Lần đầu tiên tôi tặng quà nhân ngày 20/10 cho mẹ là khi tôi đã có người yêu và công ăn việc làm tạm ổn. Cầm trên tay món quà, mẹ tôi ngạc nhiên lắm. Mẹ ngạc nhiên bởi những ngày 20/10 hay 8/3 vốn chưa bao giờ xuất hiện trong đầu của bà. Mẹ tôi mỉm cười: “Ôi dào! Con tặng quà thì mẹ xin chứ mẹ có bao giờ biết đến những ngày này đâu”. Biết mẹ nói thế là thật, rất thật lòng mình, mà vẫn cứ ngậm ngùi.
Những người phụ nữ như mẹ ở quê tôi nhiều lắm. Có kể ra cũng chẳng hết được. Đó là những người bà, người mẹ, người vợ luôn chỉ biết đến lịch âm để lo Tết nhất, lễ hội, ma chay, giỗ chạp, cưới hỏi và đồng áng mùa vụ. Với lịch dương, thường chỉ nhớ được những ngày Quốc khánh 2/9, ngày Thống nhất đất nước 30/4, ngày Quốc tế Lao động 1/5 và Tết dương lịch bởi những ngày lễ ấy con cháu thường được nghỉ học, nghỉ làm và sẽ về quê gia đình, bản quán.
Tôi có thể không gọi điện về cho mẹ để chúc mừng nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 hay ngày 20/10 cũng chẳng sao, nhưng nếu Tết nhất, giỗ chạp, cưới hỏi trong họ, việc làng việc xóm mà không mảy may gì bà sẽ buồn, sẽ trách. Mẹ tôi thường nói: “Giữ là giữ cho con, cho cháu, chứ mẹ nào có được gì. Nền nếp gia đình tốt, thì anh em hòa thuận, xóm làng bền chặt. Tình cảm mới là thứ quan trọng. Mà có ai sống được mãi với miếng ăn, cái mặc đâu”.
Câu “Yêu thương để cho con, miếng ngon dành phần chồng” luôn có trong sâu thẳm trái tim của những người phụ nữ quê tôi và ở bao nhiêu làng quê khác nữa. Kể sao hết những câu ca dao nặng nghĩa nặng tình: “Chồng em áo rách em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người”; “Nuôi con không quản tảo tần/ Chỉ mong con lớn nên thân với đời”. Thế hệ chúng tôi dù đã thuộc nằm lòng mà vẫn thấy không bao giờ mình cảm nhận cho thật đủ đầy, trọn vẹn.
Món quà 20/10 khiến mẹ tôi vui nhất chính là tấm áo của nàng dâu biếu tặng. Đó chưa hẳn là món quà giá trị về bạc tiền, cũng chưa hẳn là đã hợp với phong dáng của mẹ. Nhưng tôi thấy bà mặc nhiều hơn hẳn so với những chiếc áo khác. Có lần tôi đùa: “Trăm món quà của con trai cũng không bằng một món quà nàng dâu mua tặng”, mẹ mủm mỉm cười hiền hậu mà chẳng nói gì. Mẹ nghĩ theo cái lẽ của mẹ và cười theo hạnh phúc của con. Đơn giản chỉ là như thế. Quà gì mà chẳng được, có bao giờ những người mẹ đòi hỏi ở con cái mình điều gì khác đâu, ngoài tình cảm.
Tôi lập nghiệp xa nhà nên vợ tôi không phải “làm dâu” như định nghĩa chung của mọi người là cùng ăn, cùng ở. Nết ăn, lẽ ở của vợ tôi vẫn có chút khác biệt so với mẹ. Điều đó âu cũng là lẽ đương nhiên, thường tình, bởi thế hệ chúng tôi khác xa so với mẹ. Đôi khi, tôi thấy mẹ âu lo, vân vi rồi cũng có “nói mây nói gió” chuyện người, chuyện ta chứ chưa bao giờ giận dỗi, hay mắng mỏ. Mẹ biết, chẳng bằng người ta đủ cửa đủ nhà, rủng rỉnh bạc tiền để nói chuyện “phú quý, lễ nghĩa”, đằng này con cái tối ngày lo chuyện áo cơm, lại xa gia đình, xa giềng xa xóm thì đâu có thể “tắt lửa tối đèn” cùng láng giềng xóm làng cho được. Mẹ vui bởi tấm áo của món quà nàng dâu trao tặng là cũng hiểu dâu con của mình.
Ngoài tặng quà cho mẹ thì tôi thường tặng quà cho vợ. Tặng quà cho mẹ thì dễ, còn tặng quà cho vợ thì… khó thật! Trong nhà, ngày nào cũng cắm hoa tươi nên những dịp lễ Tết vợ tôi “kiêng” tặng hoa, còn váy áo, trang sức, phấn son… vốn dĩ tôi không tường. Những ngày này, cũng chẳng mấy ai lại đi tặng tiền. Đã khó lại càng khó hơn. Biết thế, vợ tôi càng muốn tôi phải suy nghĩ và hay “đùa” bằng việc nhắc tặng quà trước cả mươi ngày. Đó không là vấn đề to tát gì, nhưng người phụ nữ nào chẳng muốn chồng mình tinh tế hơn trong đời sống, để tránh phần cục mịch, thô lậu khi ở cạnh mình. Tôi cũng hay đùa “nhà mình ngày nào chả là ngày 20/10, chả là ngày lễ tình yêu. Cái quan trọng nhất là chúng ta chung sống, nâng niu, tôn trọng nhau hằng ngày”.
Có lần tôi tặng nàng hẳn một bài thơ hài hước với hình ảnh mắm tôm và hoa hồng: “Ngày tình nhân vợ tớ/ Chẳng bao giờ tặng gì/ Nhưng rất hay nhõng nhẽo/ Chàng tặng quà em đi/ Tặng hoa hồng: thường quá/ Vàng, bạc: đâu thiếu gì/ Tớ bèn mua hũ mắm/ Tôm, làm từ biển quê/ Hũ mắm ngon lắm nhé/ Chấm lòng lợn thôi rồi/ Mà nếu có đặc sản/ Tính tình tang... nàng ơi!/ Vợ cảm động ghê lắm/ Khen tới, rồi khen lui/ Anh đúng là: chàng Tấm/ Yêu vợ nhất trần đời/ Cảm động xong... nàng quát/ Như quạ đen, quạ khoang/ Mấy ngày chưa uống nước/ Phát phiền thấu tâm can/ Nàng ào chạy ra phố/ Mua bó hồng thật to/ Đem cắm vào hũ mắm/ Trông thế mà nên thơ/ Ngày tình nhân vợ tớ/ Thành ra lại rất hay/ Hoa hồng và hũ mắm/ Tươi, thơm suốt cả ngày”.
Cũng từ đó, mỗi lần thấy vợ tôi đùa chuyện tặng quà, mỗi lần thấy tôi nhăn trán là cô công chúa nhỏ lại cà khịa: “Bố không biết mua tặng quà gì cho mẹ à? Khó nghĩ quá thì lại mua hũ mắm tôm cho mẹ cắm hoa vào. Vừa đẹp, vừa “thơm” đỡ phải nghĩ nhiều bố ạ”. Vừa nói vừa cười mà lời nói của con như đang xỉa vào tôi những chiếc “gai mồng tơi” sắc nhọn. Nghe con “cà khịa” xong, vợ tôi tua lại: “Em cần quà chứ không cần thơ, cần thiếc gì đâu nhá! Nghĩ mà mua quà từ giờ đi. Nhớ phải là món quà em thích nhất đấy!”.
Không biết những người đàn ông khác đối với phụ nữ thế nào. Họ tinh tế đến đâu, lãng mạn ra sao? Chứ tôi thì chịu. Chịu hẳn cái khoản… nghĩ ra món quà để vừa lòng “hai họ”. Nhiều khi tôi thấy mình cũng như cái “hũ mắm tôm” thật. Tôi biết, người phụ nữ trong nhà chỉ làm duyên, nảy chuyện cho vui nhà, vui cửa, chứ họ thừa biết cánh đàn ông, đàn ang của mình. Biết quá đi ấy chứ! Biết và thuộc như “đi guốc trong bụng”. Chả thế mà phụ nữ trong nhà chịu sự vất vả hằng ngày, tất cả vì một lẽ “yêu thương để cho con, miếng ngon dành phần chồng”./.