Không hiểu sao tôi rất thích cảm giác giao mùa, có chút gì đó vừa mơ hồ vừa rõ rệt, cứ bâng khuâng xao xuyến, nửa tiếc nuối, nửa khát khao, xen lẫn bao ký ức mờ tỏ, bao vòng giao thoa quên nhớ. Cứ thế vun lên mỏng manh như sợi khói giăng mắc mà đầm đậm, ấm nóng lan tỏa giữa con người và thiên nhiên với một mối đồng cảm, giao cảm như đó là những tín hiệu giao mùa. Tôi đã từng có cảm giác vào hạ, sang thu và bây giờ là chớm đông. Chạm vào cái lạnh đầu mùa với một chút xuýt xoa vậy mà đánh thức trong mình bao xốn xang như được gặp lại người bạn cũ lâu ngày. Cái lạnh đầu mùa cứ níu kéo mọi người xích lại gần nhau hơn, cởi mở, tâm tình hơn.
Nếu vào hạ như bước vào một không gian ánh sáng lộng lẫy của nở bông bao sắc đỏ hoa tươi, bao lấp lánh ánh bạc sông quê, bao rực rỡ của nắng tràn thì sang thu trầm lắng dịu lại với muôn sắc vàng của hoa cúc mà một thi sĩ đã từng ngẩn ngơ: “Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa”. Thu dây dưa bởi cái xạc xào của gió, cái lấp lánh viền sóng gợn của hồ, cái nồng nàn của cốm gói trong lá sen xanh. Chớm đông thì lại điểm tô thêm màu lạnh của hoa sữa thơm trắng đêm góc phố mà không bơ phờ, sáng ra cứ tươi hớn hở. Rồi cúc họa mi trắng li ti điểm xuyết mà cứ như muốn dạt dào trỗi dậy để đan cài, để dệt nên tấm thổ cẩm chan chứa sức trẻ mùa đông. Chớm đông, bao sắc áo màu khăn tưng bừng tỏa sáng đến nỗi “Cây xanh như cũng ánh theo hồng” (Vũ Quân Phường). Tấm áo mùa đông được dệt, được đan, được chuốt bằng những sợi len thời gian mà mẹ ta, chị ta đã gửi gắm vào đó bao tình thương mến nâng niu và da diết. Sợi len đan cài, như cài đan ấm nồng những sợi nắng cuối thu hiếm hoi còn sót lại để chớm vào một thời tiết khác, một ấm lạnh khác mang theo cái lưu luyến của lá rụng về cội mà tôi đã từng viết:
“Lá rụng theo hình lượn sóng
Thời gian sấp, ngửa bàn tay
Nửa muốn dùng dằng níu bóng
Nửa thương cội đất hao gầy”...
...để ấp ủ bao chồi non, lộc biếc hút từ nhựa đất đai chống chọi cái rét của mùa đông sắp tới.
Thu dây dưa bởi cái xạc xào của gió, cái lấp lánh viền sóng gợn của hồ, cái nồng nàn của cốm gói trong lá sen xanh... Ảnh: Internet.
Chớm đông là lúc hiện rõ nhất dấu hiệu của tuổi tác mà mẹ tôi suốt một đời “một nắng hai sương” dầm chân trong nước bạc, bàn chân rạn chân chim, ngón chân tỏe ra bấm võng xuống đường cày. Bao mưa nắng cứ ngấm dần, thấm dần, cứ nhuộm dần tuổi mẹ để một ngày biến thành những cơn đau khớp xương âm ỉ. Mẹ mang trong mình những mùa đông tái tê dai dẳng không chỉ là cơn gió rít qua vách cửa mà cái rét thấu xương trong tận đường gân thớ thịt của mình. Mẹ chống lại cái buốt tê là hơi ấm, sức ấm từ miếng trầu đỏ thắm với vôi trắng, với lá trầu xanh, với miếng cau bổ sáu. Mẹ chống lại cái lạnh hun hút ấy bằng bát nước chè xanh sóng sánh tỏa khói với hàng xóm láng giềng. Giờ con mẹ đã trưởng thành đi xa, mua về tặng mẹ tấm áo ấm, mẹ lại thích áo bông cộm lên, dày lên, mẹ thích cái xôm xốp căng phồng hơn là cái nhẵn lỳ dù đó là tơ lụa.
Chớm đông ta lại miên man nhớ về ngọn khói. Ngọn khói chứ làn khói thì quá mỏng mà màn khói lại quá dày. Ngọn khói như chồi của ngọn cây của sự sống. Khói ngút lên từ rơm rạ đồng quê, rơm rạ đã khô đã héo đã chết nhưng ngọn khói thì lại sống, mang lại sự sống hồi sinh từ cái chết. Ngọn khói tỏa ra từ bếp rơm thơm cơm mới. Hạt gạo chắt chiu từ cọng rơm, từ xay, giã, dần, sàng.
Có một nhà thơ viết rất hay: “Gặt xong rồi rơm rạ bó vào nhau” thật thân phận. Bó vào nhau để thành cây rơm, để thành mái rạ, để hóa thân vào ngọn khói. Ôi, cái ngọn khói đã mang theo hồn vía căn cốt ruộng đồng. Tôi thích ngày đông chớm đông hơn là mùa đông. Mùa đông thường dài, dài lê thê, dài ẩm ướt, dài rét mướt. Còn ngày đông, chớm đông thì quá ngắn, ngắn nồng nàn, ngắn gang tấc: “Ngày tháng mười chưa cười đã tối”.
Ngày đông ngắn bởi bước chân trên ruộng hình như cũng gấp gáp hơn, bàn chân vào chợ hình như cũng đắn đo hơn. Cái se se buôn buốt của thời tiết khiến cây cối co ro, dáng người co ro nhưng ngọn khói lại mỡ màng lại quấn quýt lại sum vầy lại mời mọc. Nghe tiếng củi khô reo nổ lách tách ta cứ ngỡ đó như hồi âm của nắng mùa hè còn sót lại, còn đông là hơi ấm. Ngọn khói cứ lan man ngỡ như không hay chuyện mà chỉ ngấm chuyện ríu rít bên người. Ngọn khói có vẻ lưng lơ nhưng không thờ ơ mà cứ tỏ mờ ảo ảnh, ám ảnh. Khói rút ruột mình đắm đuối.
Nhớ sao những chiều đông trên cánh đồng hun chuột. Lũ chuột đồng béo múp mích nấp dưới như hang hóc mé đồi, mé đồng, mé đường, mé ruộng, lũ trẻ con hò reo bắt chuột chặn lối ra lối vào với bồi nhùi xoắn khói. Nhưng thú vị hơn cả là tụm năm, tụm ba để nướng khoai, nướng ngô. Lạ thế, lúa gặt xong trơ gốc rạ rồi lại tiếp đến mùa khoai, mùa ngô cứ gối đầu lên nhau theo thời vụ. Củ khoai, bắp ngô nóng hôi hổi, lũ trẻ xuýt xoa thổi ra khói. Khói như là gia vị riêng cũng thơm bùi, thơm đượm và ấm nữa. Lại có món đặc sản cá rô đồng tát bên bờ ruộng cắm vào cành trẻ vót nhọn và nướng. Chao ôi vị mỡ cá từ bụng trứng căng tròn nứt ra xèo xèo cháy. Lũ trẻ cứ thế mà lớn phổng phao mang trong mình vị quê vị ruộng và trong huyết quản hồng hào còn ám vị khói ngày đông.
Ngọn khói ngày đông có tài rủ rê lắm. Rủ rê mọi người quây lại với nhau bên bát nước chè xanh sóng sánh bốc khói. Và mọi việc làng, chuyện nước cứ thế từ đó mà lớn dần ra. Bao buồn vui cứ sẽ chia đầy vui không cạn, như bồ thóc trong nhà cũng đầy vơi không cạn, như giếng nước khơi trong ngoài vườn cũng vơi đầy không cạn. Khói như lan tỏa, khói như mê hoặc cứ ấm nồng cứ da diết.
Ôi hay, sao ngọn khói lại đi vòng nhởn nhơ mà ý tứ lắm. Vòng mà thẳng đấy là khoảng cách rút ngắn nhất, xích lại bên nhau tỉ tê gan ruột. Ngọn khói phải cời lên phải thổi phù phù, phải nhấp nhánh than phải bùng lên ngọn mới tỏa ấm hết mình, mới khơi lại bao héo tàn mà đắp bồi mà vun thành chồi khói và tỏa ra ngọn khói. Bây giờ văn minh hơn đã sử dụng điện, bếp ga tỏa ra xanh lè, ngọn lửa không reo vui không nhảy múa không tanh tách tiếng củi nổ, tiếng khói. Con người hình như cũng khu biệt cách xa nhau ra với cái điện thoại thông minh màn hình nhoay nhoáy, có một khoảng trống mơ hồ xen vào. Sống ảo. Và tôi lại cứ nôn nao nhớ khói như nhớ về một người bạn tri ân lâu ngày chưa gặp lại. Khói vẫn còn len lỏi trong mái tóc của tôi, sợi tóc là sợi khói. Khói vẫn còn trong tiếng rít thổn thức điếu thuốt lào của ông tôi. Và mẹ tôi vẫn có những phút giây thông thả rút từng sợi len đan vào tấm áo mùa đông nhu rút từng sợi khói đan vào ký ức.
Chớm đông, tôi lại nhớ về Hà Nội - phố mà có những tháng năm tôi đã theo học Trường Viết văn Nguyễn Du và mơ hồ mình sẽ neo lại:
“Khói lên hàng cây cơm nguội
Hàng Buồm chẳng thấy buồm đâu
Hay buồm em đem giấu
Để Anh neo đến bạc đầu”.
Nhưng rồi cánh buồm biển cả quê hương đã gọi tôi về. Gọi tôi về cả những ký ức một thời:
“Cây trái ngoài vườn thâm thẩm chín
Sao chim không biết để bay về
Trẻ con đốt khói đồng hun chuột
Cánh diều mắc cạn dưới vòm tre
Dây võng chưa chùng sao vội cuốn
Bao màu áo đỏ bỗng tươi ra
Cải cuộn tròn mình khoe cái rét
Trên bàn thêm nhạt một cành hoa
Anh nghĩ chớm đông chừng quá tuổi
Bến bờ sóng loãng cứ dần xa
Em đến bên anh ngồi lặng lẽ
Sau nụ hôn dài ta xuýt xoa”.
Chớm đông năm nay bao cơn bão, cơn lũ cuộn xiết tràn về băng xuống. Ngấn lụt năm nào còn chạm khắc trên thân cau trên vách cửa, giờ chớm cao hơn bởi cái vòng kim cô muôn thuở khắc nghiệt của thiên nhiên cứ đợi dịp đông về là đổ xuống như để thử thách sự bền gan của con người đất đai phong thổ. Dải đất miền Trung thắt lại thì chính nơi này đã tỏa ra, đã mở ra, đã ngời lên sức quật khởi kiên cường, tình keo sơn gắn bó, nghĩa đồng bào lớn lao. Đó như một con đập vô hình cứ bền chặt, cứ tôn cao lên, cứ vững chãi cắm chân vào nền móng cội nguồn, vào trầm tích truyền thống lịch sử không chỉ chống giặc ngoại xâm mà còn chống bão lũ như một nhà thơ đã ví: Dải đất thân yêu của đất nước hình chữ S chính là con đê trên bán đảo..