Việt Nam vẫn là điểm thu hút lớn với dòng vốn FDI
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện diện và song hành cùng dòng chảy kinh tế của Việt Nam kể từ khi bước vào giai đoạn Đổi mới, góp phần giúp Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng về kinh tế, hội nhập và phát triển bền vững.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, cho biết kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về FDI luôn nhất quán và xuyên suốt. Điều này được thể hiện qua các kỳ đại hội Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương. (Ảnh: VnEconomy)
"Riêng năm 2024, FDI đóng góp 16,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp hơn 20 tỷ USD vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, thống kê sơ bộ cho thấy, khu vực FDI đã góp phần giải quyết khoảng hơn 5 triệu việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đem lại nguồn thu nhập khả quan cho người lao động.
Tính lũy kế đến ngày 31/3/2025, cả nước có 42.760 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 510,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 327,5 tỷ USD, bằng gần 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực". Ông Sơn cho biết.
Vẫn còn tồn tại không ít hạn chế trong thu hút và sử dụng FDI
Dù khu vực FDI đã và đang đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, nhưng theo Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn này.
Thứ nhất, dù số lượng dự án FDI tăng nhanh, nhưng các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, hàm lượng giá trị gia tăng cao vẫn còn khá hạn chế.
Thứ hai, thiếu liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa thấp, khiến doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu được vào các chuỗi giá trị.
Thứ ba, những rào cản về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, một số quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy, thuế... vẫn đang là trở ngại, tạo ra gánh nặng tuân thủ cao, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.
Thứ tư, các nhà đầu tư cũng gặp phải khó khăn do nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thứ năm, vẫn còn xảy ra hiện tượng chuyển giá, gian lận thương mại, đặc biệt là vấn đề "đội lốt, tráng men xuất xứ" sản phẩm.
Chia sẻ quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được hơn 42.500 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký vượt 507 tỷ USD, đưa chúng ta vào nhóm 15 quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới – một thành tích rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đây là một thách thức lớn, bởi bài toán hiện nay không còn là thu hút được bao nhiêu, mà là chuyển hóa số vốn ấy thành bao nhiêu giá trị thực chất cho nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung (Ảnh: VnEconomy)
"Như Tổng Bí thư đã nói, chỉ có khoảng 5% dòng vốn FDI là công nghệ cao. Vậy làm sao để chúng ta chuyển đổi được cơ cấu này? Hay là vẫn tiếp tục để 95% còn lại là những doanh nghiệp tận dụng chi phí rẻ, nhân lực rẻ?", Thứ trưởng Bộ Tài chính đặt vấn đề.
Cần chiến lược chọn lọc, thu hút đầu tư FDI
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới, Việt Nam đang đồng thời triển khai nhiều giải pháp đột phá với tư duy cải cách mang tính nền tảng. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Việt Nam đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, xóa bỏ các rào cản và nút thắt, phát triển trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh chi phí kinh doanh và điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Những thay đổi mang tính chiến lược này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc định hình lại chính sách thu hút, quản lý và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài. Thay vì thu hút đại trà, Việt Nam đang chuyển sang chiến lược chọn lọc, định hướng rõ ràng hơn vào các dự án có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có tính kết nối chuỗi, trung tâm R&D và công nghiệp nền tảng.
Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế hậu kiểm, đánh giá định kỳ và có chế tài thu hồi ưu đãi nếu vi phạm, nhằm nâng cao kỷ cương trong quản lý đầu tư.
Song song đó, là tăng cường liên kết giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước, phát triển hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đầu tư vào các vùng trọng điểm như miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, và siết chặt quản lý nhằm ngăn chặn hiện tượng chuyển giá, núp bóng trong đầu tư…
“Chúng ta không thể đi xa nếu đi riêng rẽ và chỉ có thể bứt phá khi cùng nhau chung vai, sát cánh. Sự hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp FDI, nếu được xây dựng trên nền tảng niềm tin chiến lược và tầm nhìn dài hạn, sẽ là chìa khóa để chúng ta cùng vượt qua những thách thức và cùng chinh phục những “chân trời mới” của sự phát triển bền vững, sáng tạo và thịnh vượng”, ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Hồng Sơn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ tài chính), cho rằng khu vực đầu tư nước ngoài là một thành tố vô cùng quan trọng, không thể thiếu đối với sự phát triển của đất nước. Trong thời gian qua, thu hút đầu tư nước chưa đạt được kỳ vọng. Dẫn lại tinh thần của Nghị quyết 50, ông Tuấn nhấn mạnh rằng, qua 5 năm triển khai, rất nhiều nội dung chỉ đạo, định hướng triển khai trong nghị quyết 50 vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là tạo sự kết nối lan tỏa giữa khu vực kinh tế nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước.
“FDI – F là Foreign, D là Domestic, I là Investment – và chữ D, khu vực kinh tế trong nước, phải được đặt vào vị trí trung tâm” ông Tuấn nói. Đó chính là cái chúng ta cần để làm mới hơn, nâng cao hơn nữa hiệu quả của Nghị quyết 50 trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Thay vì thu hút đại trà, Việt Nam đang chuyển sang chiến lược chọn lọc, định hướng rõ ràng hơn vào các dự án có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có tính kết nối chuỗi, trung tâm R&D và công nghiệp nền tảng.