Những lý do không ngờ
Các vụ cháy nổ ở chung cư có thể bắt đầu từ những thói quen tưởng như vô hại của các cư dân, công nhân nhà thầu xây dựng hay thậm chí cả khách của cư dân tại chung cư đó. Quá trình đánh giá phân tích rủi ro đã chỉ ra rằng, điểm chung của các chung cư là có tầng hầm để xe. Nguy cơ cháy nổ sẽ đến từ bình xăng, chi tiết bằng nhựa, hệ thống dây diện… Các xe máy, ô tô không được bảo dưỡng định kỳ cũng có thể trở thành một quả bom tự động bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, có thể kể đến tàn thuốc lá, thủ phạm cháy nổ mà ít ai nghĩ tới. Hút thuốc lá dưới tầng hầm để xe, một tàn thuốc lá trong thang máy, khi rơi xuống khe thang, trúng hộp kĩ thuật điện… cũng khiến các vụ cháy có thể xảy ra. Đôi khi, vì chữ “tiện” và “ngại” mà rất nhiều gia đình đốt vàng mã ở lô gia. Trong trường hợp, tàn vàng mã bay theo chiều gió, có thể tiếp xúc với chăn, hay chiếu… những vật dụng dễ cháy sẽ châm ngòi cho hỏa hoạn.
Đối với các chung cư có khu thương mại hoặc một số căn hộ cần sửa chữa, quá trình khoan, hàn xì và thay đổi kết cấu thiết kế của căn hộ có thể gây chập điện, bắn tia lửa vào mồi dễ cháy như quần áo, bàn ghế gỗ. Đây là “ổ” cháy nổ của rất nhiều khu chung cư.
Một ví dụ khác về cháy nổ là do đốt hương, mặc dù chưa từng ghi nhận xảy ra ở chung cư nào nhưng đã có trung tâm thương mại tại TP. Hải Dương đã bị cháy vì đốt hương. Bởi nhiều người đốt hương xong không chờ hương tàn hết nên tàn hương có thể trở thành mối nguy hại khó lường.
Khi ý thức của cư dân và những người đến chung cư kém, họ có thể trở thành “thủ phạm” châm ngòi cho các vụ cháy nổ mà thực tế chính họ cũng không hình dung được hành động của mình sẽ gây hậu quả nghiêm trọng như vậy. Nếu mỗi một cư dân có ý thức bảo vệ môi trường thì đồng nghĩa sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ cháy nổ tại chung cư.
Hậu quả của cháy nổ không chỉ xuất phát từ hệ thống PCCC
Khi cháy nổ xảy ra và để lại hậu quả đáng tiếc, rất nhiều cư dân lên tiếng đổ lỗi cho hệ thống PCCC. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ rằng, ngoài hệ thống PCCC, thiết kế công trình cư dân và trình độ ý thức của mỗi người dân cũng được coi là một trong những tác động quyết định đến việc vụ cháy sẽ nhanh được khống chế hay càng lan rộng.
Đầu tiên, cần bàn tới chất lượng của hệ thống PCCC. Nếu chủ đầu tư cố tình cắt xén chi phí, đầu tư hệ thống PCCC với mức giá thấp, chất lượng kém dẫn tới khả năng hoạt động của hệ thống này kém thì hậu quả rất khôn lường. Bên cạnh đó, tính hiệu quả của hệ thống PCCC còn xuất phát từ việc thi công lắp đặt và bảo trì, duy tu. Quá trình thi công lắp đặt cũng như bảo dưỡng không đảm bảo đúng kỹ thuật cũng dẫn tới việc hệ thống PCCC hoạt động không hiệu quả.
Ở một số trường hợp khác, nhiều người thắc mắc rằng tại sao chuông báo cháy hàng ngày rất “nhạy cảm” nhưng cháy thật lại không hoạt động. Nguyên nhân thứ nhất là do quá trình bảo trì chưa đúng quy trình hoặc lỗi thiết bị. Nguyên nhân thứ hai, tại mỗi tòa nhà chung cư thường được chia thành các tầng, mỗi tầng được gọi là một “zone” (tùy thuộc vào mật đô dân cư). Tất cả tín hiệu báo cháy đều được thông báo về “Trung tâm báo cháy”, được thiết kế dạng tủ. Quy trình hoạt động của hệ thống báo cháy là một quy trình khép kín.
Khi có hiện tượng về sự cháy (chẳng hạn như nhiệt độ gia tăng đột ngột, có sự xuất hiện của khói hoặc các tia lửa) các thiết bị đầu vào (đầu báo, công tắc khẩn) nhận tín hiệu và truyền thông tin của sự cố về trung tâm báo cháy. Tại đây, trung tâm sẽ xử lý thông tin nhận được, xác định vị trí nơi xảy ra sự cháy (thông qua các zone) và truyền thông tin đến các thiết bị đầu ra (bảng hiển thị phụ, chuông, còi, đèn). Các thiết bị này sẽ phát tín hiệu âm thanh, ánh sáng để mọi người nhận biết khu vực đang xảy ra sự cháy và xử lý kịp thời.
Như vậy, tại “Trung tâm báo cháy” buộc phải có người trực 24/24 và là người có chuyên môn về PCCC. Khi nhận tín hiệu, người trực có vai trò phát tín hiệu đến các zone khác. Do đây là thiết bị báo tín hiệu nên yêu cầu buộc phải đảm bảo tính chính xác cao. Nếu không, trong tình huống cháy thật sự xảy ra, tín hiệu cháy không hoạt động như mong muốn, chỉ thông báo trong tầng xảy ra vụ cháy… hậu quả sẽ gia tăng.
Ngoài hệ thống PCCC, quá trình thiết kế và xây dựng chung cư đảm bảo các thông số kỹ thuật trong Luật PCCC là yếu tố hết sức quan trọng. Trước khi bản vẽ thiết kế được đưa vào thi công buộc phải qua vòng thẩm định. Bản thiết kế tòa chung cư yêu cầu tối thiểu 2 lối thoát hiểm, tùy thuộc vào mật độ dân cư. Tại hành lang cần lắp đặt hệ thống đèn tự sáng trong trường hợp khẩn cấp như cúp điện toàn bộ hệ thống chung cư. Bên cạnh đó, cánh cửa ở khu thoát hiểm phải thiết kế mở ra ngoài, có hệ thống thủy lực và cơ cấu tự đóng. Cánh cửa được yêu cầu làm bằng vật liệu chống chịu trong cháy.
Trong khu thoát hiểm, diện tích của buồng thang được quy định rõ ràng theo Luật PCCC. Các bậc cầu thang phải đều nhau để đảm bảo khi xảy ra cháy người dân di chuyển an toàn do trong thời điểm cháy, tâm lý hoảng loạn dễ dẫn tới xô đẩy, chen lấn.
Một vấn đề đáng quan tâm là khi các vụ cháy xảy ra, rất nhiều cư dân đổ xô đi mua các thiết bị phòng cháy như mặt nạ chống độc, thang thoát hiểm mà không hề hiểu bản chất của sự việc bắt nguồn từ đâu. Những vật dụng như mặt nạ chống độc, thang thoát hiểm đều dùng trong trường hợp khẩn cấp, không phải thường xuyên. Người dùng có thể nhìn thấy hướng dẫn sử dụng trên mạng nhưng thực tế khi thực hành lại không đáp ứng đúng quy trình hoặc giả sử sản phẩm này lại có hạn sử dụng chỉ trong vòng 1 - 2 năm thì đến thời điểm cần mà ngoài thời gian này thì sẽ không còn tác dụng. Như vậy, bỏ tiền ra mua những vật dụng khi không hiểu bản chất của nó là sự lãng phí.
Để một tòa chung cư đảm bảo an toàn trong PCCC, ý thức của người dân là yếu tố tiên quyết. Nếu thiết kế của tòa nhà chung cư đảm bảo đúng thông số kĩ thuật, hệ thống PCCC tốt nhưng người dân không biết sử dụng các thiết bị như bình cứu hỏa trong trường hợp cháy thì nguy cơ xảy ra hậu quả sẽ gia tăng đáng kể.
PCCC ở chung cư là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên
Để giảm thiểu tối đa hậu quả của cháy ở chung cư thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức “phòng cháy” hơn “chữa cháy”. Muốn làm được điều này cần sự phối hợp nhịp nhàng của các bên: người dân, chủ đầu tư, nhà quản lý và quy hoạch. Nếu quy trình làm việc đúng, quản lý tốt thì chắc chắn những rủi ro sẽ hạn chế xảy ra. Nếu chúng ta không tuân thủ theo các quy trình thì dĩ nhiên mọi nguy cơ rủi ro đều có thể biến thành hậu quả nghiêm trọng.
Hiện nay, rất nhiều tòa chung cư đã cho người dân vào ở dù chưa được nghiệm thu PCCC. Tuy nhiên, quá nhiều người dân vẫn bất chấp và chuyển đến ở. Rõ ràng, người mua có cái sai và người bán cũng có sự thiếu sót. Nếu người mua chấp hành nghiêm chỉnh và cứng rắn yêu cầu chủ đầu tư phải nghiệm thu hoàn chỉnh mới chuyển đến lại là việc dễ dàng. Nhưng trong một số trường hợp, vì khoản chi phí phát sinh cá nhân, người dân bất chấp chuyển về khu chung cư ở. Tại đây đã hình thành sự thỏa thuận giữa hai bên bằng “niềm tin” không trên giấy tờ.
Cả hai bên tìm thấy điểm chung rằng, hệ thống PCCC đã lắp, nghiệm thu chỉ còn là thủ tục. Song quá trình bắt tay nhau hợp tác này cần lâu dài. Để đảm bảo sự an toàn của mình, chính cư dân phải tham gia vào quá trình xây dựng, đóng góp cho chủ đầu tư như vấn đề bảo vệ môi trường, cùng tham gia kiểm tra định kì hệ thống trang thiết bị PCCC, tổ chức các buổi tập huấn chia sẻ về PCCC.
“Khuyết tật” về kiến thức, không tuân thủ quy định là những nguyên nhân trực tiếp đẩy người dân sống trong tình trạng mất an toàn trong chính ngôi nhà của mình.
Đối với phía nhà quản lý, quy hoạch cần sát sao hơn nữa bằng những quy định hay các chế tài xử phạt để thắt chặt hơn nữa quá trình đảm bảo an toàn trong từng khu chung cư.