Aa

Chiều chiều chùa cổ thẫm rêu

Thứ Năm, 05/01/2023 - 06:15

Leo núi Bổ, đi chùa Bổ, rồi đi chợ Nếnh không xa, bạn hãy trở về sông Cầu để đến với làng gốm Thổ Hà, đến làng Vạn Vân nấu rượu, để thời gian trôi và lãng mạn với chính mình.

Bắc Giang nổi tiếng với ngôi chùa cổ Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, nơi có hồ Khuôn Thần, có tu hú kêu vào mùa vải chín, nơi có thể lãng mạn với rêu phong ở những ngôi chùa cổ kính nước Việt, nơi thật tĩnh lặng của kinh thư Phật pháp... khi bạn ngồi đọc sách trong phòng, nhìn phía ngoài là bờ tường rào bằng đất thó phủ rêu xanh mờ, tịch u để trôi về xưa cũ. Bạn có thể lãng mạn với chính mình khi đi qua dòng sông Cầu.

Đường vào chùa Bổ Đà. (Ảnh: Hoàng Việt Hằng)

Rồi từ sông hãy lên núi Bổ. Núi Bổ gần chùa Bổ Đà, huyền thoại ngôi chùa Bổ Đà ngàn năm trước từng có một vị tiều phu hằng ngày chỉ vác củi và lầm lũi bổ củi để sống. Lão tiều phu này mơ uớc có tiền và nếu có nhiều tiền thì chỉ mong đủ xây một ngôi chùa trên núi. Rồi đức Phật đã cho vị tiều phu này ba mươi hai đồng tiền vàng và từ đó vị tiều phu đã xây được ngôi chùa này. Đến chùa Bổ, bạn sẽ chạm mắt ngay vào cột cây số không - chùa Bổ Đà.

Từ đây, lòng ta có thể vịn vào cổ kính rêu phong mà đi. Một vòm ngói cũ, lá tre khô đã hoang hoải màu thời gian cùng hai bờ tường thẫm rêu. Nào ta cùng vịn vào rêu mà đi thăm chùa chính, rồi leo cầu thang gỗ ọp ẹp lên mấy cây cau lùn hái cau, hái trầu mà ăn. Ba cái bể nước mưa cũng thẫm xanh rêu và nước mưa trong vắt. Lối cũ ta về, đi vào chùa như đi vào một thư viện. Lần giở xem kinh Phật viết bằng chữ Hán trên gỗ thị đã có độ dài xa lắc xa lơ, đã gần ba trăm năm.

Giếng nước chùa Bổ Đà. (Ảnh: Hoàng Việt Hằng)

Cách đây mấy năm, khi còn sống, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mỗi khi viết tiểu thuyết thấy mệt lại thường lên đây, nhìn sách kinh của người xưa, ông hay nghĩ ngợi về nhân vật và liên tưởng đến ngôi chùa Đậu ở mạn Thường Tín, Hà Nội. Chùa Đậu nước ta, ghi dấu hai vị thiền sư Vũ Khắc Trường, Vũ Khắc Minh tọa thiền rồi đi vào cõi niết bàn, điều này ắt chỉ có duy nhất ở Việt Nam mà thôi, thế giới không đâu có. Ông đã trò chuyện với tôi như vậy. Và kinh Phật khắc trên gỗ thị cũng chỉ có ở chùa Bổ Đà, khách đi vãn chùa có thể ngồi đọc sách, đọc kinh kệ trong thư viện Phật giáo.

Một góc nhà nơi chùa Bổ. (Ảnh: Hoàng Việt Hằng)

Nơi sân sau chùa là vườn tháp cổ, rộng mênh mông. Những lũy tre phủ xanh tầm mắt, khói bay mãi không quang. Có lẽ từ Hà Nội lên chùa Bổ nhìn khói nhạt nhòa sau lũy tre là thích nhất. Không thấy một vệt bê tông nào, ngoài bờ xôi, ruộng mật, đất thịt của ông bà ta xưa, còn có rặng tre xanh. Có một nữ chuyên viên văn hóa ở đại sứ quán Pháp đã tìm lên đây, đã nhảy tung cao người bên lũy tre và hát lên rằng: “Xanh xanh quá là xanh”. Đúng là ở đây không có bê tông hóa, chỉ ngắm nhìn tháp cổ, chùa cổ, chuông cổ, rêu phong sẫm chiều. Rêu phong sẫm chiều trên tường đất thó rất dày và rêu phong chồng lên rêu phong. Nhìn rêu, hồn tôi như chùng xuống sau nhiều năm đi qua gió giông còn dằng dịt vết thương lòng.

Cả một vườn tre kẽo kẹt trong trưa, cả một vườn hoa dại nở lặng thầm trong vườn sân sau chùa không ai nhìn ngắm. Đến sách kinh điển và sách kinh Phật cũng khuất lấp trong mái ngói ta, phủ lá tre già, nào có ai lần giở đọc? Ngoại trừ nhà sư, pháp sư, nhà văn hóa, nghiên cứu, nhà văn lên đây lần giở đọc. Ngồi ở sân chùa, nơi vườn tháp cổ, tôi tự hỏi: “Sau dịch, đã có bao nhiêu tro bụi ngàn thu? Có thể nào tính nổi bao nhiêu ngàn tro bụi mồ côi?”.

Là tôi chợt nhớ một buổi chiều, ghé rạp ở số 191 Bà Triệu, xem phim “Tro tàn rực rỡ”. Cả phòng chiếu chỉ có mỗi một mình tôi xem phim, chiếu được 10 phút sau mới có thêm hai bạn trẻ. Phim thật hay, được trao giải quốc tế, phim sông nước trôi về thân phận, sự cô độc của người miền Tây, vậy mà người soát vé nói rằng: “Ít người xem phim này, vì tuổi trẻ lại thích phim hành động”… Cái còn lại của phim, sau lửa cháy phận người là tro tàn.

Một cảnh dựng phim ở chùa Bổ Đà. (Ảnh: Hoàng Việt Hằng)

Ở Sài Gòn hai năm chống dịch, có bao nhiêu phận thành tro tàn mồ côi? Mới có năm ngoái, dịch bệnh chưa lùi xa, vẫn còn ám ảnh trong giấc ngủ, vẫn còn những người đang điều trị trầm cảm, sao thời gian đã lãng quên nhanh vậy? Mới một năm thôi, nhiều đám cưới bạc tỷ được phơi lên "phây" tung hô, nào ai đoán định sớm được bến bờ của hạnh phúc ngày mai sẽ ra sao? Vì đường đời vốn ngắn lắm và cũng còn dài lắm. Các cụ xưa đã từng dạy: “Không ai cầm tay từ tối đến sáng”. Và nhất là thời 4.0. Người đời sống tốc độ, ăn nhanh, đi nhanh, làm nhanh. Ngay cả vỉa hè Hà Nội, gạch lát đá thi công nhanh hàng trăm tỷ, chỉ chưa đầy năm đã nứt toác, vỡ rạn. Có vỉa hè thay tới vài ba lần vẫn vênh váo và vỡ. Lại thấy đi trên nền đất bờ xôi ruộng mật của ông bà ta xưa mà thấy con người hiền hòa, không xâm lấn đất, không đè nặng đất.

Thích nhất là ở đây đi lễ hội chùa Bổ Đà, còn các bạn trẻ sau lễ hội có thể đi thêm hai cây số nữa để đến chợ Nếnh ăn quà quê, đi picnic leo lên chùa Khám, leo lên ngọn Trúc Lát, ngọn Bàn Cờ Tiên hay thăm làng Thượng Lát Tiên Sơn, rẽ qua Thổ Hà mua gốm. Câu ca xưa hắt lên:

"Trời mưa cho ướt lá khoai

Đố ai lấy được con trai Thổ Hà".

Hãy thử làm thợ gốm một ngày, ở làng gốm vùng châu thổ sông Hồng khác với gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận ra sao? Và hãy cúi xuống với người chuyên làm gốm tiểu sành. Tiểu sành được nâng niu dưới tay người thợ gốm Thổ Hà. Họ nói: "Đó là nơi đến cõi, nơi ta về với tiểu!". Ngôi nhà cuối cùng của đời người sau nhiều năm "quăng quật" chỉ về với tiểu sành. Dân nhà quê nghĩ thế. Chứ thời công nghệ, người ở phố chỉ có hai giờ đồng hồ là thành một lọ tro mà thôi.

Đây là vệt làng quê của vùng Bắc Giang, nhưng đi qua nhiều làng văn hóa Kinh Bắc, còn thẫm câu quan họ ngày xuân, còn thấy yếm thắm, trầu xanh mời khách. Còn "người về em dặn người rằng"… níu mãi bước chân. Dặn người hãy một lần ghé thăm chùa Vĩnh Nghiêm, mái cong và vắng lặng. Mấy sư cô đang tụng niệm ở gian chính Tam Bảo. Phía hiên chùa, những bà cụ già làng quê đang chuẩn bị dâng lễ. Nếp quê xưa, lòng thành hương hoa mà vẫn đẫm sự tôn kính.

Góc chùa Vĩnh Nghiêm. (Ảnh: Hoàng Việt Hằng)

Chùa Vĩnh Nghiêm có dãy hàng cau, quả đã chín không có người hái và sư cô nói cau đợi chín rục mới đi nhân giống để có cây non. Bọn trẻ, học sinh trung học có chiều ghé sân chùa học bài. Ở đó không có còi ô tô, xe máy. Một không gian thiên đường để đọc sách và học tập. Rời ngôi chùa cổ kính, bạn có thể rong ruổi đến với chợ Nếnh trong trưa để ăn bún bánh đúc riêu cua. Thưởng thức quà quê, kẹo bột, uống trà xanh và nước vối, chợ quê trăm phần trăm. Cơm quê có trám xanh, trám đen muối kho thịt. Hương hoa cau và hoa ổi muộn cũng chan vào. Và để thưởng thức sự tĩnh lặng, bạn nên đi vào ngày thường, ngày se lạnh càng vắng.

Xem kinh Phật trong chùa đâu cần nắng rực rỡ, ngắm ngọn Phượng Hoàng cũng đâu cần phải có mây bay. Leo núi Bổ, đi chùa Bổ, rồi đi chợ Nếnh không xa, bạn hãy trở về sông Cầu để đến với làng gốm Thổ Hà, đến làng Vạn Vân nấu rượu, để thời gian trôi và lãng mạn với chính mình./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top