Aa

Chỉ số PCI của Thái Nguyên: Tăng nhưng chưa vững

Thứ Tư, 22/05/2024 - 16:17

Với 67,48 điểm, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của Thái Nguyên đã vươn lên vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2022. Đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, địa phương.

Chỉ số PCI của Thái Nguyên: Tăng nhưng chưa vững- Ảnh 1.

Nhiều công trình, dự án lớn đã và đang được triển khai góp phần quan trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh. Trong ảnh: Dự án đường nối Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đến Khu công nghiệp Yên Bình (đường 47m giai đoạn 2) được hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu năm 2024. Ảnh: N.N

Đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Thái Nguyên, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, địa phương, tuy nhiên, đi sâu phân tích từng chỉ số, nhất là với những chỉ số giảm điểm và thấp điểm, sẽ thấy sự tăng, giảm thất thường, đòi hỏi giải pháp đồng bộ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Kết quả khảo sát Chỉ số PCI năm 2023 của cả nước cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục có xu hướng được cải thiện. Điểm Chỉ số PCI gốc năm 2023 đạt 66,57 điểm, cao hơn 1,12 điểm so với năm 2022 và liên tục tăng từ năm 2017. Điểm Chỉ số PCI tại tỉnh trung vị của cả nước năm 2023 cũng đạt 66,6 điểm, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022. Thực tế này cho thấy môi trường cạnh tranh các tỉnh ngày càng được cải thiện, các tỉnh đi sau đã học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh đi trước để cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh.

Cũng như những năm trước, Chỉ số PCI năm 2023 được chấm điểm ở 10 chỉ số thành phần (tính trên thang điểm 10), với 142 chỉ tiêu, bao trùm trên hầu hết các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi chỉ số lại có trọng số điểm khác nhau, trong đó, 3 chỉ số có trọng số 5%; 4 chỉ số có trọng số 10% và 3 chỉ số có trọng số 15%.

Đối với Thái Nguyên, cũng chung xu thế của các địa phương, Chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh tăng 1,38 điểm so với năm 2022. Trong số 4 chỉ số tăng điểm, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước là chỉ số tăng điểm cao nhất, cũng là chỉ số có điểm số cao nhất năm 2023 (từ 6,53 lên 8,35 điểm). Tuy nhiên, chỉ số này lại chỉ chiếm trọng số 5%.

Tiếp đến là các chỉ số: chi phí không chính thức (tăng từ 6,91 lêm 7,7 điểm); đào tạo lao động (từ 6,33 lên 6,95 điểm, trước đó chỉ số này có 3 năm liên tục giảm điểm); tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh (từ 6,67 lên 7,11 điểm). Có một chỉ số giữ điểm là gia nhập thị trường (7,45 điểm).

5 chỉ số còn lại giảm điểm, gồm: tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất (từ 7,9 xuống 7,27 điểm); dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (từ 5,41 xuống 4,88 điểm); tính minh bạch và tiếp cận thông tin (từ 5,97 xuống 5,56 điểm); thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (từ 7,91 xuống 7,63 điểm); cạnh tranh bình đẳng (từ 5,5 xuống 5,42 điểm).

Theo ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN tỉnh), Chủ tịch Hội DN TP. Thái Nguyên: Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đồng thời triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm, đã và đang góp phần quan trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh cũng như tạo động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Cá nhân tôi tin tưởng, năm 2024, Chỉ số PCI của tỉnh chắc chắn sẽ được cộng đồng DN đánh giá tốt hơn.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo một số DN trên địa bàn tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc hỗ trợ, đồng hành với các DN thời gian qua, như: Công tác thông tin, tuyên truyền về những dự án, công trình trọng điểm đến cộng đồng DN còn hạn chế, khiến nhiều nhà đầu tư nắm bắt không đầy đủ, từ đó có thể bỏ lỡ cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc liên doanh liên kết…

Cùng với đó, nhiều cơ chế, chính sách của tỉnh được triển khai, nhưng cộng đồng DN lại không nắm bắt được kịp thời. Đặc biệt là từ khi tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, toàn bộ văn bản được đăng tải trên hệ thống điện tử, mà không còn được gửi bằng bản giấy nên có DN khó tiếp cận, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.

Chỉ số PCI của Thái Nguyên: Tăng nhưng chưa vững- Ảnh 2.

Tính đến cuối tháng 4-2024, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, trong đó tỷ lệ lớn được "đổ" vào sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Cán bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại một doanh nghiệp.

Để khắc phục tình trạng này, ông Phạm Văn Quang đề nghị cần có sự kết nối nhiều hơn giữa chính quyền, các sở, ngành với các hội, hiệp hội DN trên địa bàn tỉnh. Những văn bản nào có liên quan đến DN, có thể gửi qua Zalo, email… cho đầu mối của các hội, hiệp hội DN. Cùng với đó là quan tâm hơn đến việc hỗ trợ pháp lý cho DN; nâng cao chất lượng các lớp tập huấn, tư vấn pháp luật, nhất là khả năng truyền đạt của giáo viên, để không còn tình trạng “sáng học thì đông, đến trưa thì vắng”…

Theo ông Phan Trọng Nhất, Chỉ huy phó công trường của Công ty CP Licogi 13 (nhà thầu thi công Dự án Sân vận động tỉnh tại xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên): Sự đồng hành của chính quyền tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đã tạo thuận lợi rất nhiều cho DN thi công đảm bảo tiến độ. Đơn vị luôn nhận được sự hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư. Chính vì thế, dự kiến đến cuối tháng 7 tới, đơn vị sẽ bàn giao xong phần thô của công trình Sân vận động, đảm bảo tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, ông Nhất cũng mong muốn công tác giải phóng mặt bằng được địa phương quan tâm hơn. Đối với Dự án Sân vận động tỉnh, do việc mặt bằng được bàn giao chậm hơn so với kế hoạch 2-3 tháng, trong khi tiến độ thi công phải đáp ứng theo yêu cầu của tỉnh nên đơn vị đã phải huy động nhân công, máy móc làm cả ca đêm đối với một số hạng mục, khiến phát sinh chi phí, khó khăn hơn trong khâu giám sát và dễ mất an toàn lao động…

Vẫn còn nhiều những mong muốn, kiến nghị của DN trên các lĩnh vực để hoạt động sản xuất, kinh doanh trở nên thuận lợi. Điều này phần nào đã thể hiện qua các điểm số thành phần của Chỉ số PCI, đặc biệt là ở những chỉ số thấp điểm, như: dịch vụ hỗ trợ DN 4,88 điểm (điểm trung vị là 6,45); cạnh tranh bình đẳng 5,42 điểm (trung vị là 5,76 điểm); tính minh bạch và tiếp cận thông tin 5,56 điểm (trung vị là 6,09 điểm).

Đây cũng đều là các chỉ số bị giảm điểm so với năm 2022. Trước thực tế này, cộng đồng DN cho rằng cần nhiều hơn sự quyết liệt của tỉnh trong việc thực hiện từng chỉ số thành phần, để vừa nâng cao điểm số chung của Chỉ số PCI, vừa củng cố thêm niềm tin với cộng đồng DN, từ đó nâng thứ bậc để vào tốp 20 của cả nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top