Aa

Chiếu nghỉ cho tâm trí - chiếu nghỉ của đời người

Nhà thơ Trang Thanh
Nhà thơ Trang Thanh trangthanh196@gmail.com
Thứ Năm, 17/11/2022 - 08:00

Như ngôi nhà cao tầng cần chiếu nghỉ cầu thang, cái vòng quay 24h cũng có đêm và ngày. Ngày - ánh sáng - để con người làm việc; đêm - bóng tối - để con người nghỉ ngơi.

Con người cần những quãng lặng để nhìn lại ngày tháng đã qua. Quãng lặng ấy là “chiếu nghỉ” cần thiết cho tâm trí chúng ta đang mỏi mệt.

Con cá voi hư cấu có tên là Đá Cá Voi trong tiểu thuyết “Cá voi đỉnh núi” của nhà văn Hàn Quốc - Lee Soon Won, vì nghe lời chú chim biển bé tí vượt núi xuyên mây bay đến, nói vào tai vài lời cổ tích, mà quyết tâm từ trên đỉnh cao chót vót của núi non “bơi” bằng được ra biển cả!   

Biển ở ngoài xa tít tận đằng kia, bao la rộng lớn. Biển xanh biếc và lộng lẫy, có muôn vàn loài cá, nhưng có một loài tên là Cá Voi Xanh to lớn, giống hệt cậu, mà sức vóc lại vô cùng mạnh mẽ. Sao cậu lại cứ im lìm mà an phận ở mãi tít trên cái đỉnh núi lạnh lẽo này? Biển xanh và rất ấm. Cũng có khi biển mát lạnh, hiền hòa. Biển vui nữa, và đôi lúc dữ dội, nhưng sẽ chẳng bao giờ người ta thấy cô đơn ở biển đâu. Thật đấy!

Những lời thầm thì của chim biển hấp dẫn đến nỗi, lòng dạ Đá Cá Voi cứ cồn lên như gió xoáy. Có điều gì tựa như một ước muốn, một khát vọng to lớn đang cựa quậy. Như con chim non bắt đầu tập đập cánh, nó nghĩ: Một ngày kia, nhất định mình sẽ ra biển. 

Biển ở ngoài xa tít tận đằng kia, bao la rộng lớn. (Ảnh minh họa: Internet)

Đêm ấy mưa gió bão bùng, có tiếng sét lớn ngang trời giáng xuống, thân hình Đá Cá Voi bị sét đánh vỡ làm đôi. Nửa thân trên lăn xuống sườn núi, nửa thân dưới của chú còn ở lại, cô đơn trên đỉnh tuyết sương. Đá Phẳng là cái tên mới người ta đặt cho chú. Ta từ nay chỉ còn là nơi để hổ đến tránh mưa, gấu đến làm ổ, thỏ đến tránh tuyết! Đơn điệu thế ư? Không, chỗ của ta nhất định phải là đại dương rộng lớn!

Nhưng, đại dương còn xa lắc, như trong cõi mộng, mà thời gian và sự khắc nghiệt của thiên nhiên thì lại hiện hữu đêm ngày, không ngừng xói lên thân hình Đá Phẳng những vết thương. Cứ vỡ và vỡ, theo thời gian, Đá Phẳng biến mất, chỉ còn là Đá Cuội nơi lòng suối. Trong hành trình của tan vỡ nghiệt ngã, Đá Cá Voi có lúc hoang mang, nghi hoặc, mặc cảm về thân hình không còn nguyên vẹn của mình, nhưng, như một người “trót đâm lao phải theo lao”, ý chí ra biển của nó càng được nung nấu. Nó không có lúc nào chùng lòng nhìn lại, dừng chân nơi một cái “chiếu nghỉ” một lát, để xem tham vọng của mình có hoang đường hay không, nên được tiếp tục hay dừng. Và kỳ diệu thay, đến khi tận cùng tan vỡ khiến nó chỉ còn là một hạt cát, thì ước mơ ra biển của nó đã trở thành hiện thực. Nó bấy giờ là một hạt cát hạnh phúc, được biển cả ôm trọn vào lòng. 

Trên con đường hiện thực hóa tham vọng không tưởng hay chính là con đường đi tìm hạnh phúc của mình, Đá Cá Voi đã liên tiếp chịu đựng sự mất mát, đã phải từng bước buông bỏ, trả giá lớn cho mỗi bài học. Bởi mỗi lần “được vỡ ra” là đau đớn, là như vừa trải qua một cuộc đại phẫu, cắt bỏ đi những ham muốn nặng nề, để nhẹ nhõm đón nhận mình trưởng thành trong một hình hài khác.

Hành trình Đá Cá Voi ra biển giống như những bước chân vào đời của một con người, với mỗi khúc quanh vấp ngã là thêm một bài học, để trưởng thành hơn trong một thể dạng mới, ở một không gian cuộc đời mới.

Một hạt cát nhỏ nhoi nằm im lìm trong lòng biển, có khác chi một con người đã cạn kiệt sức lực trong cái thân thể giờ chỉ còn như chiếc vỏ, ngồi đó im lìm mà nhìn cuộc sống tràn qua? (Ảnh minh họa: Internet)

Tôi cứ hình dung, cái không gian tưởng tượng nơi nhà văn đặt vào đó câu chuyện Đá Cá Voi tìm đường ra biển, trải bao những đèo cao, suối sâu, vực thẳm, những trập trùng, ngoắt ngoéo của thiên nhiên cũng tựa như những đoạn, khúc, những thăng trầm, ngã rẽ, sự quăng lên quật xuống của đời người. Con người giàu trí tưởng tượng, giàu ước mơ và khao khát nên cũng nhiều tham vọng. Mà tham vọng thì thường đẩy sức tưởng tượng và hành động nhiều khi đi quá xa.

Đá Cá Voi muốn ra biển lớn, con người cũng nhiều khi muốn dời non lấp bể và thực tế đã làm được. Nhưng lắm lúc con người cũng hay tham vọng về những điều không tưởng, hoặc cố sức làm cho kỳ được những việc nằm ngoài năng lực của mình.

Có khi nào, chúng ta thấy những tham vọng nối tiếp khiến chúng ta luôn hối hả, gấp gáp sống, đầu óc chúng ta chỉ còn cứng lạnh ở trong những hạn mức và chỉ tiêu? Chúng ta hay nói đến mấy chữ căng thẳng, stress, sập nguồn… Thực chất, sống không phải là một cuộc đua, nhưng bây giờ, có vẻ nhiều người coi đường đời là những cuộc đua. Đua học hành, đua phấn đấu, đua nhà cao cửa rộng, đua giàu có và lao mình vào công cuộc leo thang danh vọng.

Ở góc độ tích cực, phấn đấu hay cống hiến, gầy dựng đều là điều tốt, trong điều kiện khả thi. Nhưng, có rất nhiều nấc thang cuộc đời lại trật ra khỏi thang bậc của hạnh phúc. Những gì con người trưng ra cho thiên hạ nhìn thấy như tiền bạc, công danh, để muốn nói rằng mình đang có tất cả, thì thật ra chưa chắc đem lại hạnh phúc, bởi hạnh phúc là thứ chỉ cảm thấy chứ không phải nhìn thấy. Cho nên, một cách hơi chua chát, có người nói rằng, cái gì nhìn thấy được thì là của thiên hạ; cái mà thiên hạ không thấy được mới thực sự là của mình. Tiếc thay, con người cả đời lao vào tìm kiếm cái nhìn thấy, tức là tìm kiếm cho thiên hạ?! Điều này cũng dễ hiểu như một cô gái cố gắng đi đôi giày chênh vênh cao gót, chấp nhận đau chân, có thể ngã, chỉ để mọi người nhìn thấy dáng mình cao, chân mình dài và đẹp. Con người quần quật đi tìm cho được những gì (cả mình và thiên hạ) nhìn thấy được, tưởng như thế là hạnh phúc, để rồi cuối cùng hiểu ra rằng, cái ở trong ta, vô hình vô ảnh, cái không ai nhìn thấy mà chỉ chính ta cảm thấy, mới có thể khiến ta, được hay không - hạnh phúc. Bi kịch có lẽ chính là ở đấy chăng?

Tôi cứ nghĩ đơn giản, như ngôi nhà cao tầng cần chiếu nghỉ cầu thang, cái vòng quay 24h cũng có đêm và ngày, cũng chia ra hai phần ánh sáng và bóng tối. Ngày - ánh sáng - để con người làm việc; đêm - bóng tối - để con người nghỉ ngơi, hồi sức. Như thế mà nhân lên, thì trong suốt hành trình làm người, miệt mài mưu sinh, phấn đấu, con người cũng cần những quãng lặng để nhìn lại ngày tháng đã qua, soi lại những việc mình đã làm, hỏi xem tâm thức mình lúc này cảm thấy được hay mất, hạnh phúc hay đau khổ... Quãng lặng ấy là chiếu nghỉ cần thiết cho tâm trí chúng ta đang mỏi mệt. Quãng lặng ấy là để những gánh nặng của đoạn đời đã qua được cất xuống. Cái quãng lặng của một cơ thể có nhu cầu buông bỏ. Sự buông bỏ hay một cuộc lột xác khi ấy không có nghĩa làm ta mất mát, nhỏ bé hay yếu ớt đi, ngược lại, khiến ta chuyển đổi tâm ý để lớn lên trong một hình hài mới, một tâm thế mới.

Như sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã không ngừng làm tổn thương Đá Cá Voi khi nó quá khát khao một chuyến hành trình về với biển, muốn được sống như Cá Voi Xanh, để phải chịu vỡ ra làm đôi, làm ba, rồi vỡ tiếp… Thiên nhiên muốn gửi đến chúng ta thông điệp gì, khi liên tiếp giáng xuống Đá Cá Voi những cú đập không nương tay của số phận? Ra biển ư? Vậy phải biến mình thành hạt cát. Phải nhận lấy vô vàn bài học về sự buông bỏ. Cái hành trình nhân hóa vươn ra biển lớn của Đá Cá Voi, liệu có ẩn dụ điều gì mang tên ảo tưởng đi tìm hạnh phúc hay sự quay cuồng tham vọng của con người? Hạnh phúc sẽ đến bởi các giá trị tinh thần hay vật chất? Giá trị cuộc sống của một người nằm ở cảm giác hạnh phúc hay được định lượng bởi những thứ sờ thấy và đếm được như tiền bạc hay của cải? Câu hỏi ấy, tự mỗi người sẽ trả lời cho mình, bằng quan niệm, bằng trải nghiệm, bằng cảm nhận, bằng nhu cầu của riêng mình. Nhưng có một thực tế, rằng nếu chúng ta cứ sống như một mũi tên bay trong cái guồng quay hối thúc bởi tham vọng, hạn mức, chỉ tiêu; cứ giơ lưng bất chấp mà hứng lấy bao nhiêu bầm dập giáng xuống cuộc đời, để bằng mọi giá kiếm cho bằng được những thứ mong muốn, thì sẽ đến lúc, chúng ta có thể chỉ còn lại mình trong hình hài kiệt sức, và sẽ thấy tất cả lúc này đã là vô nghĩa.

Sống là đi, là gầy dựng, có gian lao sẽ có ngày quả chín, cứ ước mơ sẽ đến đích cuối cùng. (Ảnh minh họa: Internet)

Như Đá Cá Voi, khi trở thành hạt cát, được biển cả ôm trọn vào lòng. Nhưng thử hỏi, hạt cát nhỏ nhoi khi ấy đâu phải một con Cá Voi Xanh mạnh mẽ, to lớn, sống động, chan hòa vùng vẫy mà tận hưởng cuộc sống biển khơi, như ban đầu Đá Cá Voi mơ ước? Dẫu nhà văn có viết rằng Đá Cá Voi hạnh phúc được biển cả ôm trọn vào lòng, nhưng nếu thử tưởng tượng hành trình đi tìm hạnh phúc của Đá Cá Voi giống như hành trình đi thực hiện tham vọng của một con người, ta sẽ phải đặt lại câu hỏi lúc này, về hạnh phúc. Một hạt cát nhỏ nhoi nằm im lìm trong lòng biển, có khác chi một con người đã cạn kiệt sức lực trong cái thân thể giờ chỉ còn như chiếc vỏ, ngồi đó im lìm mà nhìn cuộc sống tràn qua?

Nghĩ đến đây, tôi lại nhớ cái điều mà người ta thường nói, hạnh phúc ở trên hành trình, không phải ở đích đến. Ừ nếu điều này là có lý, nó cũng an ủi con người khỏi nỗi tuyệt vọng, khi đi đến đích rồi mà không tìm thấy điều mình muốn. Thì ngẫm lại những gì đã trải qua, đã chấp nhận, đã chịu đựng, gọi là trải nghiệm, có chăng sẽ có đó những khoảnh khắc của hạnh phúc, hay cái bài học mà cuối cùng ta nhận được, đó chính là hạnh phúc? Thứ hạnh phúc chỉ có được khi người ta đã trả giá rất cao!

Nghĩ thế, tôi cũng có chút đặt niềm tin vào cái gọi là hành trình. Bởi sống là đi, là gầy dựng, có gian lao sẽ có ngày quả chín, cứ ước mơ sẽ đến đích cuối cùng. Nhưng khi đặt niềm tin vào cái gọi là hành trình, tôi lại càng tin, rằng con người làm gì, tham vọng gì cũng cần dự liệu tính khả thi, và hành trình cuộc đời nào cũng phải cần có “chiếu nghỉ”. Cái chiếu nghỉ của tâm trí, hay cái quãng lặng cần thiết trong cuộc đời, sẽ tiếp thêm năng lượng trên con đường chúng ta đi tìm mục đích và niềm hạnh phúc. Lúc đó, sẽ không phải là thứ hạnh phúc của sự “tan vỡ tận cùng” cho những bài học buông bỏ như Đá Cá Voi, mà là thứ hạnh phúc đến từ sự tỉnh thức. Không nôn nóng ảo tưởng, không tham vọng đến mức giá nào cũng trả, hãy nhẹ nhàng đặt lưng nơi “chiếu nghỉ”, cất bớt đi những gánh nặng hành trình. Hạnh phúc sẽ nhẹ nhõm, ngọt ngào mà đến, thực sự thấm thía ở trong ta và của chính ta./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top