Aa

Chính sách tiền tệ vào giai đoạn quyết liệt

Chủ Nhật, 08/07/2018 - 14:01

Bốn ngày liên tiếp Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên mức giá bán ra USD ở 23.050 VND, tiếp tục khẳng định định hướng giữ ổn định.

Với các thành viên tham gia thị trường, mức giá ổn định đó cùng khẳng định sẵn sàng bán ra tiếp tục tạo niềm tin. Trong một thị trường, đặc biệt ở bên ngoài ngày càng nhiều xáo trộn, họ có một chỗ dựa để nhìn về và tin tưởng.

Niềm tin này cũng trở nên cần thiết đối với nhà đầu tư nước ngoài. Mỗi phần trăm tỷ giá tăng lên đồng nghĩa họ có thể chịu thiệt hại tương ứng. Và trong một thế giới bất ổn nhiều hơn, các cuộc chiến thương mại nổi lên, tỷ giá biến động mạnh tại nhiều thị trường…, Việt Nam giữ được ổn định cũng đồng nghĩa với một lợi thế.

Nhìn lại, Việt Nam đã mất cả chục năm, sau ảnh hưởng cuộc khủng hoảng từ 2008, mới bắt đầu thu hút mạnh dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trở lại mạnh mẽ trong 2017 và đầu 2018.

Bốn ngày liên tiếp Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên mức giá bán ra USD ở 23.050 VND, tiếp tục khẳng định định hướng giữ ổn định.

Bốn ngày liên tiếp Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên mức giá bán ra USD ở 23.050 VND, tiếp tục khẳng định định hướng giữ ổn định.

"Đó là giá trị chúng ta phải lưu ý, làm sao củng cố được. Chúng ta không đánh bóng, không thổi phồng, nhưng phải khẳng định rõ những kết quả của nền kinh tế, mà hiện nay cá nhân tôi thấy cơ bản đều tốt. Đâu phải như khủng hoảng giai đoạn trước mà thị trường chứng khoán liên tục lao dốc, mà sau mỗi đợt giảm mạnh mới thụ động lên tiếng trấn an. Cần tiếp tục tạo hàng hóa tốt, ổn định vĩ mô tốt để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, mà chúng ta mất nhiều thời gian mới thu hút được họ vào mạnh vừa qua. Tôi cũng nêu quan điểm như vậy với Thủ tướng", một thành viên của Chính phủ nói khi trao đổi với VnEconomy.

Vừa qua, sau khi ra thông điệp ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước lập tức giảm mạnh giá bán ra ngoại tệ. Một chuyên gia bình luận với VnEconomy rằng: "Vậy là nhanh. Nói đi đôi với làm người ta mới tin tưởng. Vì tôi cho rằng, phản ứng của nhà đầu tư nước ngoài đang ở thời điểm nhạy cảm, mà nếu có biến họ là một yếu tố cộng hưởng khó lường".

Tỷ giá là một trong những trọng tâm của điều hành chính sách tiền tệ. Xoay quanh, những trọng tâm khác cũng đang nổi lên áp lực. Qua tháng 5 và 6, lạm phát tăng mạnh, mà phía trước các yếu tố tiếp tục thúc đẩy đang hiện hữu hơn.

Tại thời điểm này, Chính phủ đang tính toán chính sách thuế môi trường đối với xăng dầu, lộ trình dự kiến tháng 10 tới. Trên thị trường thế giới, giá dầu các loại liên tục tăng mạnh gần một tháng trở lại đây, tiếp cận các mốc 75-80 USD.

Trong nước, giá lượng thực thực phẩm vừa thể hiện tác động bất lợi. Và như hàng năm, mùa bão lũ đến gần có thể gây thêm bất lợi với giá nhóm hàng này. Mùa khai giảng năm học mới và giá sản phẩm dịch vụ liên quan…

"Nhìn lại 6 tháng qua, lạm phát từ yếu tố tiền tệ vẫn được kiểm soát tốt, thể hiện ở lạm phát cơ bản. Nhưng các yếu tố tác động đến tiền tệ đang là vấn đề. Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu nổi, vì sao khi dư thừa tiền nhiều quá, phải điều chuyển bớt về để ở Ngân hàng Nhà nước, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn phải trả lãi suất 1,2%/năm", chuyên gia trên đặt vấn đề.

Dư thừa tiền, ứ đọng tiền ngân sách lớn. Chỉ riêng lượng "cất kho" ở Ngân hàng Nhà nước mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cập nhật tại diễn đàn Quốc hội vừa qua đã lên tới 150.000 tỷ đồng. Và trên cơ sở cân đối dữ liệu các kỳ hạn, chuyên gia trên cho biết trong tháng này ước tính có tới gần 100.000 tỷ đồng tín phiếu được trả lại ra thị trường.

Tất nhiên, như ròng rã suốt từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước liên tục có các biện pháp và công cụ trung hòa tiền ra, để kiểm soát tác động đến lạm phát, tỷ giá, cân đối lãi suất.

Sau khi chỉ áp một kỳ hạn ngắn, một tháng trở lại đây nhà điều hành đã mở rộng thêm các kỳ hạn tín phiếu để hút bớt tiền về, dài nhất đã lên tới 91 ngày (đây cũng là kỳ hạn dài nhất được triển khai trong nhiều năm qua).

Theo tìm hiểu của VnEconomy, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục can thiệp quyết liệt hơn ở nghiệp vụ điều tiết hơn, với kỳ hạn dài hơn và cả lãi suất ở kênh này có thể cũng tăng lên.

Sự quyết liệt trên nhằm giảm thiểu tình trạng thừa tiền trên thị trường. Một mặt góp phần hạn chế yếu tố tiền tệ đối với lạm phát, mặt khác để cải thiện chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng.

Sau khi giảm mạnh và xuống mức thấp nửa cuối tháng 6 vừa qua, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã có xu hướng tăng lên những ngày gần đây, như lãi suất qua đêm từ khoảng 0,65-0,67%/năm đã lên trên 1%/năm. Dù vậy, chênh lệch lãi suất với USD vẫn đang lớn, như lãi suất USD qua đêm đã ở khoảng 2-2,1%/năm.

"Dù Ngân hàng Nhà nước đang quyết liệt điều hành và cân đối. Nhưng dù sao việc sử dụng tín phiếu và tần suất phát hành để hút bớt tiền đồng về, chúng vẫn là công cụ ngắn hạn. Nếu dư thừa tiền lớn, đặc biệt là nguồn ứ đọng ngân sách không thúc đẩy giải ngân được suốt hai năm qua, nó dồn ra thị trường thì cần có giải pháp mạnh hơn", chuyên gia trên nhìn nhận.

Và theo chuyên gia này, dự trữ bắt buộc không phải là một điều gì đó xấu hoặc áp lực. Khi cần thiết, nhà điều hành chính sách tiền tệ có thể sử dụng đến, nhắm tới các kỳ hạn nhất định để hút tiền về một cách chủ động và căn cơ hơn là cứ đong từng ngày. Vì mục tiêu cao nhất vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

"Mặc dù sức đề kháng của nền kinh tế Việt Nam, của hệ thống tài chính chúng ta bây giờ đã tốt và vững hơn trước. Nhưng bên ngoài đang nhiều biến động lớn, các cuộc chiến thương mại vẫn khó lường những tác động, đến cả chục ngân hàng trung ương trên thế giới đã phải tăng lãi suất… Nên chính sách trong nước càng quyết liệt và chủ động để củng cố sức đề kháng đó tốt hơn thôi", chuyên gia trên nói.

Bên cạnh những dự tính trên của chính sách, tại thời điểm này có thể dự tính trước một khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn và sẽ không bất ngờ nếu được kiểm soát ở mức 14-15% thay vì 17-18% những năm trước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top