Aa

Muốn sang thì bắc cầu kiều...

Thứ Bảy, 19/11/2022 - 06:18

Vượt qua mọi khó khăn cám dỗ, vẫn có nhiều thầy cô giáo đã và đang “cháy hết mình”, “vắt kiệt mình” vì học sinh thân yêu, vì những mái trường “thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”.

Tôi từng có mơ ước làm giáo viên, nhưng điều đó đã không đến. Bù lại, trong nhà tôi có một em trai và hai em dâu là nhà giáo. Anh em họ hàng, bạn bè làm nghề “gõ đầu trẻ” và cả “gõ” đầu không còn trẻ thì quá nhiều. Tôi luôn luôn ngưỡng mộ, chính các thầy, cô giáo mang lại cho tôi nhiều cảm xúc.

Tôi vốn là đứa trẻ nhút nhát. Tôi vẫn nhớ mãi, ngày mới đi học, mẹ tôi dắt lên trường làng. Thời chiến tranh thật gian khổ. Để có cái chữ cho bọn trẻ, lớp học này có thể là góc một nhà thờ, lớp kia có thể là tạm dùng gian nhà kho... Thời đó, học không “chuẩn tuổi” như bây giờ. Tôi lớn lên ở quê, trong “lớp ghép” nhiều độ tuổi, có khi cùng lớp nhưng có anh hơn đến 5 tuổi.

Khi mẹ cầm tay dắt tới lớp, giao cho cô giáo, rồi quay về, tôi sợ quá, chui xuống gầm bàn ngồi. Không chỉ sợ cô giáo mà còn sợ các anh lớn tuổi. Cô giáo phải kéo mới dám lên. Đó là ngày đầu tiên tôi đến trường. Chiến tranh, nghèo khổ... không cho phép con người hình dung kịp về các khái niệm. 

Thời chiến tranh gian khổ, để có cái chữ cho bọn trẻ, lớp học này có thể là góc một nhà thờ, lớp kia có thể là tạm dùng gian nhà kho... (Ảnh minh họa: Internet)

Trong số những người thầy từ tuổi mầm, tuổi lá... rồi thầy cô giáo những năm phổ thông, tôi nhớ nhất là thầy Lược. Thầy là người “có chữ”, sáng dạ nên được chính quyền và ban chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp “trưng dụng” làm thầy. Hồi tôi đang lớp 1, chẳng có quy chuẩn nào đâu. Thầy dạy không có lương như bây giờ, hợp tác trả bằng ngày công lao động, từ công quy ra thóc. 

Thầy Lược có chân phải bị tật từ bé, cái chân tật, mềm oặt nên thầy không tham gia đồng áng được. Trời không lấy hết của ai, trời bù cho thầy “cái chữ”. Tôi nhớ, mỗi sáng đến lớp học, thầy lại đứng cạnh bảng, bắt nhịp cho cả lớp hát bài Kết đoàn. Chân bị tật cứ đu đưa theo tay phải bắt nhịp hệt như một nhạc trưởng. 

Tôi đã là học trò của biết bao nhiêu người thầy, người cô; những người thầy cuối cùng chính là các giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ của mái trường cuối cùng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, những thầy cô giáo thuở ấu thơ như thầy Lược, cô Khai, cô Mậu... làm tôi nhớ mãi. 

Nghề giáo thật cao quý, đúng là “người đưa đò”.

Hồi bé, tôi chưa biết thế nào là ca dao, tục ngữ đã nghe bố tôi nói: “Không thầy đố mày làm nên”. Sau này tôi mới hay, cổ nhân đã để lại cả một kho tàng ca dao, tục ngữ về nghề giáo, về truyền thống tôn sư trọng đạo. Tôi nhớ mãi câu bố tôi dạy: “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”, nghĩa tiếng Việt là: “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, cũng là ca dao, tục ngữ. Thi thoảng về quê, tôi vẫn sắp xếp đến thăm.

Nghề giáo thật cao quý, đúng là “người đưa đò”... (Ảnh minh họa: Internet)

Trong số những đứa em làm nghề giáo, tôi quý nhất là thầy giáo Ngô Mậu Tình. Không chỉ dạy chữ, dạy người, mà chú em đúng là tấm gương truyền cảm hứng cho học trò ở xã miền núi, biên giới là Lâm Thùy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Không phải ngẫu nhiên, Ngô Mậu Tình đã 10 năm liên tục đạt chiến sỹ thi đua cơ sở, có năm là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh.

Nếu như ngày xưa, cái bằng khen, giấy khen của cá nhân đều được mỗi người treo trang trọng trong ngôi nhà mình, thì chú Ngô Mậu Tình không có chỗ để “đóng đinh”, “căng dây” treo, từ bằng khen của Tư lệnh ngành Giáo dục đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện... Ngô Mậu Tình còn được nhiều bằng khen của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về thành tích vận động nhân dân giữ gìn an ninh biên giới và làm từ thiện nhân đạo.

“Về hoạt động từ thiện, em đã làm hơn 10 năm, quyên góp hàng tỷ đồng giúp đỡ bà con nghèo. Hướng của em là ưu tiên giúp đỡ người mù, người bị ung thư, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, Ngô Mậu Tình chia sẻ.

Cách đây mấy ngày, Ngô Mậu Tình chia sẻ trên trang cá nhân dòng trạng thái: “Chị Nguyễn Thị Hải Lý sinh năm 1968 ở thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy bị mù hoàn toàn, không có khả năng lao động, thuộc hộ nghèo. Chị có một đứa con. Tưởng cuộc sống đang mỉm cười, không ngờ cháu bị tai nạn nặng, không làm chủ được thần kinh. Hiện tại, nhờ mọi người thương nên chúng tôi đã xây được ngôi nhà nhân ái. Ngày mai, mọi người sẽ tổ chức trao nhà. Song hiện tại chị không có bất cứ vật dụng gì. Kính mong các tấm lòng hảo tâm chia sẻ với chị để chúng tôi mua cho chị ít vật dụng gia đình: Bếp nấu ăn, xoong nồi, bình nước lọc, chiếc giường, chiếc tủ đựng áo quần...”. 

Hai ngày sau đó đã có 6 cá nhân chung tay cùng thầy lo được cho vợ chồng anh Sự, chị Lý những vật dụng cần thiết. Trong ngôi nhà vừa được xây tạm chưa trát tường, chưa có cánh cửa của vợ chồng anh chị dù trống huơ trống hoác, lộng gió nhưng đã có hơi ấm của sự ấm áp, sẻ chia.

“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. (Ảnh minh họa: Nguyễn Hữu Thưởng)

Nhà giáo Ngô Mậu Tình là người làm thơ, nhà thơ thuộc Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình. Chú đã và đang làm những việc thuộc về cái đẹp, trước khi viết, nhen lên cái đẹp trong thi ca. “Em đang kết nối với già làng, trưởng bản góp phần khôi phục văn hóa của người Bru Vân Kiều. Em cũng đang phục dựng Văn hóa Cồng Chiêng của người Bru Vân Kiều dưới hình thức thành lập Câu lạc bộ Cồng Chiêng và mua trang phục Bru Vân Kiều cho học sinh”, Ngô Mậu Tình tâm sự. Đôi mắt thầy ánh lên sự ấm áp, hạnh phúc.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Trước Tòa nhà Hiệu bộ của Đại học Sư phạm Hà Nội, từ lâu đã khắc câu nói của ông về nghề sư phạm, ông dạy nghề sư phạm, trước hết phải mô phạm. Ông nêu trăn trở với ngành Giáo dục và Đào tạo: “Làm cho trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học".

Tôi tự hào về chú em - người thầy Ngô Mậu Tình của tôi. Thầy không nói nhiều, tấm gương và việc làm hằng ngày cho tôi thấy, vượt qua mọi khó khăn cám dỗ, vẫn có nhiều thầy cô giáo đã và đang “cháy hết mình”, “vắt kiệt mình” vì học sinh thân yêu, vì những mái trường “thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”.

Bỗng nhiên chạnh buồn. 

Tôi còn nhớ, thời đi học phổ thông, trong chiếc cặp may bằng vải có chiếc thước kẻ dòng. Thước dài chừng 30cm, hình vuông, 4 cạnh, to bằng ngón tay trỏ. Nói chuyện trong lớp, có khi thầy nhắc, có khi thầy cô bắt để bàn tay úp lên bàn, dùng thước đánh vào tay. Cũng nhói đau, nhưng nhớ. 

Bây giờ thời văn minh, camera lắp đầy lớp học nên không thầy giáo, cô giáo nào dám “xử lý” học sinh như thế nữa. Nói chuyện người thầy trong môi trường giáo dục hiện nay, thật nhiều thứ để bàn; từ chương trình, lương giáo viên... đến môi trường giáo dục.

Cách đây không lâu, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Giáo viên cũng sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng nếu kỷ luật học sinh không đúng quy định hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh.

“Người học” - theo văn bản, có thể tính từ học sinh hệ phổ thông, cho đến các học sinh trong các cơ sở đào tạo khác.

Thực ra, văn bản này đã được dự thảo từ năm 2018. Thầy giáo đang chịu quá nhiều áp lực. 

Thứ nhất, việc đổi mới giáo dục, chương trình phổ thông mới, sách giáo khoa. Những đổi mới rất cần thiết nhưng ngành giáo dục đang đổi mới liên tục, quá nhiều và quá thường xuyên. Điều này tạo áp lực lớn cho giáo viên. Thay đổi nhiều đã và đang gây xáo trộn không tốt đến học sinh và tạo nên áp lực không đáng có với giáo viên.

Thứ hai, vấn đề nâng cao giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường. Cách ứng xử văn hóa giữa phụ huynh, học sinh với giáo viên cũng rất cần quan tâm. Có những sự việc mức độ nhỏ giữa giáo viên và học sinh trong lớp nhưng phụ huynh lại vào cuộc, phản ứng khá cực đoan, thái quá, khiến thầy cô cũng bị áp lực.

Nhiều giáo viên bày tỏ, bây giờ không biết lên lớp dạy học sinh thế nào. Ngày xưa các cụ nói “yêu cho roi cho vọt”, bây giờ giáo viên không dám trách mắng nặng nề, bởi sợ sẽ khiến bậc phụ huynh nổi nóng. Đã xảy ra rất nhiều vụ việc phụ huynh tấn công thầy, cô giáo ngay trước cổng trường.

Trước những áp lực hữu hình và vô hình, không có gì lạ khi hơn 2 năm qua, ngành giáo dục cả nước có hơn 14.000 giáo viên mầm non và phổ thông nghỉ việc, bình quân 200 giáo viên thì có một giáo viên công lập nghỉ việc.

Môi trường giáo dục thực sự đang trở nên “ngột ngạt”. Phải làm sao đây để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, giúp họ cảm thấy thoải mái và yêu nghề. Phải làm sao đây, để khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến lớp là một ngày vui”, trở thành hạnh phúc thực sự, không chỉ của học sinh?

Giáo dục cũng là một loại hình dịch vụ trong nền kinh tế thị trường. Tham gia vào “thị trường” này đã có dân lập, các tập đoàn kinh tế trong nước và cả các tập đoàn giáo dục nước ngoài. Mong ước của phụ huynh về thế hệ con em trở thành “công dân toàn cầu” ngày càng lớn. 

Ảnh minh họa: Internet

Bỗng nhiên tôi nhớ ông Lý Quang Diệu, nhà lập quốc Singapore và chính khách tầm cỡ quốc tế. Có lẽ hai di sản quan trọng nhất ông để lại cho đảo quốc này, trước hết do ông phát hiện ra Singapore nằm trên tuyến hàng hải quốc tế nên đã biến Đảo quốc trở thành trung tâm logistics - cảng biển. Những năm cuối đời, ông thực hiện ý tưởng đưa Singapore trở thành trung tâm giáo dục của khu vực và quốc tế.

“Người đi không qua nổi chiếc bóng/ Niềm vui chẳng có lịch trình” (Ánh sáng, thơ Ngô Mậu Tình). Đúng là, không ai nhặt được bóng mình lên, “không qua nổi chiếc bóng”, nhưng cuộc sống luôn đòi hỏi thay đổi. 

Ca dao, tục ngữ Việt Nam đã có những câu tuyệt hay về đạo lý tôn sư trọng đạo như: “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”... Đó là những thành tố tạo nên văn hóa Việt.

Hạnh phúc thường bò như ốc như sên, nỗi buồn thường đến như điên như dại và dẫu biết: “Niềm vui chẳng có lịch trình”, nhưng chúng ta có thể thay đổi, nếu cả Nhà nước, nhà trường, phụ huynh, học sinh nghe được tất thảy những âm hưởng của giáo dục và “cháy hết mình” vì nó./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top