Theo Báo Lao Động, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 212/NQ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM (giai đoạn 1, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu) và dự án đường Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa).
Theo đó, cả hai dự án đều được TP. HCM triển khai theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Nghị quyết nêu rõ, việc xử lý các vướng mắc cần tuân thủ các nguyên tắc sau.
Cụ thể, thực hiện đúng chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Hiệu quả, kịp thời tháo gỡ các nút thắt, huy động nguồn lực xã hội, sớm đưa các dự án trở lại triển khai, hoàn thành và phát huy hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí.

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM. Nguồn ảnh: Báo Chính phủ
Chỉ xem xét xử lý những vướng mắc phát sinh do lỗi của cơ quan quản lý nhà nước hoặc do lỗi chung của cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư.
Thẩm quyền xử lý thuộc cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm.
Quá trình xử lý phải kịp thời, khả thi, đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, không hợp pháp hóa sai phạm, không để sai phạm chồng chất.
Chính phủ giao UBND TP. HCM thực hiện đúng quy định và chịu trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi của hai dự án.
Riêng dự án ngăn triều, UBND TP. HCM được phép thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất, đảm bảo tuân thủ Nghị quyết 98 của Quốc hội, các quy định pháp luật hiện hành và Nghị quyết 40/NQ-CP của Chính phủ.
Thành phố cũng chịu trách nhiệm toàn diện trong việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng và tiền thuê đất cho các khu đất dùng thanh toán, đúng theo quy định pháp luật về đất đai.
Trường hợp giá trị quỹ đất thấp hơn giá trị công trình (sau khi đã loại bỏ các chi phí bất hợp lý), phần chênh lệch sẽ được thanh toán bằng vốn đầu tư công do TP. HCM quản lý.
Chính phủ đồng thời đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các dự án để làm cơ sở thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng, đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư, sớm đưa công trình vào khai thác, tránh lãng phí.
Các Bộ, ngành liên quan như Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cùng UBND TP. HCM chịu trách nhiệm triển khai Nghị quyết. Trường hợp phát sinh khó khăn vượt thẩm quyền, cần kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Dự án khởi công vào tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn chưa xác định được thời gian hoàn thành dù đã thực hiện hơn 90% khối lượng. Tại Báo cáo 871 ngày 28/11/2023 của nhà đầu tư, lũy kế giá trị giải ngân để thực hiện dự án đã đạt hơn 8.276 tỷ đồng. Nguồn vốn còn lại cần huy động để thi công hoàn thành là khoảng 1.800 tỷ đồng.