Củng cố vững chắc nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ nhiệm kỳ của NHTW và của ngành ngân hàng. Đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và giữ ổn định giá trị tiền đồng luôn là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu của chính sách tiền tệ của NHTW.
Tuy nhiên đặt trong bối cảnh hiện nay và nếu đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ, có thể nói chính sách tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ của NHTW tiếp tục hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ này, với những kết quả ấn tượng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu và những tác động ảnh hưởng liên quan vụ việc phát sinh nội tại của TCTD, tất cả những yếu tố đó tạo áp lực rất lớn đến chính sách tiền tệ và yêu cầu cao về điều hành chính sách của NHTW. Song mục tiêu cuối cùng: ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vẫn được đảm bảo trước những “ cơn gió ngược” từ bên ngoài.
Đánh giá khách quan và toàn diện, đây là kết quả có ý nghĩa to lớn và là kết quả nổi bật nhất trong nửa nhiệm kỳ đầu Đại hội và trong năm 2023, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, là cơ sở nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể: Thứ nhất với nhiệm vụ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tập trung nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ các thị trường tăng trưởng, chính sách tiền tệ tín dụng trong năm 2023 là hệ thống chính sách toàn diện, có tác động hiệu ứng không chỉ đảm bảo giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát mà còn có tác động hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh duy trì và tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn chung về thị trường, về tiêu thụ hàng hóa. Trong đó chính sách lãi suất đã phát huy tác dụng, vừa trực tiếp tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí tài chính, chi phí lãi suất để duy trì và ổn định hoạt động, vừa đồng thời kích thích tiêu dùng, đầu tư mở rộng sản xuất và kích thích tăng trưởng.
Thứ hai phản ứng chính sách phù hợp và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt trong bối cảnh nền kinh tế Thế giới, các thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, lạm phát và lãi suất tại một số nền kinh tế lớn và khu vực kinh tế tiếp tục tăng, tạo áp lực rất lớn đến tỷ giá và thị trường ngoại hối, đến lãi suất trong nước trong mối liên hệ lãi suất - tỷ giá và lạm phát. Song chính sách tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ của NHTW trong từng giai đoạn phù hợp, hợp lý, đặc biệt thông qua các công cụ thị trường mở, kênh phát hành tín phiếu, tái cấp vốn… đã tác động phù hợp đối với hoạt động cung tiền cho nền kinh tế, vừa đảm bảo giữ ổn định giá trị đồng tiền, tỷ giá vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn với lãi suất hợp lý cho nền kinh tế và đặc biệt giữ được mối liên hệ hệ quả giữa tỷ giá - lãi suất, giữa tiền đồng và ngoại tệ đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, song vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển.
Thứ ba chính sách tiền tệ tín dụng và lãi suất góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà trực tiếp là hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Hiện nay lãi suất chung (huy động và cho vay) đã trở lại thời kỳ trước dịch (là thời kỳ mà lãi suất rất ổn định và thực hiện tốt vai trò ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian dài).
Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2024, với định hướng chung là tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó các cơ chế chính sách về tín dụng: như cơ chế cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; các gói tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ thị trường bất động sản, với quy mô 120.000 tỷ cho vay nhà ở xã hội từ nguồn vốn của các NHTM; Gói tín dụng 15.000 tỷ lãi suất thấp cho lĩnh vực lâm sản thủy sản (thấp hơn từ 1,5 - 2% so với mức cho vay bình quân chung của các NHTM đăng ký tham gia gói); thực hiện gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất theo nghị định 31 của Chính phủ… và các chương trình tín dụng ưu đãi (như cho vay 05 nhóm ngành lĩnh vực: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng hiện nay không quá 4%/năm), những cơ chế chính sách này đều cùng mục tiêu hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cho một số ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch và tăng cường nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực, các ngành là động lực tăng trưởng kinh tế, đã mang lại kết quả và hiệu ứng đối với doanh nghiệp là rất lớn.
Thứ tư tổ chức thực hiện chính sách tốt và mang lại thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng cũng như những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của NHTW.
Riêng trên địa bàn TP.HCM, các cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất được tổ chức triển khai thực hiện gắn với những chương trình hành động cụ thể như: chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp thông qua đó thực hiện truyền thông chính sách; thông tin và phổ biến chính sách; đối thoại doanh nghiệp và đặc biệt kết nối, hỗ trợ và ký kết cho vay vốn doanh nghiệp gắn với việc giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; giải ngân các gói tín dụng ưu đãi và thực hiện các chương trình tín dụng cho các ngành, lĩnh vực….từ đó trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp cũng như đảm bảo trách nhiệm thực thi chính sách của các TCTD trên địa bàn.
Đến cuối tháng 11/2023, tổng doanh số cho vay thông qua chương trình này đạt: 610.376 tỷ đồng cho 162.289 khách hàng. Riêng gói tín dụng ưu đãi đã giải ngân đạt: 545.171 tỷ bằng 120,3% so với quy mô gói tín dụng được 20 thương hiệu ngân hàng đăng ký từ đầu năm để tham gia chương trình, với tổng số tiền là: 453.070 tỷ đồng. Kết quả định lượng này đã hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn.
Đây là những kết quả quan trọng mang lại từ chính sách tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ của NHTW trong nửa nhiệm kỳ vừa qua và trong năm 2023. Trong đó các chỉ số định lượng về CPI, về GDP, về tỷ giá và sự ổn định của thị trường tiền tệ và ngoại hối, cũng những điểm sáng về xuất khẩu sản phẩm hàng hóa lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, về môi trường đầu tư và niềm tin của người dân và nhà đầu tư đối với chính sách tiền tệ, là thực tế phản ánh hiệu quả của chính sách tiền tệ, với dấu ấn đậm nét về việc thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là cơ sở nền tảng để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2024, năm dự báo xuất hiện những tín hiệu tích cực về tăng trưởng kinh tế, song vẫn còn không ít khó khăn thách thức từ yếu tố bất định và diễn biến khó lường của nền kinh tế và địa chính trị trên thế giới./.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM