tra, khi kết quả còn chưa được kết luận chính thức, những thông tin úp mở theo kiểu rỉ tai cũng có thể làm dậy sóng dư luận. Để rồi tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, chờ đến khi có kết luận chính thức thì doanh nghiệp cũng đã lãnh đủ. Và bát nước đổ xuống không thể hốt lại đầy; tiếng xấu dễ gây ấn tượng, còn sự nói lại nhiều khi lại chẳng ai để ý.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp sợ thanh tra, kiểm tra không chỉ bởi bị gây phiền nhiễu mà sợ cái tai tiếng “bị thanh tra”, “bị kiểm tra” cũng không kém.

Thương hiệu bây giờ đều được xác định giá trị cụ thể. Vì vậy bất cứ sự tổn hại về uy tín, thương hiệu nào đều là sự tổn thất vật chất có thể đong đếm được. Thậm chí trên thực tế, sự tổn thất còn lớn hơn nhiều bởi để gây dựng được thương hiệu uy tín phải tốn mồ hôi nước mắt, công sức tiền bạc và thời gian; nhưng uy tín, thương hiệu đã bị ảnh hưởng thì để khôi phục lại không hề dễ dàng.

Thế là, dù có chủ ý hay vô tình, việc vội vàng công bố hay phát tán thông tin thiếu chính xác, không đầy đủ về các cuộc kiểm tra, thanh tra nhiều khi để lại hậu quả khôn lường cho doanh nghiệp. Và suy cho cùng, nó cũng chẳng khác gì tiếng kêu “bắt cóc trẻ em” của bà bán vé số trong câu chuyện trên dẫn đến cái chết thương tâm của người cha vô tội.

Điều trớ trêu là kẻ đâm chết người cha dắt trẻ đi dạo thì sẽ bị khép tội, còn người tri hô để dẫn đến kết cục thương tâm ấy thì lại được coi là vô tội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top