“Bin, Bo xuống ăn cơm”, sau tiếng gọi của má là tiếng “Dạ” ngọt ngào của hai anh em. Lớn và bé hào hứng chạy từ trên lầu xuống, cùng ngồi vào bàn ăn. “Hôm nay có gì má?”, Bin hỏi mẹ dễ thương. Từ ngày thành phố thực hiện Chỉ thị 16 đến nay, bữa cơm nào hai anh em Bin, Bo cũng đều “đếm” từng hạt cơm trên đũa đến tội nghiệp. “Các con cố gắng lên”, má nhấc lồng bàn lên vừa bảo. “Nhịp điệu giãn cách” nên bữa cơm có ít thịt, rau và một ít khô cá chiên, không “đẹp món” như trước đây. Bin, Bo nhìn nhau phụng phịu.
Từ Hà Tĩnh vào TP.HCM học tập rồi ở lại lập nghiệp, ba má Bin, Bo cũng như nhiều hoàn cảnh khác, phải tự lập gây dựng sự nghiệp. Nhà không giàu, nhưng do lương ba, má đều khá nên Bin, Bo được chăm bẵm, bé thì đầy đủ sữa, lớn tí thì bữa ăn chất lượng cao. Từ lâu hai cái miệng Bin, Bo quen với món ngon, món sành nên từ ngày giãn cách, cả hai “làm quen” với sinh hoạt mới thật sự vất và.
- Chịu khó đi mà?! Các con biết không, các con còn có cái để ăn, ba má còn gắng được, nhiều bạn khác vất vả hơn các con nhiều. Qua dịch má sẽ bù cho. Má nhìn Bin, Bo động viên.
- Dạ, tụi con cố gắng ạ! Cả hai bé thưa, bưng bát cơm lên.
Đúng như má Bin Bo nói, có phải riêng Bin, Bo đâu. COVID-19 hoàn toàn chưa có tiền lệ trong lịch sử, bất ngờ xuất hiện, hai năm nay làm đảo lộn toàn cầu, tác động lên muôn người, muôn nhà ở mọi quốc gia. TP.HCM, tính tới nay đã gần 2 tháng áp dụng “giãn cách xã hội”, thực hiện Chỉ thị 16 rồi “16 tăng cường” chứ không phải ít. Thành phố với những dòng người trên phố sôi động, hối hả như những “dòng chảy lớn” bỗng nhiên trống vắng. Trên những con đường Sài Gòn ban đêm chỉ còn nghe tiếng của lực lượng tuần tra, tiếng còi hú của những chiếc xe cấp cứu gấp gáp...
Ngoài sức tưởng tượng. Lo âu mà mong ngóng bình yên trở lại. Những đứa bé như Bin, Bo đáng ra đang nô nức chuẩn bị cho năm học mới, nhưng gần 2 tháng nay chỉ quanh quẩn trong phòng và chạy lên chạy xuống. Nhà nào ở chung cư, không có view, chắc hẳn lâu rồi không nhìn thấy mặt trời lên, xuống và cả ánh trăng nữa.
TP.HCM vốn là nơi người Bắc vào, miền Tây Nam bộ lên làm ăn; vốn là nơi cưu mang người tứ xứ làm đủ nghề bán vé số, chạy xe ôm, lượm ve chai... đắp đổi qua ngày. Thành phố giãn cách có nghĩa là mất cơ hội mưu sinh. Dòng người tự phát từ giữa tháng 7, trên những chiếc xe máy “hên xui” hành quân về quê, có những chặng đương hơn ngàn cây số cũng là do không có công ăn việc làm, không còn cơ hội kiếm sống.
Thật may, do yêu cầu kiểm soát dịch bệnh, mệnh lệnh “ai ở đâu ngồi yên ở đó” được thực thi. Bộ đội và Công an cùng nhiều lực lượng khác được giao nhiệm vụ tổ chức công tác an sinh xã hội, đi chợ thay cho dân thành phố, nên dân bớt lo, bớt khổ.
Dịch bệnh quả thật nguy hiểm. Ngoài sự cố gắng của Chính phủ, trong lúc dịch căng thẳng nhất tình người trỗi dậy hơn bao giờ hết. Từ tự phát đến có tổ chức. Lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” đang lan tỏa rộng khắp, đến các ngóc ngách mọi quận, huyện TP.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương giãn cách khác cũng vậy. Mỗi người đang đồng tâm, dồn sức, đồng lòng cùng Đảng và Nhà nước quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Đây cũng là để tin rằng, dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi trong thời gian không xa nữa.
Hằng ngày, hằng giờ trên các con đường, các ngõ nhỏ hay giữa trung tâm thành phố, đâu cũng dễ gặp nhiều hành động giúp đỡ, sẻ chia đong đầy yêu thương. Đó là những suất cơm, thùng nước miễn phí trên đường đến những siêu thị 0 đồng, xe buýt 0 đồng… Đóng góp nhiều, đóng góp ít tùy sức mình, khả năng mình. Tất cả hướng đến góp phần chăm lo vật chất, tinh thần cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong khu vực phong tỏa và lực lượng làm công tác tuyến đầu phòng chống dịch. COVID-19 đánh thức lòng nhân ái, thức tỉnh trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân với cộng đồng.
Hằng ngày Bin, Bo vẫn thấy má ra khỏi nhà, Hỏi ba thì ba bảo má tham gia cùng các cô, giúp người nghèo. Hóa ra, má cùng các hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cán bộ tổ dân phố… gánh vác thêm nhiệm vụ mới, “đi chợ hộ”, tận tình tiếp tế. Ngoài cửa nhà Bin, Bo thấy có tủ rau với dòng chữ: “Ai thiếu xin lấy, ai có rồi xin nhường” mà ba kẻ rất cẩn thận. Từ khi các chú bộ đội vào tăng cường thì Bin, Bo mới thấy má ở hẳn nhà cùng hai anh em.
Bin, Bo chưa đủ lớn để biết thế nào là giàu, thế nào là nghèo. Nhưng hai anh em biết có người cần được giúp đỡ. “Chịu khó đi chút mà”, má vẫn nhắc Bin, Bo.
Chịu khó đi chút, ở các tỉnh, thành thực hiện cách ly xã hội người dân đều phải chịu khó, cố gắng như Bin, Bo. Ngay sáng 26/8, khi cùng đoàn công tác có mặt tại một số điểm an sinh xã hội trên địa bàn TP. Thủ Đức (TP.HCM) để kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc bà con: “Chịu khó, chịu khổ lúc này để nhanh bình thường trở lại”. Đúng là phải chịu khó, chịu khổ. Nhìn ba thèm ly café nơi ở quán góc đường Tăng Nhơn Phú, Bin Bo hiểu hết mà. Không được ra đường gần hai tháng nay, nhiều khi ba như người cuồng chân. Nhìn ba, má Bin Bo biết thương rồi.
Bin, Bo lớn lên sẽ biết COVID-19 đã buộc con người phải thay đổi chính mình như thế nào. Không chỉ thế, còn phải thay đổi thói quen, hành động với con người, với môi trường sống của mình, trước hết từ nhà mình, đến khu phố mà rộng lớn ra. Con người không thể sống tùy tiện, thô bạo với không gian sống. Tất cả phải kết nối trong mối quan hệ thân thiện, hài hòa, bền vững.
Thay thế thói quen này bằng thói quen khác tích cực hơn bao giờ cũng khó, nhưng rồi mỗi người sẽ phải tự vượt lên, nhắc nhở bản thân “chịu khó đi mà”!/.