Với món quà tặng ngày phụ nữ, hãy làm phép thử khi hỏi bất chợt một ai đó: "Bạn có thích quà tặng không?", tôi dám chắc là: "Có". Tháng 10, rồi sinh nhật. Thời 4.0 và chuyển đổi số, nếu bạn không tự điều chỉnh để sống an yên thì mạng xã hội và nàng “phây” sẽ khiến bạn choáng và mệt.
Khắp nơi, rất nhiều hoa và rất nhiều thứ gọi là quà tặng dành cho người yêu, người mẹ, người đàn bà trong cuộc đời mình. Đi trên phố hoa, trong những cửa hàng souvenir cứ nhìn người bán gói ghém nâng niu kỷ vật, tôi lại tự hỏi, trên nhân gian làm sao có thể tính hết có bao nhiêu người đàn bà không biết đến quà tặng, không biết đến bông hoa là gì? Nhất là những người nghèo khó với đôi quang gánh trên vai.
Lên chợ Bắc Qua, chợ Long Biên, những phận người phụ nữ đi gánh hàng thuê phải trở dậy từ hai giờ sáng đón xe tải, container bốc vác và gánh hàng quần quật cho đến rạng sáng mới ngơi chân ngơi tay. Mùa thu mà vai áo, ngực áo ướt đầm đìa. Những đồng tiền kiếm được gửi về nuôi con ở quê nghèo.
Tôi hỏi chị Nguyễn Thị Đồng thì chị cười và nói: “Đã hơn 30 năm từ khi lấy chồng, em chưa biết quà tặng là gì. Con gái đi lấy chồng ở cùng làng cũng không có hoa và chẳng biết đến quà tặng”. Chị Roi ngồi bên cũng phẩy cái vạt áo quạt quạt nói: “Ôi dào, phận mình như hạt thóc lép, làm lụng tối mắt tối mũi cả ngày, đến lời ngọt ngào của chồng cũng không có chứ nói gì đến quà cáp. Là cái số mình nó thế, kiếp trước nặng nợ, kiếp này trả thôi, chẳng mong chi bông hoa, chẳng mong chi quà tặng”. Số đông những người bán rong trên phố cổ, số đông người nghèo chạy chợ, họ chỉ biết lo đủ đời sống cơm ăn áo mặc hàng ngày là đã yên ấm và họ bằng lòng với mình. Có khi với họ, quà tặng cũng chẳng cần thiết.
Đời sống những người phụ nữ sống ở thôn quê, xa thành phố, ngày nông nhàn ra Hà Nội làm thêm. Có người đàn bà quanh năm chẳng biết đến hoa hay quà tặng là gì, nhưng họ có mong ngóng không? Tôi cứ hay tự hỏi mình thế, mong ngóng để làm gì khi chồng con không để mắt tới. Có phận người phụ nữ rất cơ cực, họ chỉ biết hy sinh cho chồng con chứ không hề lo lắng quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình, và họ cũng chẳng mong đến quà tặng. Vì đời nó thế, cứ an yên mà sống, cho dù cuộc sống tẻ nhạt cứ lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác cũng không chán.
Ví dụ khác, chị Na bán xôi đầu ngõ Vân Hồ giáp công viên Thống Nhất, chị là người ở làng Khương Thượng, cứ 2 giờ sáng dậy đồ xôi, nào là xôi lạc, xôi xéo, xôi đỗ xanh, xôi gấc, xôi vừng dừa, và chị bán xôi nuôi đứa con học đại học. Chẳng biết hôm nay là ngày gì mà bố cháu rửa bát giặt giũ, bảo mẹ con nghỉ ngơi bố ngâm gạo cho. Thế cũng là quà tặng rồi. Chị Na ngạc nhiên, mãi mới nghe con gái nói: "Ngày 20 tháng 10 bố giúp mẹ kìa". Người cha cứ lầm lũi làm chứ không nói năng gì. Ở đời cũng có nhiều người đàn ông sống tình cảm lắm, nhưng họ vụng nói, vụng diễn đạt nên họ chỉ biết đỡ đần cho vợ, như vậy cũng là cách bày tỏ thương yêu của mình. Chẳng phải ai cũng làm nghề MC được, chẳng phải đàn ông nào cũng biết thể hiện tình cảm mùi mẫn như diễn viên, chẳng phải ai cũng biết nói lời có cánh với vợ như mấy nhà tâm lý học. Nhưng quả thực, có người đàn ông khéo nói quá cũng đáng sợ lắm, không rõ phía đó là cảm xúc thật hay giả, hay là sự che đậy một lý do khác?
Một nữ thẩm phán bạn tôi, chị từng từ chối hôn nhân, từ chối mối tình đầu “vì anh ấy sống khéo quá, nên chị e ngại, đề phòng”. Rồi sau thời trẻ, chị phát hiện ra anh ta bắt cá hai tay và chị kịp chia tay với bao nhiêu quà tặng; có món quà đắt giá như dây chuyền, vòng tay, chị xin gửi lại; còn những món quà nhỏ, chị cho đi và không muốn nhìn thấy nữa. Quà tặng vừa cảm động vừa có ý nghĩa, mặt khác, nó cũng chua xót khi rơi vào cảm xúc khác.
Có chị làm doanh nhân thành đạt, mỗi năm quà tặng chất cao, hoa héo thì bỏ, nhưng chị sống đơn thân, nên ngày lễ tháng 10 hay sinh nhật, chị có khi còn không mở hết quà cáp. Còn đương nhiệm, nhân viên tặng quà, chị vào nhà mà không muốn mở ra vì nhiều quà chị lại thấy trong lòng trống trải. Họ là nhân viên, là những người dưới chức, họ ứng xử văn hóa của thời hội nhập, thời 4.0, rộ lên nào sinh nhật, nào tân gia nhà mới, nào quà tặng mua xe hơi, sinh con trai, hỏi có khi nào bạn cảm thấy mệt mỏi và chán nản không. Có chứ, nhưng vẫn phải làm thiên chức của con rối cạn. Rất mệt là khác, nếu thường xuyên cứ hội họp, thường xuyên tổ chức nọ kia. Có một bạn trẻ than phiền, đi sinh nhật nhà “sếp” giàu ụ, thừa mứa, về nhà con không có gì ăn, vẫn gạt nước mắt cười. Chứ biết làm sao?
Mới đây, một nữ bác sỹ khoa nhi vừa rời khỏi dương gian vì ung thư tụy, đứa con gái ngồi lại với bao nhiêu hộp quà tặng, có cả nữ trang của người yêu cũ tặng bác sỹ. Bác sỹ Vy, chị đã từng cho đi rất nhiều món quà của mình. Vì nhà một mẹ một con, quà cáp của bệnh nhân cảm ơn, quà cáp của y tá điều dưỡng, rồi bác sỹ gây mê, họ tặng chị rất nhiều quà. Và chị ứng xử với quà tặng bằng cách luôn dạy con biết chia sẻ và san bớt cho mọi người. Sau này khi bác sỹ Vy mất đi, đứa con gái của chị cũng học cách sống thơm thảo, hay nhường nhịn người xung quanh và biết quan tâm tới người khác, đó cũng là món quà tặng vô giá của người mẹ dạy con biết sẻ chia.
Đối với mỗi món quà, luôn có nhiều cách ứng xử khác nhau. Có người luôn gìn giữ quà tặng dù là rất nhỏ, hay kỷ vật trên mỗi chuyến đi, nó nhắc lại rất nhiều ký ức đã qua, nó nhắc lại thời gian sống của mình trên mọi nẻo đường đất nước và trên cả hành trình đi ra các châu lục.
Món quà tặng tuy nhỏ bé thời cơ hàn cũng đánh thức người ta khi lãng quên một thời xa, khi ta trở nên khá giả và từng bỏ quên quà tặng của một ai đó, một người yêu thương ta, một người có khi đã về thế giới bên kia mà người giữ quà thì bỏ quên.
Tôi từng biết một bác sỹ pháp y, nhà ông ở một căn hộ chung cư cũ, không có gì đáng giá ngoài giá sách và một chiếc máy vi tính, một tủ quần áo nhỏ như chỉ có vài bộ đủ mặc. Tối giản và giản dị, có lẽ đó là nghề đặc biệt khi liên quan đến rất nhiều ca mổ, rất nhiều phận người, có người giàu cũng bất hạnh ở dạng bệnh tật rồi mất trong tranh chấp tài sản với họ hàng. Đối mặt với các ca mổ, bác sỹ pháp y đã chọn cho mình một lối sống không giống ai, ông không nhận quà tặng và chẳng tặng ai món quà gì ngoài sự mổ xẻ và xác nhận chính xác căn nguyên của cơ thể người khi ngừng thở.
Một nữ bác sỹ khoa sản bạn ông thì lại bày chật nhà những tấm ảnh quà tặng của các bà mẹ tặng lại - là gương mặt của biết bao đứa trẻ ra đời do chị đón tay. Quà tặng đó còn hơn cả hoa và kỷ vật, là những nụ cười như mếu của mẹ trẻ sinh khó, là nụ cười khó tả nhất của mỗi đứa trẻ khi lớn lên rồi đỗ đạt, đến ôm chị tỏ lòng biết ơn. Nữ bác sỹ sản khoa đó từng tâm sự với tôi, chồng chị cũng là bác sỹ cùng nghề, ông nói với chị trước lúc ra đi: “Cả đời anh chẳng tặng cho em một món quà gì, dù rất nhỏ, dù đã nắm tay em đi được châu Âu và châu Phi”. “Còn đi cả chuyến xuyên Việt nữa”, người vợ nhắc. “Ừ, cả chuyến đi xuyên Việt. Chúng ta còn giữ được trong tim, còn nhớ về nhau, đó cũng là món quà tôi dành cho mình!”.
Mỗi người chúng ta, ai rồi cũng phải lật giở lại từng trang nhật ký, từng kỷ niệm, nhưng cái đáng giữ nhất là sự khắc khoải của con tim về bóng dáng người nào đó, họ đã sống cho đi rất nhiều. Không ai biết, cũng không ai hay. Và họ sống luôn nghĩ vì người khác hơn là nghĩ về mình. Đó cũng chính là món quà để lại, không hiện vật, không hình ảnh, không màu sắc. Vẫn đọng lại như giọt sương./.