Aa

'Chim mồi' gói 30.000 tỷ hành người mua nhà

Chủ Nhật, 02/10/2016 - 07:02

Tin tưởng lời hứa hỗ trợ vay mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng nên nhiều người mua nhà hăm hở ký hợp đồng mua. Thế nhưng ngay khi mua xong, khách hàng nhận quả “đắng” vì chủ đầu tư “bỏ rơi và lật lọng” với người mua khi họ chuyển về ở.

Người phải vay tiền mua nhà từ gói 30.000 tỷ đồng đều không có thu nhập cao. Ảnh: Như Ý

Người phải vay tiền mua nhà từ gói 30.000 tỷ đồng đều không có thu nhập cao. Ảnh: Như Ý

Đủ chiêu hành người mua nhà

Chị Trang Anh, khách hàng mua nhà tại dự án tại cụm chung cư CT7 Khu đô thị Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội bức xúc khi bỗng dưng bị chủ đầu tư phạt lãi. Sau nhiều lần được nhân viên sàn giao dịch Bất động sản (BĐS) năn nỉ ký hợp đồng và hứa chủ đầu tư hỗ trợ khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng, chị Anh và gia đình đồng ý đặt cọc 50 triệu đồng mua căn hộ tại dự án.

“Ngày tôi ký hợp đồng là 17/10/2015 và đóng tiền đợt 1 hơn 300 triệu đồng. Vừa ký xong, chủ đầu tư dúi cho bản thông báo đóng tiền đợt 2 với hạn cuối là 20/10/2015. Khi tôi thắc mắc sao chỉ còn 3 ngày mà bắt đóng đợt 2, nhân viên sàn giao dịch hứa sẽ hỗ trợ tối đa.

Đến ngày 22/10, tôi mới nhận được hợp đồng liền bị nhân viên phạt lãi. Bức xúc ở chỗ là chủ đầu tư không hề gọi lên lấy hợp đồng. Khi tôi lên, họ quay lưng bảo ký vào rồi thì phải chịu phạt, rồi đổ hết lỗi cho khách hàng”, chị Trang Anh nói.

Còn chị Bích Ngọc cũng mua nhà ở đây ngỡ ngàng khi nhận giấy thông báo bàn giao căn hộ kèm thêm số tiền phạt lãi. “Tôi không hiểu chủ đầu tư làm ăn kiểu gì khi lúc đầu dỗ ngon ngọt người mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng nhưng sau khi ký xong ngân hàng chưa giải ngân kịp, họ quay ra phạt khách hàng.

Trong suốt quá trình mua bán nhà, tôi chưa lần nào nhận trực tiếp thông báo giấy nộp tiền từ chủ đầu tư mà toàn phải tự mình đi hỏi rồi mới biết mình bị phạt. Trong thông báo ghi ngày 26/9 nhận nhà và ngày 24/9 hết hạn nộp tiền, nhưng mãi đến 23/9 chúng tôi mới nhận được giấy báo. Chủ đầu tư đổ lỗi do bưu điện trong khi hậu quả dân chịu”, chị Ngọc phản ánh.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, hàng trăm cư dân chung cư Thăng Long Victory (Hoài Đức, Hà Nội) khổ sở vì chủ đầu tư “bỏ mặc” người dân khi đơn vị tự ý cắt điện nước. Theo phản ánh của người dân, tòa chung cư Thăng Long Victory đi vào hoạt động từ cuối năm 2015.

Ngay sau đó, phía Công ty dịch vụ Sudico tiếp nhận với cương vị là đơn vị quản lý dịch vụ, vận hành tòa nhà. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi Cty CP dịch vụ Phúc Hà làm chủ đầu tư dự án đã tiến hành thu nhiều loại phí dịch vụ như: Nước, gửi xe, phí quản lý. Trong quá trình họp với đại diện nhiều trưởng tầng, nhiều cư dân cho rằng, phí dịch vụ quá cao với những gì đơn vị đã và đang triển khai.

“Với phí dịch vụ là 4.000 đồng/mét vuông nhưng không tương xứng với dịch vụ mình được hưởng. Họ cắt nước của những hộ dân chưa đóng phí dịch vụ để ép đóng tiền khiến rất nhiều hộ gia đình bức xúc. Nước sinh hoạt là thứ không thể thiếu ấy vậy mà họ cắt, thử hỏi chúng tôi biết sống ra sao. Các hộ gia đình không chịu được cảnh bị cắt nước nên đã phải đóng phí dịch vụ”, một cư dân toà nhà cho biết.

Ai bảo vệ cư dân?

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, khi chủ đầu tư bán ế hàng, họ sẽ tìm đủ mọi cách để dụ người mua nhà xuống tiền. Rất nhiều người mua nhà khi mua không đọc kỹ hợp đồng nên khi nhận nhà ngã ngửa vì không giống với lời quảng cáo của chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư sai phạm về xây dựng, cơ quan quản lý sẽ vào cuộc nhưng với mâu thuẫn với cư dân liên quan đến đóng tiền, cơ quan chức năng không thể bảo vệ người mua nhà trong quá trình giao dịch khi người mua đã ký vào hợp đồng mua bán.

Người mua nhà dự án Thăng Long Victory (Hoài Đức, Hà Nội) “dụ” mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng và rồi cũng bị chủ đầu tư bỏ rơi

Người mua nhà dự án Thăng Long Victory (Hoài Đức, Hà Nội) “dụ” mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng và rồi cũng bị chủ đầu tư bỏ rơi

Tuy nhiên, Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ cho rằng, người dân có thể kiện chủ đầu tư bán hàng gian dối và có dấu hiệu lừa đảo khách hàng. Thời điểm cận kề kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, nhiều chủ đầu tư tranh thủ bán hàng và dùng đủ mọi chiêu thức để người dân mua. Những dự án thương mại này thường ở xa trung tâm và nếu không dùng gói hỗ trợ ưu đãi sẽ không ai mua.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp khách hàng mua nhà bắt tay với chủ đầu tư lách luật để vay gói 30.000 tỷ đồng. Vì vậy, khi nhận nhà và xảy ra sự cố, người dân thường không dám lên tiếng và kiện lại chủ đầu tư. Thậm chí có những dự án chưa đủ điều kiện bàn giao nhưng chủ đầu tư vẫn bàn giao để khách hàng được giải ngân hết số tiền vay trong năm 2016.

“Khi mua nhà người dân phải rất cảnh giác, cẩn thận, kiểm tra thông tin, xem chủ đầu tư có đáp ứng được tất cả các điều kiện đúng pháp luật hay không. Đặc biệt, người mua nhà nên kiểm tra năng lực của chủ đầu tư thay vì tin vào lời của nhân viên môi giới”, Luật sư Quyền khuyên.

Ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, đối với nhà chung cư không đảm bảo chất lượng như chủ đầu tư cam kết với khách hàng, người sử dụng hoàn toàn có thể yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hoặc có văn bản gửi Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng để có những biện pháp can thiệp hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top