Aa

Chán phố, ông lớn BĐS “kéo nhau” về quê

Thứ Bảy, 15/04/2017 - 06:00

Tìm kiếm một không gian sống và thư giãn lý tưởng luôn là nhu cầu cần thiết của nhiều khách hàng hiện nay, nhất là trong giai đoạn các khu trung tâm, đô thị ở những thành phố lớn đang ngày càng trở nên đông đúc, ngột ngạt. Vì thế, không khó hiểu khi thời gian gần đây, giới đầu tư, đặc biệt là những người luôn chú trọng chất lượng sống – đang có xu hướng dịch chuyển về các tỉnh, hoặc các vùng ngoại vi thành phố.

Trong số những tên tuổi lớn nhất hướng đến BĐS ở các tỉnh lẻ phải kể đến Tập đoàn Vingroup. Được biết đến nhiều với những dự án khu đô thị quy mô lớn tại Hà Nội, TP. HCM và những dự án nghỉ dưỡng tại Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Quốc, nhưng tên tuổi của tập đoàn này gần đây cũng gắn liền với nhiều dự án BĐS ở các tỉnh nhỏ, với quy mô lên tới cả ngàn tỷ đồng, như Dự án Khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại và shophouse Vincom tại TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh; Dự án tổ hợp khách sạn 5 sao - Trung tâm thương mại và nhà phố shophouse tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Trước đó, Vingroup cũng đã tiến hành đầu tư 2 dự án lớn tại Quảng Ngãi là khu tổ hợp thương mại trên đường Lê Quý Đôn, TP. Quảng Ngãi và khu nghỉ dưỡng 2.000 ha ở bãi biển Bình Châu, Bình Sơn. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đầu tư tại nhiều tỉnh, thành khác như Hà Tĩnh, Yên Bái, Hậu Giang, Thái Bình, Tuyên Quang…

Điển hình khác trong câu chuyện “xa phố về quê” chính là sự kiện Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Đông Á (thuộc Tập đoàn Alphanam) công bố ra mắt dự án Golden City An Giang tại TP. Long Xuyên vào cuối 2016 vừa qua. Theo đại diện Alphanam, Long Xuyên là một thị trường mới nổi của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, nên việc đầu tư trong dài hạn không chỉ mang lại giá trị cho địa phương, mà còn là cơ hội gặt hái cho nhà đầu tư nếu biết cách tận dụng tốt.

Trước đó, vào năm 2015, Vingroup cũng đã khai trương Trung tâm thương mại Vincom An Giang tại số 1242 Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên. 

Anh Mai Văn Bình, một doanh nghiệp địa ốc đầu tư vào An Giang cho hay, ở những tỉnh lẻ trong đó có An Giang, doanh nghiệp không những nhận được nhiều chính sách ưu đãi về thuế hấp dẫn, thủ tục dự án không bị "gây khó dễ" như ở các đô thị lớn mà hạ tầng giao thông ở những khu vực này hiện nay đang dần hoàn thiện, các dự án chủ yếu nằm trên các trục đường cao tốc dẫn thẳng vào trung tâm nên việc di chuyển khá thuận lợi.

để an toàn giới đầu tư tìm đến nhiều địa chỉ mới để giảm thiểu rủi ro.

Để an toàn giới đầu tư tìm đến nhiều địa chỉ mới để giảm thiểu rủi ro. Ảnh minh họa.

Tại tỉnh Bình Thuận, dù địa điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng Mũi Né được đầu tư bài bản, hiệu quả, nhưng hiện nay, nhiều nhà đầu tư thứ cấp lại chọn TP. Phan Thiết để “chi tiền”. Theo thống kê của Savills, có đến 80% người mua BĐS Phú Quốc đến từ Hà Nội và 15% đến từ TP. HCM, những người mua chủ yếu là để đầu tư hoặc nghỉ dưỡng. “Các dự án này nhờ có chiến lược tiếp thị bài bản, uy tín của chủ đầu tư, tiến độ xây dựng tốt và những bãi biển hoang sơ, nên rất thu hút các nhà đầu tư”, Savills nhận định.

Nguyên nhân của sự dịch chuyển đầu tư đến từ các đại gia BĐS được các chuyên gia lý giải rằng, tại các thành phố khác, quỹ đất còn nhiều, do đó các nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn. Thêm vào đó hiện nay, các địa phương, thành phố cũng đang tạo những ưu đãi về đất đai, thuế  khuyến khích nhà đầu tư, do đó thu hút phát triển BĐS.

Ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đánh giá, ưu điểm của nhiều tỉnh, thành cỡ vừa và nhỏ là việc sở hữu quỹ đất “sạch” rất lớn, đồng thời nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ chính quyền địa phương, đặc biệt là những khu vực đang trên đà phát triển và bắt đầu có nhu cầu cao về nhà ở.  Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến các doanh nghiệp địa ốc đua nhau đầu tư vào thị trường các tỉnh và ngoại vi thành phố chính là do sự bão hòa của thị trường tại các trung tâm hành chính kinh tế lớn của cả nước.

Nhiều ý kiến khác cho rằng nếu như Hà Nội và TP. HCM phải chịu tác động mạnh do thăng trầm của giá BĐS thì tại các thành phố khác, giá nhà đất dường như vẫn “phẳng lặng“. Ngay cả sự biến động của thị trường BĐS giữa Hà Nội và TP. HCM cũng khác nhau. Do vậy, để an toàn giới đầu tư tìm đến nhiều địa chỉ mới để giảm thiểu rủi ro.

Tuy vậy, đầu tư BĐS ở các tỉnh lẻ không phải chuyện đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ mà đó là sân chơi dành cho những ai có tiềm lực tài chính đủ mạnh. Hơn nữa, thị trưởng tỉnh lẻ khác xa với thị trường tại các thành phố lớn, do đó một khi tính đến bài toán “về quê”, các chủ đầu tư phải có sự tính toán kỹ lưỡng về phân khúc theo đuổi dựa trên mặt bằng thu nhập của người dân tại khu vực đó.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo, mặc dù việc triển khai dự án tại các tỉnh lẻ được chính quyền địa phương tạo điều kiện hết sức song việc thi công không hẳn dễ dàng do các trở ngại về khí hậu. Chi phí cho những buổi tham quan, giới thiệu dự án, truyền thông, bán hàng… do khoảng cách về địa lý cũng là một yếu tố quan trọng mà các chủ đầu tư nên lưu tâm khi có quyết định đầu tư tại các tỉnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top