Aa

Chỉ cần “cộng sản” như Bill Gates!

Thứ Sáu, 13/10/2017 - 00:40

Bài viết này chỉ xin nhắn nhủ một điều, cách làm việc, cách sống và suy nghĩ của Bill Gates là điều mà nhiều người trong chúng ta đáng suy ngẫm. Chỉ cần “cộng sản” như Bill Gates là người dân Việt Nam nhắm mắt cũng có thể thấy được vai trò tiên phong của các đảng viên mà không cần hô hào nhiều.

Tôi mạn phép dùng lại cái “tít” một bài viết của tôi đăng trên Tạp chí Nhà quản lý cách đây ngót 12 năm, đúng vào dịp năm đó, gần 88% đại biểu trong Đại hội Đảng thông qua nghị quyết cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân, đồng thời cũng là năm mà nhà tỷ phú nổi tiếng Mỹ, thần tượng của nhiều lứa tuổi trẻ trong nước và trên thế giới, Bill Gates lần đầu tiên sang thăm Việt Nam.

Khi đó, sự kiện các đảng viên cộng sản Việt Nam được làm kinh tế tư nhân đã được tôi đánh giá rằng, đây là một trong những thành công vĩ đại nhất trong 20 năm đổi mới: đổi mới tư duy. Cụm từ “bóc lột” đã ám ảnh không biết bao thế hệ đảng viên, như một bóng ma không rõ hình dạng, không tường hệ quả, không hiểu nguyên do... Trong dịp góp ý kiến cho Đại hội Đảng hồi đó, nhiều người “nguyên” đảng viên đã nói lên những lời máu thịt cho một tổ chức mà mình đã phải “dứt áo ra đi” để làm kinh tế tư nhân, những lời mà chỉ có những người có học và lăn lộn quyết liệt với thực tiễn mới có thể đúc kết được.

Ngay từ khi ấy, những tiếng thở phào nhẹ nhõm không chỉ từ những người trong đảng đang khát khao thành công trong công cuộc lãnh đạo xây dựng đất nước mà còn cả những người ngoài đảng, bởi đây là một thông điệp có tính đột phá cho sự nghiệp giải phóng nguồn nhân lực đất nước, xưa nay vẫn bị bó cứng trong những chồng sách vở kinh viện.

Thế mà đến nay, kinh tế tư nhân nước nhà vẫn quá bé bỏng trong quá trình hội nhập quốc tế. Nếu ai yêu đất nước này không khỏi đau đáu trong lòng.

Hôm mới đây, Chính phủ tổ đã chức tọa đàm giữa Thủ tướng, tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng với 14 tập đoàn kinh tế tư nhân. Những người tham dự đều cảm thấy một ý chí mãnh liệt, một nỗ lực không ngừng nghỉ của người đứng đầu Chính phủ trong việc phát triển kinh tế tư nhân nước nhà.

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ muốn lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, vấn đề trong thực hiện nghị quyết TƯ 5 để kinh tế tư nhân là động lực phát triển. Ông đặt một loạt câu hỏi: “Vì sao kinh tế tư nhân ở Việt Nam chưa phát triển? Do môi trường kinh doanh hay thuế khoá, lao động...? Nhà nước phải làm gì trong giai đoạn hiện nay?” và mong muốn đại diện các tập đoàn kinh tế tư nhân nói thẳng, nói thật với trách nhiệm cao.

Đấy, sau hơn một thập kỷ khi các đảng viên được làm kinh tế tư nhân, đất nước vẫn còn chìm trong những câu hỏi không dễ dàng trả lời như thế.

Có người an ủi rằng, nhận thức là một quá trình, không thể đốt cháy giai đoạn được.

Tôi may mắn được chứng kiến cái “quá trình” nó dài như thế nào khi là một trong những “nhân vật” chủ chốt hình thành Hội đồng Trung ương lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh với sự hợp nhất Liên hiệp các HTX tiểu thủ công nghiệp và Ban Quản lý HTX Việt Nam thuộc Bộ Thương Mại, vào năm 1992. Vào thời điểm này, ai cũng “sợ” dính dáng đến cụm từ tư nhân nó nhạy cảm nên phải dùng từ “ngoài quốc doanh”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó đã phê duyệt Điều lệ, Bộ Tài chính đã cấp kinh phí, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký làm thành viên, mọi người náo nức chuẩn bị cho đại hội lần thứ nhất...

Thế nhưng, đùng một cái, hoãn. Rồi lại đùng một cái nữa, tên của tổ chức được đổi thành Liên minh các HTX Việt Nam. Thế là các doanh nghiệp tư nhân non trẻ của nước nhà vẫn tựa như “đứa con rơi” của nền kinh tế, tư bươn trải, tự sinh, tự diệt...

Cho đến bây giờ, cái “quá trình” để thay đổi nhận thức ấy đã qua một phần tư thế kỷ mà nhiều người vẫn lấy đó làm điều an ủi. Chẳng lẽ đấy không phải là điều kỳ lạ sao?

Bill Gates trong một chuyến thăm Việt Nam (Ảnh: Vietbao.vn)

Bill Gates trong một chuyến thăm Việt Nam (Nguồn ảnh: Internet)

Xin trở lại câu chuyện Bill Gates sang thăm Việt Nam cuối tháng 4/2006. Hình ảnh chiếc cà vạt chéo bình dị với bộ com lê sọc, chiếc chuyên cơ nhỏ và xe đưa đón to, chai nước khoáng trên tay và nụ cười luôn nở trên môi... cùng với một ngày làm việc cật lực của Bill Gates đã xóa phăng ngay trong bộ nhớ của nhiều người hình ảnh một “tên tư bản” béo phì, tay cầm ba toong, ngồi trên một chiếc ghế quyền lực để “chỉ tay năm ngón”.

Nhưng ấn tượng nhất về con người giầu nhất hành tinh này không phải ở chỗ đấy, mà là trong di chúc của ông. Với số tài sản khổng lồ 50-60 tỷ USD, ông chỉ dành cho mỗi người con 10 triệu USD (với 3 đứa con, số tiền này chỉ bằng 0,5% tổng tài sản), số còn lại, ông tìm cách làm cho số tiền đó “quay lại thế giới một cách ý nghĩa, hiệu quả nhất”.

Có người giật mình đặt câu hỏi: “Liệu đấy có phải là hành vi của một con người có tư tưởng cộng sản không nhỉ?”. Đem cả một tài sản khổng lồ của mình để chống đói nghèo của cộng đồng thì gọi là hành động theo chủ nghĩa gì?

Mọi câu trả lời thay đều là chỉ đoán mò, nhưng có điều chắc chắn có thể nhận ra rằng, Bill Gates làm ra tài sản trước rồi mới đem ra phục vụ lợi ích của cộng đồng, khác với nhiều người lại muốn phục vụ lợi ích cộng đồng trước khi làm ra tài sản.

Nay, các đảng viên được làm kinh tế tư nhân đã hơn một thập kỷ, thử hỏi, hiện đã có bao nhiêu đảng viên tiên phong trong việc làm giầu cho mình và cho đất nước? Bao nhiêu đảng viên đã cháy lòng cháy dạ trong nỗ lực hỗ trợ kinh tế tư nhân của nước nhà phát triển?

Bài viết này chỉ xin nhắn nhủ một điều, cách làm việc, cách sống và suy nghĩ của Bill Gates là điều mà nhiều người trong chúng ta đáng suy ngẫm. Chỉ cần “cộng sản” như Bill Gates là người dân Việt Nam nhắm mắt cũng có thể thấy được vai trò tiên phong của các đảng viên mà không cần hô hào nhiều.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top