Aa

Chợ người, người chợ

Thứ Sáu, 16/08/2019 - 06:30

Chuyện chợ người, người chợ rất phong phú và đa dạng. Biến tướng cũng nhiều. Nó thực ra là một hình thức trao đổi lao động và thu nhập của thời hiện đại.

Thời nào thì cũng thế, cần những lao động đơn giản thường được gọi là lao động phổ thông, tức là những người làm những việc không cần qua đào tạo bài bản. Những công việc này mang tính trực tiếp hoặc thời vụ, chỉ cần hướng dẫn qua loa là có thể làm được. Cũng có những công việc theo thỏa thuận nhưng ăn ý với nhau nên tạo ra một hợp đồng làm việc lâu dài. Và dĩ nhiên, có nhu cầu nên từ  lâu đã hình thành những chợ người để cung cấp lao động. Hà Nội bây giờ với số dân khổng lồ và đang là một thành phố phát triển nhiều mặt, nhất là xây dựng, nên nhu cầu lao động phổ thông càng lớn.

Chợ người dễ nhận thấy nhất ở các ngã tư gần khu dân cư đông đúc. Từng nhóm người cả nam lẫn nữ ăn mặc nghèo nàn có phần luộm thuộm ngồi tản mát trên vỉa hè. Cạnh họ là dụng cụ cuốc xẻng, thúng mủng... Lại có những chiếc xe đạp được chằng buộc sẵn sàng dụng cụ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lát lát lại thấy nhóm người ồ cả lên đứng dậy nhất loạt. Ấy là khi có khách hàng đến. Một chiếc xe máy trờ lại. Nhóm người xúm xít. Tiếng là khách của chợ nhưng thực chất họ là chủ đến đây để tuyển lao động. Mọi thao tác rất nhanh. Cần ngần này người, công việc như này và công sá tách bạch rõ ràng ngay từ đầu. Thuận mua vừa bán, người chủ đi ngay sau khi để lại địa chỉ và nhóm người lục tục lên đường.

Nom thì lộn xộn có vẻ như sự cạnh tranh rất quyết liệt nhưng không phải thế. Những lao động này từ nông thôn ra và họ là vợ là chồng, họ hàng, làng xóm với nhau cả. Nếu không có những quan hệ trên thì sự thân thuộc từ sự đồng cảnh khiến cho họ có những cảm thông chia sẻ nên hầu như không có sự tranh chấp nào ở đây. Kể cả khi khách hàng đến chỉ có nhu cầu tìm một người làm việc gì đó thì chợ sẽ chọn đúng người làm việc đó giúp cho gia chủ. Rất trật tự và êm ả.

Tôi không ít lần đi ra chợ người đầu cầu Mai Động để đón người về làm những việc ngoài sức tôi như thau bể nước hay sửa chữa đục đẽo nhà cửa, hoặc là chuyển chậu, trồng cây. Tóm lại là những việc nói một cách nhanh gọn là cần sức người. Cốt khỏe là được. Trong chuyện trao đổi sức lao động này tưởng đơn giản nhưng cũng không ít phức tạp. Có bà sồn sồn chả biết hoàn cảnh thế nào nhưng rồi ra mướn lao động ở chợ người. Mướn được một anh cũng tầm tầm về nhà làm mấy việc lặt vặt. Rồi chị kia gạ gẫm, tất nhiên là có bồi dưỡng trao đổi. Cái việc không có trong danh mục lao động nếu được anh kia chấp nhận sẽ xảy ra. Cách đây mươi năm tôi đã cho hiện tượng này vào trong một phim truyện. Nó có trong thực tế.

Hà Nội xuất hiện không ít các trung tâm tìm kiếm việc làm. Đây cũng là một hình thức chợ buôn lao động. Trong đó có các trung tâm cung cấp lao động việc nhà. Phổ biến là người giúp việc trong gia đình. Số người này từ khi có phim Osin của Nhật thành thử họ được gọi theo cái tên đó. Sự nổi tiếng của phim tạo ra hiệu ứng xã hội như vậy đấy. Người giúp việc nhà được gọi là Osin.

Người giúp việc nhà được gọi là Osin bắt nguồn từ bộ phim cùng tên của Nhật Bản. Ảnh: Internet

Các trung tâm đi tuyển người làm giúp việc. Họ hướng dẫn chút đỉnh về kiến thức giúp việc, chủ yếu là tâm lý, môi trường làm việc rồi ký kết với các gia đình để cung cấp lao động. Thường thì bần cùng bất đắc dĩ các gia đình mới phải tìm đến những trung tâm này. Bởi chính nguyên tắc mang phần lợi về phía họ. Chẳng hạn như khi ký hợp đồng đương nhiên là trung tâm phải có phần trăm trong đó theo một tỷ lệ không thấp cộng thêm phí lần đầu. Và các phần trăm này đi theo hợp đồng cho đến lúc kết thúc. 

Vẫn là thuận mua vừa bán thôi nhưng không hẳn thế. Trung tâm có điều kiện nếu lao động không phù hợp thì thay lao động khác. Tưởng đây là điều kiện có lợi cho khách hàng nhưng thực chất đây lại là cớ để cả trung tâm lẫn người giúp việc gây khó khăn cho các gia chủ. Họ nhõng nhẽo đòi hỏi để rồi hợp đồng lao động nhanh chóng kết thúc, buộc phải ký hợp đồng khác với người giúp việc khác. Sự phiền nhiễu này khiến cho lao động ở các trung tâm cung cấp Osin không có nhiều uy tín.

Lĩnh vực giúp việc này chỉ thuận khi gia chủ qua sự giới thiệu và tìm được người thích hợp. Những công việc nhà chủ yếu là chăm sóc người già, giúp việc gia đình từ nội trợ đến lau dọn nhà cửa. Tôi có mẹ già nên ít nhất đã kinh qua 4 đời người giúp việc. Trong đó có một bác làm lâu và tốt đến mức bác như người trong gia đình. Dạo con gái tôi còn bé, mỗi khi bắt gặp tôi hút thuốc lá trong nhà, bác la rầm rầm buộc tôi phải tắt hoặc ra ngoài nhà hút. Sau tuổi cao bác phải nghỉ và tết nhất nhà tôi vẫn đến bác như chúc tết người thân trong họ tộc.

Trong các bệnh viện luôn thường trực một đội ngũ người giúp việc cả nam lẫn nữ. Họ làm việc thay người nhà, trực chăm sóc và thay rửa vệ sinh cho người bệnh. Những lao động dạng này thường làm theo ngày. Thậm chí theo giờ hoặc dài hơn là theo tháng. Những gia đình có người bệnh phải thuê nhân công này đa phần là neo người hoặc khá giả không muốn trực tiếp làm những việc chăm sóc. Họ chỉ là số ít vì người Việt trọng tình cảm nên thường thay nhau tự làm những công việc chăm sóc người ốm kiểu như báo hiếu bố mẹ nên những lao động giúp việc trong bệnh viện cũng không nhiều. Do đặc thù nên công sá ở bệnh viện thường cao hơn nhiều mặt bằng thu nhập lao động phổ thông.

Còn một dạng lao động phổ biến nữa là được phiên vào các công trường, các công việc xây dựng dân dụng thậm chí là cả nhà máy xí nghiệp. Họ chỉ làm những công việc theo thời vụ, không có chuyên môn và ngoài tiền công thỏa thuận không có bất cứ một chế độ nào khác, nhất là bảo hiểm xã hội. Đã có những tai nạn thương tâm xảy ra và phát hiện họ được sử dụng một cách bất hợp pháp khi chủ lao động không có những biện pháp bảo hộ lao động và chế độ bảo hiểm.

Chuyện chợ người, người chợ rất phong phú và đa dạng, còn có thể kể ra nhiều loại công việc khác. Biến tướng cũng nhiều. Nó thực ra là một hình thức trao đổi lao động và thu nhập của thời hiện đại. Người nông dân khi nông nhàn hoặc cũng có nơi ruộng đất thành dự án thành đô thị nên cả làng phải gồng gánh đi làm thuê. Thành phố là nơi có rất nhiều công việc phù hợp với sức lao động và khả năng của họ. Thu nhập cũng khá hơn làm việc ở làng xóm. Âu cũng là một phương cách kiếm sống. Cái gọi là chợ này suy cho cùng cũng là tự nhiên theo cung cầu và nó sẽ còn tồn tại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top