Trong buổi chia sẻ với báo chí đầu tuần này, ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng Phân tích - Khách hàng tổ chức Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, hiện cổ phiếu của các ngân hàng Thái Lan có định giá (P/E) rơi vào 1,1 - 1,2 lần, đơn giản vì không còn khả năng sinh lời tốt nữa.
Chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình khoảng 10%, ngân hàng nào tốt thì đạt 15%, vì các chỉ tiêu an toàn đã được siết lên cao.
Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam đang ở chu kỳ mà các quy định pháp luật vừa đủ để hỗ trợ cho các ngân hàng tăng cường dần an toàn hoạt động, mà vẫn đảm bảo khả năng sinh lời tốt.
Theo ông Thành, Thông tư 22/2019/TT-NHNN (thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN (và sửa đổi liên quan, có hiệu lực từ 1/1/2020) có những nội dung “dễ thở” hơn cho các ngân hàng, từ đó có room để điều tiết chi phí vốn.
Cụ thể, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (tỷ lệ SML) không hạ ngay về mức 30%, mà có 2 năm để áp dụng và giảm dần từ mức 40% về 37%, 34% và 30%. Hiện đa số các ngân hàng đã giảm tỷ lệ SML dưới 40% và cơ cấu lại nguồn vốn (huy động vốn trái phiếu dài hạn nhiều hơn), vì thế, sẽ không ảnh hưởng đến biến động lãi suất như nhiều lo ngại.
Ngoài ra, Thông tư 22 có một điều chỉnh có lợi cho các ngân hàng thương mại tư nhân. Hiện tỷ lệ tổng dư nợ tín dụng trên tổng vốn huy động (chỉ số LDR) áp dụng với các ngân hàng gốc nhà nước là 90%, còn ngân hàng tư nhân là 80%. Sau 2 năm tới, toàn bộ ngân hàng sẽ áp dụng tỷ lệ 85%.
Có nghĩa là, các ngân hàng đang được lợi rất nhiều, hiểu đơn giản là huy động được 100 đồng vốn, trước đây được phép cho vay ra 80 đồng, nay được cho vay 85 đồng. Theo đó, ngân hàng có thêm nguồn vốn cho vay, một số ngân hàng sẽ không bị áp lực phải huy động vốn quyết liệt để đảm bảo tỷ lệ đó, nên quản lý được chi phí vốn tốt hơn.
Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước đầu ngành như Vietcombank, khả năng huy động vốn rất mạnh thì hiện tỷ lệ này đã dưới 85%, nên thực hiện quy định này không khó. Một số ngân hàng khác thì vẫn đang ở mức khá cao.
NHNN cũng ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN để thay thế Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động kinh doanh tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
Hoạt động cho vay tiền mặt đáp ứng nhu cầu đa dạng và có lợi suất cao, nhưng có giai đoạn bùng nổ thì xuất hiện những rủi ro nên NHNN muốn kiểm soát phần rủi ro này.
Ông Thành cho rằng, cách tính tỷ lệ cho vay tiền mặt/tổng dư nợ nhẹ hơn rất nhiều so với tính toán ban đầu, chỉ áp dụng cho các khoản dư nợ trên 20 triệu đồng tại thời điểm tính toán.
Điều này càng chứng minh NHNN không nhằm ngăn chặn hoàn toàn các khoản vay tiền mặt, mà để kiểm soát những khoản vay tiền mặt có rủi ro cao.
Ông Thành cho rằng, quy định mức trần cho vay tiền mặt/tổng dư nợ vẫn là 30% nhưng thực hiện theo giai đoạn, 70% năm 2021, giảm về 60% năm 2022, 50% về 2023 và từ 2024 là 30%.
Như vậy, các công ty tài chính còn đủ thời gian để tăng trưởng và điều chỉnh dần danh mục cho vay.
“Liên quan đến việc giảm lãi suất cho vay, nhiều khách hàng nước ngoài của MBKE chưa hiểu cách vận hành hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn là dùng “mức trần”, nên bày tỏ lo sợ điều chỉnh lãi suất sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và khả năng sinh lời.
Nhưng cần hiểu rằng, ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các mảng ưu tiên thì phần này chỉ tác động đến khoảng 30% danh mục các ngân hàng và lãi suất điều chỉnh là 50 điểm phần trăm. MBKE tin rằng, tác động đến biên lợi nhuận và thu nhập của ngân hàng không đáng kể”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, về bản chất, lần điều chỉnh giảm lãi suất giúp môi trường lãi suất nói chung ổn định, còn tạo tác động thực sự về mặt lợi nhuận chưa đủ lớn.
Dự báo về tình hình hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2020, ông Thành cho biết, những quy định mới vẫn hỗ trợ ngành ngân hàng phát triển, tăng trưởng tín dụng cả ngành vẫn ổn định duy trì mức 13 - 14%.
Chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu cả ngành ở mức 1,89%, (ngân hàng đầu ngành khoảng 1%), nên các ngân hàng chưa phải trích lập dự phòng quá lớn cho năm sau.
Những điều này giúp khả năng tăng trưởng lợi nhuận duy trì 18 - 20%, thậm chí còn cao hơn ở các ngân hàng đầu ngành.