Cụ thể, tại phiên giao dịch ngày 27/11, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm mạnh 0,16 - 0,49 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Giao dịch tại qua đêm 3,83%; 1 tuần 4,0%; 2 tuần 4,13% và 1 tháng 4,30%.
Trái lại, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,02 - 0,04 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn. Giao dịch tại qua đêm 1,75%; 1 tuần 1,85%; 2 tuần 1,95%; 1 tháng 2,13%.
Mặc dù lãi suất đã có dấu hiệu giảm, phía nhà điều hành vẫn tiếp tục bơm thêm tiền ra thị trường nhằm hỗ trợ mùa cao điểm.
Trong phiên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 7.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất duy trì 4,0%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 3.953 tỷ đồng. Khối lượng lưu hành trên kênh này theo đó tăng lên mức 31.286 tỷ đồng.
Ngoài ra, số lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường cũng chính thức về mức 0 do có 5.000 tỷ đồng đáo hạn trong phiên và Ngân hàng Nhà nước vẫn không chào thầu thêm.
Như vậy, trong ngày 27/11 đã có 8.952 tỷ đồng được bơm ra thị trường. Luỹ kế ba ngày liên tiếp, tổng giá trị bơm ròng lên tới 44.285 tỷ đồng.
Tại diễn biến song song, với lượng tiền lớn ngấm ra thị trường, tỷ giá chốt phiên liên ngân hàng tăng 14 đồng so với phiên liền trước, dừng ở 23.200 VND/USD, tương ứng mức mua vào ngay của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.210 - 23.240 VND/USD.
Theo nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI nhận định, "Sau 4 tháng liên tục bán ngoại tệ về Ngân hàng Nhà nước và cán cân thương mại nửa đầu tháng 11 chuyển sang nhập siêu nhẹ khoảng 30 triệu USD, nguồn cung ngoại tệ những tháng cuối năm có thể bớt dồi dào. Tuy vậy với chênh lệch lãi suất VND - USD trên liên ngân hàng ở mức cao (hơn 2%/năm với kỳ hạn qua đêm) và diễn biến quốc tế chưa thực sự xấu nên tỷ giá USD/VND nhiều khả năng sẽ vẫn ổn định trong vùng 23.100 - 23.200đ/USD"