Những ngày này, bỗng nhiên tôi nhớ bà Benazir Bhutto (1953 - 2007) - Thủ tướng thứ 12 của Cộng hòa Hồi giáo Pakistan. Điều làm tôi nhớ bà Thủ tướng “yểu mệnh”, chỉ ở câu nói: “Tương lai của thế giới ở thế kỷ 21, phụ thuộc vào thái độ của đàn ông đối với phụ nữ”. Bà nói câu “trứ danh” này khi còn hơn 10 năm nữa, thế giới mới tạm biệt thế kỷ 20.
Tôi viết bài này trong những ngày bên “thềm” Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ở năm thứ 3, thập niên thứ 3 của thế kỷ 21. Phụ nữ là ai? Xung quanh ta, ruột rà ta. Đó là bà nội, bà ngoại; là mẹ đẻ, mẹ vợ, chị, em; là vợ, là con ta... Họ là những người đáng để ta thờ phụng, kính trọng.
Mỗi người Việt Nam, bất kể đàn ông hay đàn bà, đều có một người mẹ. Ta lớn lên, trưởng thành, nhờ bầu vú mẹ, những giọt sữa tinh khiết nhất, chắt lọc từ cơ thể người mẹ. Và người Việt Nam, còn có một hạnh phúc, đó là, ngay khi thơ bé đã được tắm trong “dòng sữa” của ca dao, tục ngữ - từ lời ru trong nôi ấm.
Tục ngữ Việt Nam có câu thật hay: “Đàn ông là nhà, đàn bà là bếp”, xác lập vị thế, trách nhiệm của người chồng, người vợ trong mỗi gia đình. Thế nhưng, giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới là một tiến trình của văn minh nhân loại; bình đẳng trong gia đình cũng là một nội dung của bình đẳng giới.
Phụ nữ ngày càng vươn lên, thành công, khẳng định vị trí của mình, ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, xã hội, hoạt động cộng đồng... Dường như, đó là những người phụ nữ được giao những “sứ mệnh” đặc biệt?
Tôi là người làm công hưởng lương, để sống được cùng nhịp điệu “bão giá”, gần như “muôn năm”, đòi hỏi phải thuộc thành ngữ “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Vậy nên, tôi kính trọng những người phụ nữ làm ra tiền, đặc biệt ngưỡng mộ các nữ doanh nhân thành đạt.
Không riêng tôi, hẳn những người đàn ông Việt đều phải ngưỡng mộ các CEO tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet Air, HDBank); bà Mai Kiều Liên (CEO Vinamilk); bà Nguyễn Thị Nga (CEO BRG); bà Thái Hương (CEO Tập đoàn TH, Bắc Á Bank); bà Cao Thị Ngọc Dung (CEO PNJ); bà Nguyễn Thị Mai Thanh (CEO Công ty Cơ điện REE); bà Trương Thị Lệ Khanh (bà trùm thủy sản); bà Nguyễn Bạch Diệp (CEO FPT Retail); bà Phạm Thị Việt Nga (CEO Dược Hậu Giang).
Họ là “nữ tướng” chèo lái những doanh nghiệp nổi tiếng Việt Nam, vượt qua khó khăn, đạt những thành quá đáng khâm phục. Nhiều nữ “chiến binh” khác, thế hệ 8X, 9X, kể cả 10X... cũng đã xuất hiện với “diện mạo” quyền lực trên thương thường.
Vươn lên làm chủ kinh tế là “bàn đạp” nâng tầm vị trí, khẳng định vai trò, tiếng nói của phụ nữ trong thời đại mới. Ở đây, cũng xin nhắc lại, để bước ra từ thân phận “đàn bà là bếp”, hẳn nhiên, ngoài chính sách của một quốc gia, người phụ nữ phải tự khẳng định vị trí của mình, không kêu gọi được ai ban, ai tặng.
Hẳn nhiên, “đàn bà là bếp” trong thành ngữ ông cha để lại, có nghĩa ẩn dụ. “Bếp” ở đây còn là ngọn lửa của hạnh phúc, của mọi ngôi nhà, với tư cách là “tổ ấm”; chứ không phải chỉ là “việc nhà”, trong quan niệm phong kiến.
Mấy ai để ý rằng, rất nhiều gia đình, nếu không có sự căn cơ, tính toán của người mẹ, người vợ thì không có ngôi nhà để “an cư”? Cũng nhắc lại, thành ngữ có câu “Con có cha như nhà có nóc / Con có mẹ như bẹ ấp măng”. Thưa, “nóc” nhà ở đây, mang ý nghĩa ẩn dụ.
***
Bất động sản, lĩnh vực kinh doanh mới mẻ, thường được coi là “địa hạt” thuộc về “phái mạnh”; thế nhưng, không ít “nữ nhi” ngày càng “khuynh đảo” địa ốc.
Hãy bắt đầu từ “không gian thế giới”. Bởi hai lý do: Phụ nữ là một nửa nhân loại; bình đẳng giới là giá trị chung của loài người, từ lâu đã trở thành phổ quát.
Bắt đầu từ thế giới. Những người quan tâm thế cuộc, thế sự, chắc không thể quên nữ tỷ phú đô la Ebby Halliday (Hoa Kỳ). Từ một nhà môi giới bất động sản độc lập, Ebby Halliday đã xây dựng được cả một tập đoàn tư vấn môi giới bất động sản hàng đầu thế giới - Công ty Realtors. Ebby Halliday hiện là một trong những công ty lớn nhất nước Mỹ trong lĩnh vực này. “Nữ hoàng địa ốc”, “Đệ nhất phu nhân địa ốc” - những mỹ từ đầy kính trọng mà thế giới doanh nhân dành cho bà - người đã để lại một sự nghiệp lẫy lừng.
Ở Việt Nam, từ lâu báo chí cũng đã từng nhắc đến 4 “bóng hồng” quyền lực. Đó là bà Nguyễn Thị Nga, CEO “Đế chế” BRG; Lê Thị Thúy Ngà, CEO Nam Cường; Nguyễn Thị Như Loan, CEO Quốc Cường Gia Lai; Huỳnh Thị Bích Ngọc, CEO TTC; Phạm Thị Vân Hà, CEO TNR Holdings Vietnam. Hãy trở lại với nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet Air, CEO HDBank đã nói ở trên), cũng là một “nữ tướng” gặt hái nhiều thành công từ bất động sản đáng để ngưỡng mộ. Bà hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sovico Holdings, để ngưỡng mộ.
Trải qua nhiều năm, nếu “lý thuyết” là hơn 36 năm, từ năm 1986 đến nay, sự phát triển của xã hội đã sản sinh ra những thế hệ phụ nữ của công việc và thành đạt. Sự thành công của họ đã khẳng định tài năng và chỗ đứng của phái đẹp trong thời đại mới.
Từ ca dao, tục ngữ cho đến thi ca ngày nay, biết bao tác giả từ cổ chí kim đã sáng tác về thế giới “liễu yếu đào tơ”. Gần như xã hội càng hiện đại, càng tỷ lệ thuận với sự xác lập tài năng, quyền lực; hay nói cách khác là quyền lực phụ nữ. Phụ nữ vốn không nhiều “thế mạnh” trong lĩnh vực mang tính cạnh tranh và áp lực cao như bất động sản. Ở đó gần như phải dành riêng cho sự mạnh mẽ quyết đáp, mạo hiểm? Tuy nhiên, bằng sự mềm dẻo, linh hoạt và nhiệt huyết, biết khai thác “dư địa” của “quyền lực mềm” trong công việc, phụ nữ cũng chưa bao giờ chịu “lép vế” trước phái mạnh.
Trước khi viết bài báo này, thay sự kính trọng, tôi có tìm hiểu thông tin và để ý đến câu chuyện từ bà Nguyễn Thùy Dung, CEO Phú Hưng Property. Bà Thùy Dung cho biết, các chủ sàn là nữ giới đang gấp đôi nam giới. Thông tin đó cho thấy, nữ giới giỏi, thành công trong nghề bất động sản, họ có sức mạnh của sự bí ẩn.
Bàn về nghề kinh doanh bất động sản đối với phái nữ, chương trình "Bản lĩnh nữ tướng CEO bất động sản triệu đô" - hiện còn nằm trên nền tảng số của Youtube, bà Phan Yến Nhi, CEO Tập đoàn Địa ốc 5 Sao chia sẻ, phụ nữ có ưu thế là sự mềm dẻo và linh hoạt để làm nghề bất động sản, xinh đẹp càng lợi thế hơn. Cũng trong chương trình này, bà Đặng Thị Hồng Minh, CEO Minh Minh Land cho rằng, phụ nữ ngoài nhan sắc còn có điểm mạnh là sự uyển chuyển khi gặp gỡ khách hàng. Đa số việc mua bán bất động sản là nam giới quyết định, việc uyển chuyển trong giao tiếp, mua bán của phụ nữ với họ là lợi thế lớn trong nghề, đó là sự nhìn nhận của bà.
***
Mỗi năm tôi thường về quê vài lần, dẫu nhà không còn, chỉ là vì tôi cần sống với hồi ức. Miền Trung gần như là nơi “dư địa hủ tục” còn tiềm tàng. Ở đó “văn hóa” trong gia đình vẫn là đàn ông “gia trưởng”. Nếu nói về “khái niệm”, có thể có nhiều cách. Nhưng hiểu nôm na là, “gia trưởng” thường được dùng để ám chỉ những người đàn ông trong gia đình có tính cách (cũng như hành động) chỉ vì lợi ích của họ mà hạn chế, kiểm soát sự tự do của người khác trong gia đình. Hiểu theo nghĩa rộng ra thì “gia trưởng” thường dùng để chỉ một loại tính cách của người đàn ông, luôn luôn ép buộc suy nghĩ của vợ, con phải làm theo suy nghĩ, quyết định của mình, luôn cho mình là đúng và bác bỏ hầu hết ý kiến của người khác.
Lại nói về tục ngữ, người Việt cổ có câu: “Đàn bà hưởng lộc nhà chồng”. Hạnh phúc hay bất hạnh của người con gái đã “xuất giá” thường do phu quân quyết định. Nếu, không may gặp người chồng “gia trưởng”, các công việc lớn, bé trong gia đình đều là người chồng quyết định. Quyết định có thể sai, có thể đúng, có thể to, có thể nhỏ; tuy nhiên luôn bác bỏ những đóng góp ý kiến của vợ, con. Đó là sự áp chế. Vì thế, trong văn học mới có hình ảnh “giọt nước mắt đêm” của người đàn bà.
Ngược lại với “gia trưởng” của người đàn ông, trong văn hóa xưa của người Việt, có chế độ mẫu hệ, dễ thấy trong cộng đồng các dân tộc ít người. Theo “mẫu hệ”, người mẹ trong gia đình giữ vai trò quan trọng trong việc quản lý, chia bôi lương thực, thực phẩm. Nói rộng ra là nắm giữ sự ăn, sự mặc... trong một gia đình. Việc trong nhà do người đàn bà cai quản, còn giao tiếp với xã hội và cộng đồng do người đàn ông nhận lãnh.
Mỗi quan niệm, chỉ có giá trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Xã hội loài người đã và đang tiến tới các giá trị văn minh, trong đó có bình đẳng giới. Nếu như người phụ nữ đã và đang lăn xả vào cuộc sống; thì người đàn ông cũng đang biết “lăn xả” vào bếp núc, chia sẻ gánh nặng “không tên”, lâu nay vẫn gắn với thân phận nữ giới.
“Mâm dọn ra, chồng và con như khách / Chỗ em ngồi mấy phía nồi niêu / Vừa xong bữa cả nhà đi sạch / Hoa hậu cùng mâm bát nhìn theo”, tôi thích mấy câu thơ này trong bài “Hoa hậu của nhà” của nhà thơ Vương Trọng. Đó là cái nhìn nhân văn, thấu cảm. Bất giác, tôi lại nhớ cố Thủ tướng Pakixtan, bà Benazir Bhutto, với câu nói, theo tôi là không thể hay hơn./.