Aa

Những tín hiệu cho nới lỏng chính sách tiền tệ

Thứ Năm, 15/08/2019 - 19:01

Ngân hàng Nhà nước dù chưa chính thức giảm các mức lãi suất điều hành chủ chốt, nhưng đã có những động thái báo hiệu chính sách nới lỏng có thể trở lại.

Tín hiệu từ lãi suất đến tăng trưởng tín dụng

Trong những ngày cuối tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ giảm 25 điểm phần trăm lãi suất tín phiếu, xuống 2,75% sau hơn bốn tháng giữ ổn định quanh 3%. Dù vậy, khối lượng chào thầu tín phiếu vẫn được các tổ chức tín dụng (TCTD) hấp thụ hầu như toàn bộ, cho thấy thanh khoản hệ thống tiếp tục ở trạng thái dồi dào.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay giữa các TCTD cũng giảm đều ở các kỳ hạn, trong đó lãi suất qua đêm giảm từ mức cao trên 4% vào những ngày cuối tháng 6 xuống chỉ còn quanh 3% như hiện nay, thậm chí có lúc rớt về vùng 2,7% trong những ngày cuối tháng 7.

Lợi suất trên thị trường trái phiếu chính phủ trong tháng 7 cũng giảm từ 0,2 - 0,4 điểm phần trăm so với trong quý 2, rớt xuống vùng thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây. Tuy nhiên, tỷ lệ trúng thầu so với gọi thầu lên tới 89%, cao nhất từ đầu năm đến nay, dù lượng phát hành trong tháng 7 là gần bằng tổng lượng phát hành của cả quý 2. 

Diễn biến trên thị trường sơ cấp cùng với việc giảm lãi suất tín phiếu trên thị trường mở của NHNN khiến cho lãi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp cũng giảm liên tục ở tất cả các kỳ hạn.

Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam các năm qua. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Trước đó, từ cuối tháng 6, một loạt ngân hàng thương mại cổ phần đã được điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2019, với mức điều chỉnh tăng thêm từ 3 - 4 điểm phần trăm. 

Dù ý kiến chung cho rằng do nhóm các TCTD này đã đáp ứng được chuẩn Basel 2 trước thời hạn nên được ưu tiên, nhưng không thể phủ nhận một điều rằng nhiều TCTD trong số đó đã sử dụng hết hoặc gần cạn mức chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao cho năm nay, do đó NHNN phải nới chỉ tiêu cho sát với thực tế kinh doanh của các TCTD này, cũng như góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra.

Tiếp đó, vào đầu tháng 8, thị trường lại chứng kiến một loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay ở năm lĩnh vực ưu tiên mà không cần đến quyết định điều chỉnh hạ mức trần lãi suất cho vay của NHNN ở khu vực này như trước đây. 

Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sẽ về mức 5,5%/năm, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với quy định hiện nay.

Có thể thấy dù chưa chính thức giảm các lãi suất điều hành chủ chốt như kỳ vọng, nhưng với diễn biến lãi suất trên nhiều mặt trận giảm trong thời gian qua, cùng với việc chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được nới thêm, ngoài yếu tố cung cầu thì ắt hẳn phải có sự điều tiết hợp lý của nhà điều hành, từ yếu tố thanh khoản của hệ thống cho đến định hướng hoạt động ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước để dẫn dắt sự lan tỏa chung.

Nhờ đâu?

Có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho chính sách tiền tệ nới lỏng. Đầu tiên, xu hướng chung của các ngân hàng trung ương (NHTƯ) khắp toàn cầu hiện nay là nới lỏng chính sách tiền tệ. Chỉ trong hai ngày 7 và 8/8 vừa qua, một loạt NHTƯ đã giảm lãi suất cơ bản, trong đó Thái Lan, Philippines là hai quốc gia ở Đông Nam Á sớm tham gia cuộc chơi. 

Còn bên kia bán cầu, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ khi giảm lãi suất trở lại trong cuộc họp cuối tháng 7 vừa qua.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và nguy cơ rơi vào suy thoái trước những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, xu hướng các NHTƯ quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ để ứng phó đang ngày càng lan rộng.

Ngoài ra, chiến tranh thương mại đã kéo theo chiến tranh tiền tệ, nhiều nước chủ động phá giá tiền tệ hoặc đe dọa sẽ làm suy yếu đồng tiền, từ Trung Quốc cho đến Mỹ, trong khi đồng tiền đồng đã giữ được sự ổn định suốt thời gian qua, khiến tiền đồng vô hình trung rơi vào tình trạng bị định giá cao so với các ngoại tệ khác. 

Điều này ít nhiều khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị giảm lợi thế cạnh tranh, do đó chính sách giảm lãi suất vay vốn cho nhóm khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu được xem là giải pháp hỗ trợ phù hợp trong tình hình hiện nay.

Quan trọng hơn, lợi nhuận của phần lớn các TCTD thời gian qua tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và liên tiếp thiết lập các mức kỷ lục, trong đó nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng ngày càng gia tăng, chiếm tỷ trọng đáng kể. Đây là điều kiện cần thiết để các ngân hàng này có đủ nguồn lực nhằm chia sẻ lợi ích cho nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, do đó có thể giảm lãi suất cho vay theo định hướng của nhà điều hành.

Một lợi thế nữa là dòng vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua tiếp tục đổ vào Việt Nam mạnh mẽ, không chỉ tạo điều kiện để giữ ổn định tỷ giá mà còn giúp NHNN có thể mua thêm ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối, đồng thời bơm một lượng lớn tiền đồng ra nền kinh tế, giúp thanh khoản của các ngân hàng luôn ở thế dồi dào.

Trước những diễn biến trên, cộng thêm lạm phát và tỷ giá được kiểm soát tốt, nếu NHNN thời gian tới quyết định giảm các lãi suất điều hành chủ chốt như tái chiết khấu và tái cấp vốn, hiện đang ở mức 4,25% và 6,25% sau lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 7/2017, thì cũng không có gì bất ngờ. 

Động thái trên có thể tạo ra những ảnh hưởng tâm lý tích cực lên thị trường cũng như xác định lại mức tham chiếu mới cho mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top