Cứ vào 9/2 âm lịch hàng năm, người dân làng Đông Dư Hạ (Gia Lâm, Hà Nội), lại tổ chức hội làng, đặc biệt có trò chơi dân gian bắt vịt vô cùng thú vị tại ao trước cửa đình.
Lễ hội đình Đông Dư có nhiều trò chơi, nhưng thú vị nhất là trò bắt vịt bằng tay không dưới hồ. Bắt vịt trên bờ thì dễ, nhưng bắt vịt dưới hồ thì không phải đơn giản
Hàng chục chú vịt được ban tổ chức lễ hội lần lượt được thả xuống hồ, trai làng không sợ rét mướt, cởi áo nhảy xuống hồ đuổi bắt vịt. Nếu ai bắt được vịt, thì con vịt sẽ thuộc sở hữu của người đó.
Mở đầu hội là lễ lấy nước trên sông Hồng và rước nước từ bến sông về đình để tế lễ. Sau đó là các trò chơi dân gian thú vị. Xưa kia có các trò đấu kiếm, đấu quyền, múa khiên... Tuy nhiên, ngày nay chỉ còn giữ lại được một số trò như bắt vịt, đập nồi, đi cầu treo, chọi gà... Sau đó là các trò chơi dân gian thú vị.
Làng Đông Dư tên Nôm là làng Gỏi, nằm ven sông Hồng. Đông Dư Hạ (Gỏi Hạ) thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi làm tỉnh Bắc Ninh). Các thôn Đông Dư Thượng - Hạ trước đây đều có đình, song đã bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp, mới được khôi phục trong những năm gần đây.
Cả hai đình Đông Dư Thượng và Đông Dư Hạ cùng thờ ba vị thành hoàng là Cao Sơn đại vương (anh em con chú con bác với Tản Viên Sơn thánh). Đình còn thờ Bạch Đa đại vương - người có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân cuối thế kỷ X và Linh Lang đại vương (con trai Vua Lý Thánh Tông) - người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Tống năm 1076 - 1077.