“Đảo nhiệt đô thị” có thể có ở mọi thành phố
Đảo nhiệt đô thị (UHI) là hiện tượng xảy ra khi các thành phố thay thế lớp đất phủ tự nhiên bằng các bề mặt dễ hấp thụ và giữ nhiệt như vỉa hè hoặc tòa nhà cao tầng. Điều này khiến khu vực đô thị trở nên nóng hơn đáng kể so với các khu vực ngoại ô xung quanh, thậm chí còn làm tăng mức độ ô nhiễm không khí và các loại bệnh liên quan đến nhiệt độ. Khi khí hậu toàn cầu nóng lên, các thành phố trên toàn thế giới sẽ phải đối mặt với những đợt nắng nóng khắc nghiệt và thường xuyên hơn, khiến người dân của họ gặp nguy hiểm.
Theo Devanshi Purohit, Phó Hiệu trưởng thiết kế đô thị tại CBT Architects, người điều hành một phiên họp tại Hội nghị quốc gia ảo của Hiệp hội Quy hoạch Hoa Kỳ (APA), nắng nóng khắc nghiệt là “kẻ giết người số một” ở Hoa Kỳ. Chúng gây ra nhiều ca tử vong hơn cả hiện tượng nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán và các tác động thiên tai khác.
Cụ thể, theo Văn phòng Nghiên cứu Khả năng phục hồi đô thị tại NewYork, trung bình các thành phố có thể nóng hơn tới 22 độ F so với các khu vực tự nhiên xung quanh. Hơn nữa, các căn hộ và nhà không có máy điều hòa nhiệt độ có thể nóng hơn 20 độ F so với bên ngoài. Đây là lý do tại sao mỗi năm ở TP. New York, hơn 1.100 người phải nhập viện vì sốc nhiệt, và hơn 100 người tử vong.
Tuy nhiên, thật kỳ lạ là các vấn đề về tăng nhiệt độ hoặc nhiệt độ quá cao tại các đô thị không được chú trọng giải quyết như mức độ nguy hiểm của nó. Ở các khu đô thị nhỏ hoặc có tần suất thay đổi khí hậu ít, vấn đề “đảo nhiệt đô thị” gần như bị bỏ qua. Để một chiến lược khí hậu có hiệu quả, tất cả các khu vực và mọi yếu tố liên quan cần phải được xem xét.
Phân cấp “không gian xanh” hợp lý theo từng đô thị
1. Phát triển hành lang xanh
Tăng cường không gian xanh đô thị có lẽ là giải pháp trực quan và hiệu quả nhất để giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và tạo sự thoải mái cho tất cả người dân trong thành phố. Các phương án mở rộng cơ sở hạ tầng xanh và cải thiện khả năng tiếp cận công viên và vườn đô thị đặc biệt phù hợp với các đô thị có mức thu nhập khác nhau.
Hiện nay, do quá trình trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa mà có ngày càng ít công viên và không gian xanh. Trong khi đó, cây cối và các loài thực vật khác giúp làm mát môi trường bằng cách cung cấp bóng râm và thông qua quá trình thoát hơi nước.
Bên cạnh việc tăng số lượng công viên và vườn trong thành phố, thảm thực vật có thể được tích hợp vào cấu trúc đô thị theo nhiều cách, từ trồng cây dọc theo đường phố đến mái nhà xanh và tường thẳng đứng, tất cả đều đóng vai trò cung cấp sự thoải mái về nhiệt cho cư dân địa phương.
Tuy nhiên, Wan-Yu Shih, Phó Giáo sư Khoa Quy hoạch Đô thị và Quản lý Thảm họa tại Đại học Ming-Chuan, Đài Loan nhận định, việc tăng cường “độ phủ xanh” một cách đơn thuần mà không xem xét vị trí tương đối của các không gian xanh không thể làm giảm tác động của đảo nhiệt đô thị.
Về vấn đề này, vào năm 1938, TP. Stuttgart của Đức có tư tưởng tiến bộ đã quyết định cử một sinh viên tốt nghiệp ngành khí tượng học để nghiên cứu các điều kiện khí hậu và mối quan hệ của chúng với sự phát triển đô thị. Nghiên cứu ban đầu này được nhiều người coi là sự khởi đầu của “khí hậu đô thị”. Nghiên cứu quy mô lớn không tự nguyện đã tác động đáng kể đến quy hoạch đô thị, vì nó tạo ra nhận thức về các hành lang không khí trong lành và ảnh hưởng của chúng đối với khí hậu đô thị.
Thông qua quy hoạch khí hậu và các quy định, thành phố này khuyến khích phát triển không gian mở các khu đất ở sườn đồi để các luồng không khí quét xuống các ngọn đồi có rừng xung quanh thành phố. Các đặc điểm địa lý như sông, thung lũng và các không gian xanh khác như hành lang thông gió trong quy hoạch đô thị, khai thác các luồng gió thịnh hành phát huy chức năng làm mát. Trong việc quản lý nhiệt độ tăng, thách thức đầu tiên là hiểu địa hình, cải tạo nó mà vẫn bảo vệ tài sản tự nhiên.
2. Điều hòa vi khí hậu
Không gian xanh được biết đến như một giải pháp làm giảm nhiệt độ trung bình trên bề mặt đất, nhưng tác dụng làm mát của chúng có những hạn chế. Trong hầu hết các điều kiện, ở khoảng cách hơn 100m, hiệu quả của việc làm mát suy giảm. Ở những khu vực đô thị dày đặc với không gian trống hạn chế, việc hiểu rõ những điều kiện địa phương là rất quan trọng góp phần tạo ra một chiến lược phủ xanh hiệu quả.
Những không gian xanh lớn được ưu tiên để tạo ra những “khoảng mát mẻ” ổn định nhưng không phải thành phố nào cũng có thể thực hiện được. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các cụm mảng xanh nhỏ cũng có thể giúp phân phối không khí mát mẻ và hạ nhiệt đô thị một cách đáng kể. Phân bổ không gian xanh nhỏ xung quanh các sông hoặc công viên cũng có thể mở rộng tác dụng điều hòa khí hậu của nó trên diện rộng.
3. Phủ xanh các con đường
Trong điều kiện khí hậu khô và nóng, nên sử dụng các đường phố hẹp để đảm bảo đủ bóng râm và tránh quá nóng. Tuy nhiên, đường phố hẹp có thể hạn chế chuyển động của không khí và phá vỡ các kênh thông gió tự nhiên.
Ngược lại, các đường phố rộng hơn cho phép gió lưu thông nhưng làm tăng lượng ánh nắng trực tiếp ở cả đường phố và các tòa nhà xung quanh. Vì thế, trồng cây dọc theo đường phố có thể bù đắp hiệu quả một số tác động xấu của thiết kế đường phố. Tán cây che phủ ít nhất 40% đã được tìm thấy để chống lại tác động nóng lên của nhựa đường.
Không gian xanh trong các thành phố có thể thực hiện vô số vai trò: Chúng có thể trở thành không gian giao tiếp xã hội, giải trí và vui chơi; chúng có thể cung cấp môi trường sống cho động vật hoang dã và tăng tính đa dạng sinh học của các thành phố; thảm thực vật có thể giúp giảm tiếng ồn và hoạt động như một bộ lọc ô nhiễm, ngoài ra còn giúp quản lý nước mưa và điều chỉnh nhiệt độ.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Wan-Yu Shih từ Khoa Quy hoạch Đô thị và Quản lý Thảm họa tại Đại học Ming-Chuan, Đài Loan cảnh báo rằng, tất cả những vai trò này khó có thể cùng tồn tại. Quy hoạch chiến lược là cần thiết để xác định các chức năng có hiệu quả mạnh nhất mà không gian xanh có thể thực hiện trong nỗ lực thích ứng đô thị với những thách thức của biến đổi khí hậu./.