Sân bay Tây Ninh cách sân bay lớn nhất cả nước hơn 100km
Trong tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về đề án nghiên cứu khả năng hình thành sân bay Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo phương đường thẳng, sân bay Tây Ninh cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 74km, cách sân bay Long Thành khoảng 106km, cách biên giới Campuchia 44km, cách TP. Tây Ninh khoảng 24km.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
Dự kiến, khu vực xây dựng sân bay sẽ cách khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen khoảng 15km, cách Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát khoảng 68km. Khu vực này nằm hoàn toàn ở đồng bằng trống trải, địa hình tương đối bằng phẳng, không phải khu vực tập trung đông dân cư, thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, không ảnh hưởng đến nhà dân cũng như các công trình hiện hữu.
Sân bay Tây Ninh được nghiên cứu thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 4E của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), với công suất khai thác 1 triệu hành khách/năm; công suất giờ cao điểm 400 hành khách/giờ.
![Chỉ 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có thêm sân bay gần 5.000 tỷ, cách sân bay lớn nhất cả nước hơn 100km- Ảnh 1. Chỉ 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có thêm sân bay gần 5.000 tỷ, cách sân bay lớn nhất cả nước hơn 100km- Ảnh 1.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/7/viet-nam-sap-co-san-bay-tay-ninh-gan-5000-ty-cach-san-bay-lon-nhat-ca-nuoc-100km3-1738912323858201219889.jpg)
Một góc tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Internet
Theo thiết kế, sân bay có một đường băng theo trục Đông Bắc - Tây Nam dài 3.200m, rộng 45m và 6 vị trí đỗ máy bay, khai thác các loại máy bay code E (Boeing 777-300ER, Airbus A350-900 hoặc tương đương) và code C (Airbus A320, A321 hoặc tương đương).
Sân bay Tây Ninh là sân bay dân dụng có tính chất dùng chung dân dụng - quân sự và là cảng hàng không nội địa có tuyến bay quốc tế.
Diện tích đất quy hoạch sân bay Tây Ninh 420ha, có dự trữ đất để phát triển trong tương lai, thời gian thực hiện dự án sân bay Tây Ninh dự kiến 2026-2030.
Dự án này có tổng mức đầu tư giai đoạn đầu để đưa vào khai thác khoảng 4.738 tỷ đồng, có thể phục vụ 1 triệu hành khách/năm, tương đương 400 hành khách/giờ cao điểm.
Tầm quan trọng của Cảng hàng không Tây Ninh
Theo Tờ trình số 4034/TTr-UBND, ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết tổng mức đầu tư sơ bộ cho giai đoạn đầu của Dự án Cảng hàng không Tây Ninh khoảng 4.738 tỷ đồng.
Trên cơ sở chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 648/QĐ-TTg, UBND tỉnh Tây Ninh đã xây dựng phương án huy động vốn tối đa từ nguồn ngoài ngân sách theo hình thức đối tác công tư (PPP). Cơ cấu nguồn vốn bao gồm: Vốn Nhà nước hỗ trợ dự án: 15% (khoảng 711,1 tỷ đồng) và vốn từ nhà đầu tư là 85% (khoảng 4.026,8 tỷ đồng).
Thời gian hoàn vốn cho dự án theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, được dự kiến khoảng 42 năm, tương tự một số dự án cảng hàng không khác như Sa Pa, Quảng Trị và Bình Thuận.
![Chỉ 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có thêm sân bay gần 5.000 tỷ, cách sân bay lớn nhất cả nước hơn 100km- Ảnh 2. Chỉ 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có thêm sân bay gần 5.000 tỷ, cách sân bay lớn nhất cả nước hơn 100km- Ảnh 2.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/7/viet-nam-sap-co-san-bay-tay-ninh-gan-5000-ty-cach-san-bay-lon-nhat-ca-nuoc-100km-1738912323849300106609.jpg)
Vị trí đề xuất xây dựng sân bay Tây Ninh được đánh giá là phù hợp để trở thành cảng hàng không vệ tinh. Ảnh minh họa
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, sau khi dự án được bổ sung vào Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc, địa phương sẽ chính thức kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Việc triển khai dự án không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn góp phần hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, và phát triển du lịch, dịch vụ logistics.
Theo đó, nếu như dự án được thực hiện theo phương thức PPP, toàn bộ chi phí vận hành, bảo trì và khai thác trong suốt vòng đời dự án sẽ do nhà đầu tư chịu trách nhiệm, giúp tiết kiệm nguồn lực và giảm tải cho bộ máy quản lý Nhà nước.
![Chỉ 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có thêm sân bay gần 5.000 tỷ, cách sân bay lớn nhất cả nước hơn 100km- Ảnh 3. Chỉ 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có thêm sân bay gần 5.000 tỷ, cách sân bay lớn nhất cả nước hơn 100km- Ảnh 3.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/7/viet-nam-sap-co-san-bay-tay-ninh-gan-5000-ty-cach-san-bay-lon-nhat-ca-nuoc-100km2-1738912323854199263516.jpg)
Tỉnh Tây Ninh là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Internet
Vị trí dự kiến được xây dựng nằm cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 74km, vị trí này được đánh giá là phù hợp để trở thành cảng hàng không vệ tinh, giúp giải tỏa áp lực quá tải hành khách cũng như hỗ trợ trong trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, việc xây dựng Cảng hàng không Tây Ninh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ và logistics, đồng thời gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Tỉnh Tây Ninh là tỉnh nằm ở vị trí cầu nối giữa TP. HCM và Thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia, đây cũng là một trong những tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo như Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.