Bức tranh kinh tế 13 tỉnh ĐBSCL được tô màu chắc sẽ phải là màu xám. 12/13 tỉnh phải nhận ngân sách từ TƯ.
Gần 41.000km2 với dân số gần 18 triệu người, nhưng số thu ngân sách chỉ bằng một tỉnh Bình Dương.
Cần Thơ, tỉnh duy nhất điều tiết ngân sách về TƯ nhưng cũng chỉ có 9% - và nói như bí thư tỉnh ủy Cà Mau là “rất xót xa”.
Đà đành ĐBSCL có những “hạn chế” về hạ tầng. Chẳng hạn “chỉ có Cần Thơ có 2 và Cà Mau có 1 khách sạn 5 sao và chỉ Cần Thơ đáp ứng được việc tổ chức các hội nghị, sự kiện quốc tế quy mô lớn”, chẳng hạn "Từ Cần Thơ đi TP.HCM chưa đầy 200km mà mất 3 - 4 tiếng đồng hồ”.
Nhưng cũng rất rõ ràng, sự tụt hậu và nghèo nàn của ĐBSCL không chỉ từ những “hạn chế” ấy.
Làm việc với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ về nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nguồn thu ngân sách các địa phương trong khu vực này tăng chủ yếu nhờ nguồn thu xổ số và tiền sử dụng đất, trong khi “thu từ nội lực của nền kinh tế trong vùng” chỉ tăng được có 5% so với cùng kỳ.
Những con số không nói dối: Trong số các nguồn thu của ĐBSCL, thu từ xổ số kiến thiết đạt khá cao với mức 9.323 tỷ đồng, tức 72,2% dự toán, thu từ tiền sử dụng đất đạt 2.755 tỷ đồng, bằng 85,8% dự toán.
Một tính toán của ĐH Fulbringt cho biết: Ước tính bình quân giai đoạn 2008 - 2014, thu từ xổ số kiến thiết chiếm hơn 27% tổng thu ngân sách nhà nước của các tỉnh khu vực ĐBSCL. Cá biệt, có những tỉnh như Hậu Giang chiếm tới 48%, hay Vĩnh Long tới hơn 46%.
“Việc thu từ xổ số chiếm một tỷ trọng quá lớn và quá quan trọng trong cơ cấu thu ngân sách của địa phương cho thấy sự không ổn cả về kinh tế, ngân sách lẫn xã hội”.
Tiền bạc của dân dành quá nhiều cho xổ số thì còn đâu mà làm ăn, mà đầu tư nữa?
ĐBSCL cần những con đường. Nhưng “yếu tố hạ tầng” ấy không bao gồm “khách sạn 5 sao”. ĐBSCL cần những bộ óc sáng tạo chứ không cần những lời kêu than.
Và có lẽ trước khi “đòi hỏi”, ĐBSCL cần tự hỏi chính mình, rằng đã làm gì để phát huy thế mạnh của một khu vực được coi là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của Việt Nam.