Chiều 6/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa Quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban Chỉ đạo 1899) đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban, đánh giá tình hình phát triển logistics, việc thông thương hàng hóa qua biên giới, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại...
Tạo điều kiện cho thuận lợi thương mại
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, dịch nCoV bùng phát đã khiến tình hình thương mại, giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc khó khăn, nhất là mặt hàng nông sản, trái cây đã xảy ra hiện tượng ùn ứ, tắc nghẽn do việc kiểm soát các cửa khẩu biên giới.
Tới ngày 5/2, nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn mới bắt đầu được giải tỏa sau hơn 10 ngày ách tắc.
"Chúng ta vừa phải đáp ứng yêu cầu đặt ra là phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát cửa khẩu, đường mòn lối mở, vừa phải tiếp tục thông thương, tạo điều kiện cho thuận lợi thương mại," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Trung Quốc là nền kinh tế chiếm 17% GDP toàn cầu, 33% tổng tăng trưởng thương mại thế giới, và 1/3 cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là hàng nông sản. Đây cũng đồng thời là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản.
Về sản xuất, cung ứng các sản phẩm chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, Phó Thủ tướng cho rằng cần có giải pháp tạo điều kiện làm ăn cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh. Mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn vừa qua cháy hàng, giá đẩy lên cao do nhu cầu tăng đột biến. Nguyên liệu chính để sản xuất mặt hàng này là vải lọc kháng khuẩn phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc.
Vì thế, Chính phủ đã thống nhất miễn thuế có thời hạn nhập, xuất khẩu về thành phẩm và nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước khử trùng, vật tư thiết bị dùng trong chống dịch. Tùy tình hình thực tế, Thủ tướng sẽ quy định thời hạn.
Các công ty sản xuất khẩu trang, nước khử trùng cũng đã làm thêm ca, tiết kiệm chi phí và không tăng giá mặt hàng này.
Theo tính toán, việc miễn thuế này khiến ngân sách bị thất thu khoảng 400 - 500 tỷ đồng, nhưng "không đáng gì so với việc chúng ta tập trung phòng, chống dịch bệnh."
Cho biết vừa qua xuất hiện một số trường hợp cơ quan chuyên môn cứng nhắc trong xử lý hàng hóa thông quan tại cửa khẩu, đưa ra văn bản không phù hợp diễn biến tình hình khi "đình chỉ xuất cái này, nhập cái kia," ảnh hưởng nhất định tới bao tiêu hàng hóa qua biên giới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành là thành viên Ủy ban phân tích, đánh giá thực trạng trên ảnh hưởng thế nào tới bao tiêu hàng hóa qua biên giới. Việc kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa cần bổ sung biện pháp nào để vừa tạo điều kiện thuận lợi, nhưng không làm ách tắc giao thương.
Nông sản ùn ứ do xuất theo hình thức trao đổi cư dân biên giới
Lý giải nguyên nhân nông sản ùn ứ tại cửa khẩu, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết Trung Quốc kéo dài thời gian nghỉ Tết do dịch bệnh; các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính được mở cửa trở lại từ ngày 3/2 lại chỉ thông quan được hàng xuất khẩu chính ngạch, có hợp đồng. Trong khi đó, phần lớn các xe container chở thanh long tại các cửa khẩu là xuất theo hình thức trao đổi cư dân biên giới.
Vì thế, phải tới khi các chợ đầu mối biên giới mở cửa trở lại (ngày 9/2), hàng hóa mới lưu thông trở lại. Lạng Sơn đã thông quan được một khối lượng nhất định do chủ hàng đồng ý chuyển sang xuất theo chính ngạch, chịu thêm thuế giá trị gia tăng.
Còn tại Móng Cái, Lào Cai chưa thể xuất được do chủ hàng không đồng ý chuyển xuất chính ngạch, quyết chờ đợi chợ đầu mối biên giới mở cửa.
Đến hết ngày 6/2, có 60 container thanh long tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đã được thông quan, vẫn còn tồn 200 container.
Quy định cách ly 14 ngày với tài xế chở hàng qua biên giới Trung Quốc, theo Thứ trưởng Công Thương, cũng là một khó khăn. Để thuận lợi cho giao thương, ngày 6/2, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Y tế, đề nghị thống nhất quy trình phòng dịch ở cửa khẩu tuyến hai.
Ông Trần Quốc Khánh đề nghị Bộ Y tế sớm trả lời để đàm phán với phía Trung Quốc, thống nhất quy trình phòng dịch bệnh.
"Quy trình phòng, chống dịch ở cửa khẩu tuyến hai cần thống nhất để đảm bảo chống dịch nhưng không gây gián đoạn quá mức đối với hoạt động xuất nhập khẩu," Thứ trưởng Công Thương nói.
Quy trình được Bộ này đưa ra là hàng hóa từ miền xuôi đưa lên sẽ được đưa vào bãi, sau đó sẽ có đội lái xe riêng của ban quản lý cửa khẩu tiếp nhận để lái sang biên giới. Việc trang bị phòng dịch cho lái xe ở cửa khẩu do Bộ Y tế hướng dẫn. Khi lái xe này quay về sẽ không phải cách ly nữa bởi họ đã được cách ly trong khu kinh tế cửa khẩu. Bàn giao xe xong, lái xe nội địa tiếp nhận và lái vào nội địa, không sang bên kia biên giới.
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường thông tin vừa qua, phát hiện một số container buôn lậu khẩu trang qua biên giới, Bộ mới đề xuất không bán cho các đơn vị, doanh nghiệp găm hàng, tăng giá để xuất lậu qua biên giới.
Trước đây, khẩu trang chỉ dùng cho y tế, một số người mua dùng đi ô tô, xe máy, nay đột xuất cháy hàng, các doanh nghiệp không kịp trở tay, phải đề xuất sản xuất tăng ca và tránh đầu cơ, tích trữ.
Một giải pháp khác nhằm đáp ứng nguồn khẩu trang là chuyển đổi một số nhà máy may mặc sang sản xuất khẩu trang vải, không nhất thiết mọi người phải sử dụng khẩu trang y tế mà có thể sử dụng khẩu trang vải. Một tuần nữa các doanh nghiệp có thể sản xuất được 30 triệu chiếc khẩu trang.
Đồng tình với quan điểm của Bộ Công Thương là "dịch nCoV chỉ lây qua người chứ không lây qua hàng hóa, phương tiện," Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho rằng phải có cơ chế riêng đối với lái xe chở hàng qua biên giới, người tháp tùng hàng và người làm pháp lý cho lô hàng.
Người Việt Nam lên xe là phải được cách ly, cho nên phải có ngay quy trình đối với người đi cùng xe chở hàng, phải trang bị đồ bảo hộ. Bộ Y tế sẽ có một số hướng dẫn chi tiết đối với những trường hợp xe chở hàng qua biên giới, không để ách tắc hàng hóa, ảnh hưởng đến kinh tế.
Còn theo Tổng cục phó Tổng cục Hải quan Mai Văn Thành, hiện giá nguyên liệu vải nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 4 - 5 lần so với trước, khiến giá thành sản xuất mặt hàng này bị đẩy cao. Xuất khẩu khẩu trang sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến vào tháng 10/2019 và đầu năm 2020. Riêng tháng 1/2020, lượng khẩu trang xuất sang thị trường này tăng 300%. Ngày 6/2, Hàn Quốc đã cấm xuất khẩu khẩu trang và giá khẩu trang tại nước này đã tăng lên.
Đẩy mạnh chuyển từ thương mại tiểu ngạch sang chính ngạch
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng có thể áp dụng quy trình không cần thay lái xe mà trang bị cho lái xe đồ bảo hộ giống như bác sỹ.
Theo Phó Thủ tướng, liên quan đến thông quan hàng hóa trong điều kiện chống dịch nCoV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cần phối hợp với các ngành hàng, doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển từ thương mại tiểu ngạch sang chính ngạch để sớm tận dụng các cơ chế về xuất nhập khẩu.
Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan, y tế, tài chính thống nhất với phía Trung Quốc về quy trình kiểm soát hàng hóa, phương tiện cũng như con người thông quan qua cửa khẩu theo hướng đề xuất của Bộ Công Thương và Bộ Y tế.
Theo dõi sát tình hình mở cửa biên giới để đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, vừa đảm bảo an toàn, vừa kiểm soát được dịch bệnh, không chỉ trên đường bộ mà cả ở cảng biển. Việc khử trùng hàng hóa, phương tiện nên thống nhất, đặc biệt là đối với nguyên liệu để sản xuất khẩu trang và nước sát khuẩn, thiết bị dụng cụ trong phòng, chống dịch, trên cơ sở đã miễn thuế, các cơ quan cần tạo điều kiện cho thông quan.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ rất hoan nghênh việc Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam vận động các doanh nghiệp vận tải, kho bãi hỗ trợ cho bà con nông dân bằng cách dành ra một diện tích kho nhất định để chứa hàng và giảm chi phí lưu kho từ 10 - 20%, giúp giải tỏa ách tắc hàng hóa và tăng cường phòng, chống dịch.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no, chia sẻ với nhau lúc này là rất quan trọng," Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.