Aa

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu kỹ nhu cầu vốn cho dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Thứ Bảy, 27/10/2018 - 06:01

Với tính chất kỹ thuật phức tạp và nhu cầu vốn đầu tư lớn của dự án, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu kỹ quá trình đầu tư dự án để có sự đồng thuận cao của các chuyên gia, nhà khoa học, của người dân và xã hội.

Tàu tốc độ cao ICE (Đức)

Tàu tốc độ cao ICE (Đức)

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo Phó Thủ tướng, việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và định hướng Chiến lược, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với tính chất kỹ thuật phức tạp và nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, quá trình nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án cần phải được nghiên cứu kỹ để có sự đồng thuận cao của các chuyên gia, nhà khoa học, của người dân và xã hội.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tổ chức thêm các diễn đàn, hội thảo để các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp thêm ý kiến về sự cần thiết đầu tư dự án, lựa chọn kịch bản, công nghệ phát triển và phương án tổ chức khai thác...; đồng thời, tranh thủ ý kiến góp ý của người dân để tạo sự đồng thuận về việc đầu tư dự án.

Đồng thời yêu cầu Tư vấn thu thập thêm kinh nghiệm của các nước đã và đang phát triển đường sắt tốc độ cao, đặc biệt là các nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam để có sự so sánh, đánh giá.

Mặt khác, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu mời các chuyên gia, nhà khoa học hoặc các tổ chức tư vấn để có ý kiến phản biện độc lập, làm cơ sở hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030, đặc biệt là cho các dự án giao thông lớn như đường bộ cao tốc, hệ thống cảng hàng không, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có và các hạ tầng giao thông khác để làm rõ khả năng cân đối nguồn lực đầu tư dự án, làm cơ sở trình các cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Trên cơ sở hồ sơ dự án đã hoàn thiện, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để giao Hội đồng thẩm định Nhà nước tổ chức thẩm định quy định và xin ý kiến Trung ương, Bộ Chính trị, làm cơ sở báo cáo Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án.

Các Bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp đánh giá xu thế phát triển công nghệ về đường sắt trên thế giới; nghiên cứu, đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng cũng như quy hoạch mạng lưới cung cấp điện dọc tuyến để đáp ứng nhu cầu khai thác, vận hành dự án; có giải pháp đồng bộ về chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực,... để hỗ trợ quá trình phát triển đường sắt tốc độ cao.

Trước đó, để đáp ứng nhu cầu vận tải và tăng cường sự kết nối giữa các thành phố lớn trên trục Bắc - Nam (nhất là việc kết nối hai trung tâm kinh tế lớn là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM) bằng hệ thống giao thông vận tải tốc độ cao, an toàn; đồng thời, phát triển hài hòa các phương thức vận tải; trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 214/QĐ-TTg ngày 10/2/2015) và điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top