Nhân dịp Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), Reatimes xin gửi đến độc giả bài viết dưới đây để chia sẻ những câu chuyện thú vị của vị chính trị gia này trong công tác chính quyền với báo chí, qua đó lý giải phần nào thông tin báo chí - truyền thông về Thừa Thiên - Huế đã “bung nở” chưa từng có trong thời gian gần đây.
Người biết chạnh lòng với Giải Báo chí tỉnh
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tiến hành trao thưởng Giải Báo chí Hải Triều tỉnh lần thứ 2 năm 2021. Ít ai biết rằng người khởi xướng và đặt nền móng cho Giải Báo chí tỉnh mới qua tuổi thứ 2 này là ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đương nhiệm.
Vào một buổi chiều vàng nắng hanh hao bên dòng Hương Giang giữa thu năm 2019, trên bục phát biểu trong hội trường của một khách sạn nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh, ông Thọ đang phát biểu hào hứng trước các hội viên Hội Nhà báo tỉnh, các nhà báo lão thành, những người làm báo trên địa bàn tỉnh, chợt thoáng chốc dừng lại khi đề cập đến Giải Báo chí tỉnh hằng năm. Ông Thọ bày tỏ trăn trở về một vùng đất như Thừa Thiên - Huế mà Giải Báo chí tỉnh chưa có tầm, nhất là mức giải thưởng quá thấp, thấp đến chạnh lòng.
Ông Thọ nắm micro hướng về thường trực Hội Nhà báo tỉnh, rồi đề nghị cơ quan này cùng bộ phận tham mưu sau lễ Kỷ niệm xúc tiến ngay việc nâng tầm Giải Báo chí tỉnh, cả về chất về lượng và giá trị hiện kim của giải thưởng, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét. Sự chỉ đạo và đúng hơn là lời đề nghị của người đứng đầu chính quyền tỉnh đã làm "mát lòng mát dạ" những nhà báo, hội viên, người làm báo tỉnh qua bao mùa giải.
Thế nhưng để nâng tầm giải thưởng, nâng mức thưởng cho giải là câu chuyện không dễ. Thường trực Hội Nhà báo tỉnh với tư cách là đơn vị chủ trì xúc tiến giải thưởng đã tham vấn, thực hiện nhiều cuộc họp với ban ngành liên quan, nhất là ý kiến của Ban Kinh tế ngân sách của HĐND tỉnh trước khi trình ra hội đồng; rồi đến tên gọi giải thưởng, mức tiền thưởng… Trong đó nhiều cuộc họp, hội nghị hội thảo ông Phan Ngọc Thọ đích thân chủ trì.
Năm 2020 lần đầu tiên Giải Báo chí Hải Triều được tổ chức trên cơ sở nâng tầm Giải thưởng Báo chí tỉnh. Những người dự giải, thực chất vẫn là những “người quen cũ” chủ yếu làm báo ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhưng mức giải thưởng đã được nâng lên, từ 5 triệu đồng lên 15 triệu đồng/giải Nhất, mức thưởng các giải khác cũng nâng lên nhiều lần so với trước.
“Cũng có nhiều việc phức tạp lắm. Giải Báo chí hằng năm mình thấp, 5 triệu đồng/giải Nhất, nhưng ngành văn học - nghệ thuật tỉnh giải thưởng hằng năm còn thấp hơn. Rồi những giải thưởng khác như giải sáng tạo khoa học trẻ… cũng không phải cao. Báo chí mình nâng lên vậy bên các ngành ấy thì sao. Cho nên nâng tầm Giải Báo chí lại vướng chỗ này chỗ kia. Khó nhưng cuối cùng cũng nhờ sự tận tâm của anh Thọ nên đã làm được”, một nhà báo có công trong việc xúc tiến nâng tầm Giải Báo chí tỉnh, kể thêm.
Chính quyền phải biết “tạo cảm hứng”
Có khá nhiều dấu ấn về công tác chỉ đạo, điều hành hệ thống chính quyền tỉnh của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, nhưng dấu ấn báo chí - truyền thông là một trang đậm trong các chương mà vị Chủ tịch sinh năm 1963 ấy để lại trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 của mình. Không chỉ tạo cảm hứng cho đội ngũ tham mưu, các “mắt xích” trong “guồng máy” bằng đôi chân thoăn thoắt ít ngơi nghỉ, mà ông Thọ còn biết tạo ra cảm hứng, sự kiện thông tin. Qua đó, báo chí có thể khai thác, đưa tin, phần nào nào minh bạch những điều hành, quyết sách của lãnh đạo chính quyền tỉnh.
Ngày 18/6, Lễ trao thưởng Giải Báo chí Hải Triều tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ 2 được tổ chức trùng hợp ngẫu nhiên với sinh nhật tuổi 59 của ông Phan Ngọc Thọ. Sau khi nhận những tràng pháo tay chúc mừng từ những người làm báo, ông Thọ có một số chia sẻ, tâm sự tâm huyết về những thành tựu mà tỉnh đạt được trong thời gian qua, trong đó có những khởi sắc về công tác chính quyền với báo chí.
Vị lãnh đạo này thổ lộ, không giấu ngụ ý nhắc nhở các thế hệ kế cận lãnh đạo, điều hành tỉnh nhà nắm chắc những nguyên lý, nguyên tắc khi ứng xử với báo chí. Một trong những nguyên tắc trong công tác báo chí, truyền thông với chính quyền mà ông Thọ “theo đuổi” đó là việc tạo ra sự kiện, tạo ra cảm hứng báo chí - truyền thông. Thực tiễn cho thấy những cảm hứng ấy là cú hích, đột phá trong chỉ đạo điều hành, hun đúc để từng bước đưa Thừa Thiên - Huế trở thành “xứ sở của hạnh phúc” như mục tiêu ông Thọ đặt ra; những cảm hứng, sự kiện có sức lan tỏa chứ không phải là cảm hứng tức thời, “hô hào” lấy lệ.
Ông Thọ giải thích theo cách khá am tường về khoa học báo chí rằng: “Báo chí luôn cần thông tin, mà thông tin báo chí chính là sự kiện. Sự kiện ấy bao gồm sự kiện khách quan và sự kiện chủ quan. Không có sự kiện các anh chị làm sao đưa tin được, đúng không?”, ông Thọ chia sẻ hào hứng với những người làm báo. Vị lãnh đạo chuyên ngành khai thác dầu khí này giải thích “sự kiện khách quan” ấy là thiên tai, dịch bệnh và nhiều điều không mong muốn khác.
Còn “sự kiện chủ quan” là đến bởi người làm quản lý, người điều hành chính quyền - họ vừa phải tạo cảm hứng vừa biết tạo ra sự kiện. Minh chứng cho “sự kiện chủ quan” này đó mà Thừa Thiên - Huế làm được là các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”; “Huế - Thành phố 4 mùa hoa”, “60 phút đẹp nhà sạch ngõ”, “Hãy hành động để Huế xanh sạch sáng”, “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài…”. Trong đó, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” – sáng tạo từ Huế được nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen ngợi. Ông Thọ còn khiêm tốn khi không đề cập đến những “sự kiện chủ quan” khác, bất luận là từ động cơ cá nhân, hay nỗ lực chính trị thì qua đó vẫn có thể là sự kiện chứa đựng những thông tin báo chí, dù là thông tin báo chí cấp địa phương. Đó là bữa cơm cuối năm của người đứng đầu chính quyền tỉnh với người dân nghèo vùng Kinh thành Huế chuẩn bị giải tỏa; là chuyến thăm hỏi tiểu thương chợ Đông Ba sau khi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; là đến thăm người dân nghèo, trao cho họ chìa khóa căn nhà mới được xây bởi nhà hảo tâm trong đại dự án di dân Kinh thành Huế; đó là cuộc gặp, nói chuyện với những người đạp xích lô, lái xe thồ để tháo gỡ những vướng mắc, nghe những trải lòng từ những người lao động bình dân này; một cuộc chào cờ đầu tuần với học sinh của một ngôi trường ở TP. Huế; chuyến thăm các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn…
Gần đây, ông Thọ chủ trì mời học sinh trường THPT Quốc học Huế đến tham quan trụ sở UBND tỉnh, nói chuyện tại một phòng họp trang trọng nhất của UBND tỉnh nhằm đánh dấu sự khởi đầu cho kế hoạch đón học sinh, người dân đến tham quan trụ sở UBND tỉnh, tạo sự thân thiện giữa chính quyền với người dân và giúp người dân hiểu rõ hơn hoạt động, tổ chức của cơ quan công quyền.
Đặc biệt, nhằm động viên, giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đại dự án di dân Kinh thành Huế, ông Thọ hầu như chưa vắng bất kỳ một cuộc họp, đối thoại nào với hàng ngàn hộ dân vùng Kinh thành Huế. Những “sự kiện” trên đều nhằm xây dựng những hình ảnh một chính quyền thân thiện, minh bạch mà qua đó có nhiều thông tin báo chí có thể khai thác hoặc tư liệu hóa trong công tác báo chí của mình.
Không chỉ quan tâm tới những “sự kiện chủ quan”, mà ông Thọ cũng là chính trị gia, nhà lãnh đạo chính quyền nhạy bén với những “phản ứng” xã hội. Đó là những tiếp thu, cầu thị khi dư luận không thuận tình về việc UBND tỉnh trao giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp tại Điện Thái Hòa - ngôi điện lớn nhất của Hoàng cung Triều Nguyễn vào năm 2019 (đến nay không tái diễn); là sự kiện vận động viên mặc áo dài truyên thống, áo dài ngũ thân chạy marathon tổ chức khá quy mô ở TP. Huế (UBND tỉnh thông tin khẳng định đó là sự tự nguyện, không phải chủ trương của chính quyền); tên cầu Lòn thành “cầu Chui” và xôn xao việc đổi tên cầu (dự án ngành giao thông); cồn Dã Viên đổi sang tên “Công viên Sài Gòn - Huế - Hà Nội” (dự án chỉnh trang đô thị Huế) thì UBND tỉnh nhanh chóng có phát ngôn báo chí, chính thức khẳng định chính quyền không có chủ trương đổi tên.
Hay như dư luận bức xúc về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi mới đây có thông cáo báo chí Ban Chỉ đạo của tỉnh Thừa Thiên - Huế “cấm tuyệt đối” công dân từ Đà Nẵng ra Huế. Ông Thọ lập tức chỉ đạo đính chính thông tin này bằng văn bản chính thức khẳng định không hề có quy định như vậy. Hay như gần đây, sau khi báo chí phản ánh Châu Hương Viên, một di tích gắn bó và có ý nghĩa với sự bảo tồn, phát triển ca Huế thính phòng hoang tàn, xuống cấp nghiêm trọng đã được UBND tỉnh đầu tư, trùng tu nhưng tiến độ có dấu hiệu ngưng trệ, ông Thọ lập tức đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo đốc thúc tiến độ và nay dự án này đang được đẩy nhanh tiến độ trở lại…
“Phải nghe dư luận xã hội, theo dõi để phản hồi. Trước đây có quan niệm đơn giản là ai nói chi nói, chẳng qua họ không biết cách nhìn thôi… Nói thế là không phải. Đã làm quản lý, làm Nhà nước, làm công tác báo chí là phải nghe phản ánh dư luận xã hội… Báo chí luôn cần có thông tin. Mà thông tin báo chí thì như thức ăn. Phải tươi, thơm ngon, phải rõ. Không để ôi, thiu và lạc hậu, phải không các anh chị?”, ông Thọ nói, thoạt nghe như một nhà lý luận về khoa học báo chí.
Tối ưu hóa “chính quyền với báo chí” trên nền tảng số
Năm 2018, không lâu sau khi được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Thọ đã có những cải cách hành chính về công tác chính quyền với báo chí - báo chí với chính quyền. Một trong những cải cách đầu tiên là quy định UBND tỉnh và sở ban ngành trực thuộc họp báo 1 tháng 1 lần.
Ông Thọ cho rằng, họp báo tỉnh 1 quý 1 lần là không đủ, “vì thông tin là “thức ăn” của truyền thông, báo chí mà 3 tháng cung cấp 1 lần là lạc hậu và 'ôi thiu' ngay”. Vậy nhưng cảm thấy sự tương tác, cung cấp thông tin như trên vẫn còn “chậm”, ông Thọ chỉ đạo việc gặp mặt, cung cấp thông tin báo chí giữa chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế với phóng viên chuyển sang hàng tuần, chứ không phải hàng tháng như trước. Theo đó mỗi tuần vào ngày thứ Sáu, phóng viên báo đài trên địa bàn tỉnh sẽ được UBND tỉnh và sở, ngành liên quan gặp mặt, cung cấp thông tin báo chí, đối thoại, đặt câu hỏi - trả lời/hẹn trả lời; tháo gỡ những vướng mắc trong công tác cung cấp thông tin báo chí mà UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành.
Không chỉ có thế. Ông Thọ đặt nền móng “cách tân” việc cung cấp thông tin báo chí bằng cách tận dụng và tối ưu hóa các nền tảng công nghệ số để thiết lập các kênh thông tin, tương tác giữa chính quyền với báo chí. Đó là những kênh cung cấp thông tin “mềm”, linh hoạt, bên cạnh những kênh thông tin “cứng” họp báo thường kỳ.
Năm 2019, dưới sự chỉ đạo của ông Phan Ngọc Thọ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra mắt kênh thông tin “Chính quyền với báo chí” trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh qua địa chỉ https://thuathienhue.gov.vn/ket-noi-bao-chi-chinh-quyen. Đây là kênh giao tiếp, tương tác trực tiếp giữa báo chí với các cơ quan chính quyền. Theo đó, kênh thông tin này sẽ cung cấp các mục tương tác để các cơ quan báo chí đặt câu hỏi hoặc gửi các kiến nghị cho các cấp, ngành, địa phương về những vấn đề cần thông tin. Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tổng hợp để chuyển các ngành yêu cầu trả lời hoặc xử lý vấn đề mà báo chí nêu.
Tiếp đó, tận dụng các nền tảng số như mạng xã hội Facebook, Zalo chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mở ra những kênh tương tác rất hiệu quả về công tác thông tin báo chí. Cụ thể, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế với đội ngũ chuyên viên gần gũi, am hiểu báo chí đã tham mưu, cùng với lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh chủ trì lập nhóm (group) tương tác với các nhà báo, phóng viên trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. “Kênh” thông tin này thật sự chuyên nghiệp, hiệu quả, nhất là giải quyết những vấn đề thời sự “nóng” như thiên tai, dịch bệnh và một số vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội đang quan tâm từng giờ.
Có những câu hỏi phóng viên đặt ra cho UBND tỉnh, gửi qua group, trong khả năng và chừng mực hàm lượng thông tin từ phía người phát ngôn của UBND tỉnh, phóng viên được trả lời ngay trong thời gian tính bằng phút, bằng giờ, bằng buổi, bằng ngày, chứ không bằng tháng bằng quý, thậm chí bằng… năm như trước đây. Những điều này đều là một loạt những “đột phá” hiếm có của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, sự cấp tiến trong trong công tác báo chí dưới nhiệm kỳ Chủ tịch UBND tỉnh của ông Phan Ngọc Thọ. Với sự cấp tiến và quan tâm công tác “chính quyền với báo chí” ấy, cũng trên nền tảng số, ông Thọ đã chỉ đạo việc thiết lập mạng lưới phát ngôn trong hệ thống chính quyền tỉnh. Mạng lưới này được thiết lập trên cơ sở tài nguyên số của Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC) Thừa Thiên - Huế (địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn).
Sau khi hệ thống này đi vào vận hành, các nhà báo, phóng viên sẽ được cấp tài khoản để tương tác, đặt câu hỏi và đề nghị cơ quan hành chính Nhà nước phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Hệ thống sẽ theo dõi giám sát để biết những người phát ngôn của các cấp các ngành có thực hiện đúng theo quy chế phát ngôn hay không. Mạng lưới phát ngôn này nhằm minh bạch và hạn chế những lãnh đạo, người có trách nhiệm phát ngôn thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh đùn đẩy trách nhiệm khi được phóng viên, cơ quan báo chí đề nghị phát ngôn theo luật định. Hiện nay kế hoạch này vẫn đang được Sở Thông tin và truyền thông tỉnh chủ trì triển khai.
Không chỉ với báo chí chính thống, báo chí “truyền thống”, mà vai trò “báo chí công dân” cũng được chú trọng dưới nhiệm kỳ ông Phan Ngọc Thọ. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao vai trò làm chủ của người dân; sự thông minh của “đô thị thông minh” (IOC) là đưa người dân trở thành một cánh tay nối dài trong sự điều hành, quản lý của chính quyền.
Đó là giải pháp - kênh thông tin “Phản ánh hiện trường” trên nền tảng IOC đã được xây dựng. Ra đời từ đầu năm 2019, giải pháp phản ánh hiện trường chính là “nỗi khiếp sợ” của những hành vi phạm pháp, gây rối, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, trật tự đô thị, cải cách hành chính, văn hóa công sở… bị xử phạt bởi chính từ phản ánh của người dân. Với chiếc điện thoại thông minh cầm tay hay những thiết bị cá nhân thông minh khác, người dân trở thành người giám sát, giúp chính quyền, cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm một cách nhanh chóng.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, tính riêng từ đầu năm 2019 đến tháng 8 cùng năm, đã có gần 4.000 phản ánh của người dân đã được tiếp nhận thông qua hệ thống phản ánh hiện trường. Qua xác minh có 2.708 phản ánh đủ điều kiện theo quy định được xử lý (đã xử lý 2.327, đang xử lý 381); trong đó, lĩnh vực trật tự đô thị 1.073 (đã xử lý 958), vệ sinh môi trường 611 (đã xử lý 537), hạ tầng đô thị 489 (đã xử lý 397), hạ tầng viễn thông 202 (đã xử lý 168), dịch vụ du lịch 27, dịch vụ hành chính công 21, dịch vụ sự nghiệp - công ích 107 (đã xử lý 91) và các lĩnh vực khác 178 (đã xử lý 141)…
Những chuỗi hành độnh nói trên đều mang dấu ấn của ông Phan Ngọc Thọ. Sự cấp tiến ấy không chỉ nằm ở việc làm mà còn là kết quả của một sự vận hành, đổi mới tư duy của một vị lãnh đạo ở một vùng đất nổi tiếng “khó tính”, thậm chí “khó chịu” bậc nhất trong tác nghiệp báo chí mà báo giới từng phản ứng qua thực tiễn tác nghiệp, hay ngay tại các cuộc họp báo các sự kiện lớn như Festival Huế...
Thậm chí có những nhà báo, phóng viên ngoại tỉnh đến tác nghiệp rồi “giận” mà nói rằng chẳng bao giờ trở lại đây với tư cách là một ký giả. “Trên nóng, dưới lạnh”, sự né tránh, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về báo chí của một số sở, ngành, chính quyền cấp huyện được chính những người làm báo trên đất Thừa Thiên - Huế nhiều lần nêu ra trong các cuộc họp báo thường kỳ, trong cuộc gặp thân mật với lãnh đạo UBND tỉnh. Thậm chí có những phát ngôn đến mức xem thường báo chí, gọi phóng viên bằng “báo chí tụi bây” khi được gọi điện hỏi thông tin về xử lý thiên tai… khiến vị phóng viên này bức xúc đăng bản ghi âm lên mạng xã hội Facebook làm nhiều người sững sờ.
Tiếc thay “một số” nói trên vẫn chưa chịu thay đổi và chưa được người đứng đầu chính quyền tỉnh xử lý, chỉ đạo xử lý như ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác. Điều này làm mất đi nhiều sự hào hứng, cảm hứng của người làm báo trên đất Huế và người làm báo quan tâm đến Huế vốn có phần tạo nên từ ông Phan Ngọc Thọ. Còn với chính vị chính trị gia này, người có nhiều quan tâm báo chí, hiểu báo chí và có nhiều đóng góp có tính tiên phong, cấp tiến trong công tác chính quyền với báo chí như ông Phan Ngọc Thọ, sự nguội lạnh, phớt lờ dư luận, đùn đẩy tránh né với báo chí của một bộ phận cơ quan cấp dưới có lẽ là một dấu lặng, một bước thụt lùi cần được thế hệ lãnh đạo kế cận nắn chỉnh, để những mong mỏi, nỗ lực của vị lãnh đạo này có những thành tựu hoàn hảo hơn, để xứ Huế trở thành một xứ sở hạnh phúc, xứng danh là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, văn minh và bản sắc./.
Phóng viên Reatimes đoạt Giải Báo chí Hải Triều tỉnh Thừa Thiên - Huế
Ngày 18/6, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức trao thưởng Giải Báo chí Hải Triều lần thứ 2 năm 2021. Có 26 tác phẩm xuất sắc của các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải; trong đó có 1 giải nhất, 3 giải nhì, 7 giải ba và 15 giải khuyến khích. Giải nhất (thể loại phóng sự, báo điện tử) thuộc nhóm tác giả của Báo Thừa Thiên - Huế với tác phẩm “Sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Nỗi đau và bài học”. Với loạt bài dài kỳ “Bất động sản Huế: Động lực từ đô thị di sản”, phóng viên Reatimes được trao giải khuyến khích.
Thời gian qua chính quyền các cấp, các sở ngành tại Thừa Thiên - Huế đã tạo điều kiện, thông thoáng hơn trong hợp tác, cung cấp thông tin báo chí. Bên cạnh trao đổi trực tiếp, thông tin báo chí cũng đã được cung cấp từ nhiều kênh khác nhau một cách nhanh chóng. Bản thân tôi cũng cảm nhận được sự trân trọng, cảm tình với báo chí từ nhiều vị lãnh đạo địa phương, sở ngành tại tỉnh này. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lãnh đạo một số sở ngành, địa phương né tránh, "ngại" gặp báo chí. Một số người được giao vai trò người phát ngôn nhưng chưa thực hiện hết chức trách của mình, lãnh cảm, xa rời báo chí. Đặc biệt có lãnh đạo địa phương còn sử dụng ngôn ngữ chưa chuẩn mực khi giao tiếp với báo chí.
Trong thời gian tới, chúng tôi mong chính quyền từ cấp tỉnh đến địa phương tại Thừa Thiên - Huế tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho anh em báo chí trong tác nghiệp. Lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương cởi mở, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí. Mặt khác, cũng cần “loại bỏ” tư tưởng “sợ”, ‘ngại” va chạm báo chí, né tránh trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin.
Nhà báo Vi Văn Thảo, Báo Lao động và Xã hội - Báo điện tử Dân Sinh (thường trú tại Huế)
Ông Phan Ngọc Thọ là một chính trị gia, lãnh đạo cấp tiến, có nhiều khác biệt trong ứng xử với báo chí với những vị tiền nhiệm. Đầu tiên tôi thấy thú vị nhất là nguyên tắc “4 đồng” mà ông Thọ khởi xướng, thực hiện. Đó là những khởi sắc và từng bước phát triển trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ thông tin... của tỉnh nhà trong thời gian qua là nhờ sự “đồng tâm của hệ thống chính trị, đồng cảm của Chính phủ, sự đồng thuận của nhân dân và đồng hành của báo chí - truyền thông”. Vị lãnh đạo này cũng khá linh động, cởi mở trong cung cấp thông tin cho phóng viên, kể cả trả lời trực tiếp qua điện thoại một số vấn đề “nóng” mà phóng viên cần nghe ý kiến từ lãnh đạo UBND tỉnh, chứ không cứng nhắc nhất nhất phóng viên phải đăng ký và chờ duyệt cuộc làm việc qua Văn phòng UBND tỉnh.
Không chỉ vậy, ông Thọ là người lãnh đạo có công lớn trong việc kiến tạo những kênh thông tin với báo chí thiết thực, hợp lý trên nền tảng công nghệ số. Tất nhiên, không có bất cứ một sự hoàn hảo nào trong công tác điều hành, quản lý và được lòng tất cả từ một người lãnh đạo nhưng cái quan trọng là đã có những thay đổi rất tích cực trong công tác điều hành, quản lý, công tác chính quyền với báo chí dưới thời ông Phan Ngọc Thọ. Có những vấn đề quyết sách ông Thọ chỉ là người khởi xướng, tạo cảm hứng, đặt nền móng cho sự khởi đầu, trong đó có cả công tác chính quyền với báo chí.
Nhà báo Hồ Ngọc Minh, Báo Phụ nữ TP.HCM (thường trú tại Huế)