Danh là tên.
Ở trên đời, một đồ vật, một sự kiện, một con người... hết thảy đều phải có một cái tên nào đó. Để gọi. Thường là đúng với bản chất. Ví dụ ta gọi, “cái cày”, ai cũng hiểu là dụng cụ dùng để cày ruộng. Ta nói, “trời mưa”, mọi người nghĩ ngay là nước đang rơi xuống từ các đám mây trên trời...
Thế nhưng với người, khó hơn nhiều. Các cụ ta xưa có dạy, “sinh con ra thì phải đặt tên”. Đó là cái tên - danh cha sinh mẹ đẻ. Để phân biệt người nọ với người kia trong giao tiếp của mọi người với nhau trên thế giới này. Nó gần giống như là một kiểu định danh sinh học mặc định. Thế nhưng con người ta vốn không chỉ là một sinh vật sống. Con người còn là một bản thể xã hội vô cùng phức tạp. Rất riêng biệt. Cái bản thể này nó mới tạo cho mỗi người cái “danh” mà ta đề cập tới ở đây. Danh của xã hội đặt cho. Ông bác sĩ, ngài kỹ sư, ông bộ trưởng, ngài chủ tịch... Hết thảy là những cái danh đó.
Trong xã hội danh xưng chính xác là một điều cực kỳ hệ trọng.
Từ thời xa xưa, Khổng Tử, một nhà triết học phương Đông lừng lẫy đã đưa ra thuyết “Chính danh”. Ngài nói: “Danh có chính thì ngôn mới thuận. Ngôn có thuận thì sự mới thành.” Hết thảy mọi sự đều phải “Chính danh”! Ông thày thuốc phải đúng là thày thuốc, phải thông hiểu y lý mới được làm nghề chữa bệnh cho người. Thày giáo phải thông văn tự, hiểu chữ nghĩa mới dạy được cho học trò. Nông dân phải biết trồng cấy. Thương nhân phải biết buôn bán... Cho đến đấng quân vương cũng phải “chính danh” có được mệnh trời trao. Chả thế mà các chỉ dụ của vua xưa thường bắt đầu bằng câu, “Thuận thiên thừa vận...”. Thiên, ở đây chính là lòng dân. Ý dân là ý trời. Tất cả đều phải chính danh của mình mà làm việc. Và có chính danh mà nói thì người ta mới nghe: Ông thày thuốc, nói về bệnh thì bệnh nhân mới tin. Thày giáo giảng về chữ nghĩa, học trò mới nghe. Còn nhà vua phải thuận theo mệnh trời (lòng dân) mà bố cáo mọi việc thì nhân dân cả nước mới theo...
Nhưng ngày nay xã hội hình như đang loạn danh.
Tệ mua bán bằng cấp. Rồi bằng thật học giả, kết quả của nạn mua điểm, hối lộ thày cô. Tất cả những hệ lụy ấy đã cho ra đời cả loạt những người trong xã hội có “danh” mà không có “thực”. Kết quả là thày thuốc thì làm bệnh nhân chết người. Thày giáo thì dạy cho học sinh ngày càng ngu đi. Kỹ sư thì cho ra những công trình, sản phẩm hư hỏng. Nhưng đặc biệt nguy hại, là những kẻ giả “danh” tìm mọi thủ đoạn bước chân vào chính trường thì càng gây cho đất nước những hệ lụy khôn lường: Họ không hiểu nổi những khái niệm cơ bản của quản trị xã hội, quản trị đất nước. Họ chỉ nghĩ đến việc vơ vét cho đầy túi cá nhân phe nhóm và mặc kệ quốc gia bị tàn phá, chìm ngập trong nợ nần. Có thể nói những kẻ giả “danh” đó là mối nguy hại lớn nhất cho sự tồn vong của nước Việt.
Để đất nước tiến lên, có nhiều việc phải làm.
Thế nhưng một trong những việc phải làm ngay, đó là bố trí cán bộ phải “chính danh”. Người nào vật nào chỗ ấy. Đúng chỗ của mình. Đúng năng lực sở trường của mình. Thế mới phát huy hết khả năng để đóng góp cho xã hội. Người xứng đáng ở vị trí đứng đầu phải có chính danh đứng đầu để quyết đáp mọi việc. Kẻ chỉ xứng đáng làm nhân viên phải được đưa về vị trí để mà sai bảo. Được thế mọi việc trong xã hội sẽ dần đi vào kỷ cương, đất nước sẽ dần phát triển...
Khổng Tử là một triết gia vĩ đại sống cách chúng ta mấy ngàn năm. Những triết thuyết của ông đã một thời làm rường cột cho xã hội phương Đông. Thế nhưng cuộc sống luôn vận động biến chuyển đi lên, nhiều lý thuyết của ông đã trở thành những cái vòng kim cô khủng khiếp kìm hãm sự phát triển của xã hội. Thậm chí là thành gông cùm đè nén áp bức con người. Đã có một thời chúng ta đả phá không thương tiếc Khổng Tử. Thế nhưng cũng như mọi triết gia vĩ đại khác, ông có nhiều cái sai và cũng có những cái đúng. Bài xích phủ nhận toàn bộ hay là tôn vinh mọi lý thuyết của ông thành chân lý duy nhất đều không phải là điều đúng đắn. Đặc biệt là với giới trí thức thì điều đó lại càng cấm kỵ.
Trong khoa học, tự nhiên và xã hội, không có chân lý cuối cùng và duy nhất. Tất cả đều chỉ là đang trên đường đi tới chân lý. Trên con đường đi tìm chân lý của loài người, là quá trình phát triển của xã hội, có điều nay đúng, ngày mai sai là thường tình. Khổng Tử cũng không là ngoại lệ. Đó chính là thực tiễn kiểm nghiệm lý thuyết. Một vĩ nhân chả đã từng nói, “Mọi lý thuyết đều màu xám chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi” đó sao. Có điều soi chiếu vào tình hình thế giới hiện nay và hoàn cảnh xã hội Việt Nam đương thời thì, hình như học thuyết về tính “Chính Danh” của Khổng Tử vẫn còn nguyên giá trị.
Và có lẽ đó là sự đóng góp của ông cho nền văn minh nhân loại.