Aa

Chính phủ thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Thứ Sáu, 01/09/2017 - 11:49

Chính phủ thống nhất dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định phân cấp cho Trưởng đặc khu hành chính, kinh tế một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 83/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2017.

Tại nghị quyết vừa được ban hành, đề cập đến Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, các thành viên Chính phủ đánh giá đây là dự án luật quan trọng, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá. Đồng thời, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Đơn vị).

Do đó, Chính phủ thống nhất thông qua dự án Luật, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ nghiên cứu tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp, chỉnh lý dự án Luật về một số nội dung.

Cụ thể, về nguyên tắc áp dụng pháp luật: Bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013, có thể chế, chính sách ưu đãi vượt trên các luật hiện hành, có khả năng cạnh tranh, thích ứng cao với yêu cầu hội nhập quốc tế; trong đó cần có một số chính sách ưu đãi cao hơn các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do trong khu vực nhằm thu hút đầu tư. Có quy định cho phép áp dụng Luật này đối với các Đơn vị được Quốc hội thành lập sau khi Luật này có hiệu lực, bảo đảm tính ổn định của Luật.

Về áp dụng pháp luật nước ngoài và giải quyết tranh chấp tại tòa án nước ngoài, do đây là vấn đề liên quan đến chủ quyền pháp lý và quyền tài phán quốc gia, Chính phủ thống nhất báo cáo Quốc hội hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.

Về tổ chức chính quyền Đơn vị, thống nhất phương án tổ chức chính quyền Đơn vị theo mô hình Trưởng Đơn vị do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, không tổ chức Hội đồng nhân dân; quy định phân cấp cho Trưởng Đơn vị một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Đồng thời, bổ sung quy định cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với Trưởng Đơn vị; tổ chức và hoạt động của các cơ quan: Tòa án, Kiểm sát, Thi hành án là cấp đặc biệt, có đủ thẩm quyền trong hoạt động tư pháp, tố tụng.

Một góc Vân Đồn nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Về nguồn vốn đầu tư cho Đơn vị, quy định kết hợp các nguồn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách Trung ương và để lại hợp lý nguồn tăng thu của Đơn vị để đầu tư hạ tầng thiết yếu ban đầu.

Theo chỉ đạo, các Bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hoàn thiện các quy định tại dự thảo Luật liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước được phân công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, bảo đảm tiến độ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội dự án Luật này; phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật; các vấn đề lớn, vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Liên quan đến dự án luật quan trọng này, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện để trình ra Quốc hội xin ý kiến thông qua vào tháng 10 tới. Trao đổi với Reatimes, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An cho rằng, về cơ chế đặc thù thì nên theo thế mạnh của địa phương. Ở đâu cảng mạnh sẽ phát triển cảng. Ở đâu du lịch mạnh sẽ phát triển du lịch.... Đặc thù này cũng cần có những chuẩn riêng nhưng cần linh động hơn khu vực khác nhưng vẫn nằm trong kiểm soát chung của đất nước.

“Theo tôi, trong câu chuyện đặc thù cần có cơ chế riêng nhưng không được vi phạm quy định chung của đất nước. Cái gì đã được quy định trong luật cần tuân thủ hoàn toàn. Để ưu tiên cũng có thể du di nhưng trong hành lang pháp lý thôi, chứ vượt khỏi lại là vấn đề”, bà An nói.

Đề cập đến việc hiên có ý kiến cho rằng, nếu chúng ta xây dựng đặc khu nhưng lại “gò bó” nó trong chiếc “áo chật” của các quy định trước đây mà không có những cơ chế vượt trội thì sẽ không thu hút được đầu tư, bà An cho rằng, việc này phải hài hòa giữa quyền lợi của 3 bên: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Không thể quá ưu tiên cho một phía nào.

“Tôi cho rằng nếu chỉ vì dân, doanh nghiệp sẽ không làm mà chỉ vì doanh nghiệp cũng không được. Do đó, phải tìm được tiếng nói chung sao cho hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Hơn nữa, có du di nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam”, bà An nói.

Theo bà An, hiện nay thời hạn thuê đất là 50 năm, nếu áp dụng cơ chế đặc biệt có thể chỉ là 75 năm chứ không thể là 99 năm được. 99 năm là quá dài và không thể được.

Hay tại sao lại phải miễn thuế đất? Tại sao lại phải miễn trừ? Cần phải nghiên cứu kỹ việc này, nếu không lúc quyết rồi sẽ rất khó sửa lại.

“Tôi cho rằng đưa ra cơ chế vượt trội cho các đặc khu là một bước đột phá nhưng trong quá trình đưa ra cái mới, phải nghiên cứu kỹ, tham khảo ý kiến các chuyên gia, thậm chí lắng nghe ý kiến người dân ở vùng đó.

Tuy nhiên, phải cẩn trọng, không được để cực đoan, đến lúc quyết ra rất khó gỡ. Tất nhiên so sánh là khập khiễng như trước đây khi quyết cho đa cấp hoạt động, bây giờ dân "khóc". Đây chỉ là một ví dụ

Tôi cho rằng dù có đặc khu gì thì vẫn phải dưới sự quản lý của Nhà nước. Vẫn phải làm lợi cho sự phát triển của đất nước. Cái giỏi của lãnh đạo là phải làm sao quyết cho đúng, cho chuẩn vẫn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đất nước.

Rõ ràng, đất đai có thể ưu tiên, thời gian có thể kéo dài hơn nhưng đừng quá dài như kiểu 99 năm. Còn trong quá trình phát triển, nếu có bất hợp lý chúng ta có thể điều chỉnh tiếp”, bà nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top