Ngày 3/3, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết đơn vị vừa đề xuất với Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng phương án kiến trúc cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chọn phương án số 7 để đưa vào hồ sơ mời thầu tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án…
Phương án 7 cũng được hội đồng đánh giá xếp hạng phương án thi tuyển kiến trúc nhà ga chấm điểm cao nhất.
Đây là phương án kiến trúc lấy ý tưởng cách điệu từ hình ảnh lá cọ, dừa nước - một đặc trưng văn hóa đồng quê, sông nước của Việt Nam - áp dụng vào thiết kế phần mái công trình nhà ga. Nhà thiết kế muốn mang đến một hình ảnh nhà ga hàng không đậm chất văn hóa địa phương.
Đây cũng là phương án kết cấu đơn giản, phù hợp với điều kiện thi công, lựa chọn các kết cấu linh hoạt nhằm tiết kiệm, đẩy nhanh tiến độ, dễ tổ chức thi công... Đề xuất sử dụng vật liệu phù hợp với kết cấu và phù hợp với nhu cầu sử dụng cho các khu vực công năng trong nhà ga.
Chủng loại vật liệu ngoại thất và nội thất cũng phù hợp với xu hướng sử dụng cho các nhà ga hàng không trên thế giới, đảm bảo độ bền, tính thẩm mỹ và đặc tính kỹ thuật của nhà ga hàng không.
Tuy nhiên, hội đồng cũng chỉ ra phương án 7 có khuyết điểm là kiến trúc mái nhà ga hình rẻ quạt với nhiều nếp gấp cách điệu hình ảnh lá dừa nước, chia mái thành nhiều mảng nhỏ có thể làm tăng chi phí đầu tư do phải đảm bảo thoát nước, tăng chi phí thi công và bảo trì công trình.
Sau phương án 7, hội đồng cũng đánh giá cao phương án 3 và 4. Theo ACV, phương án 3 có ưu điểm là lấy ý tưởng từ hình ảnh bông hoa sen cách điệu, sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kê, áp dụng vào thiết kế mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan vị trí bên trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục (vị trí trần)...
Phương án 3 được hội đồng xếp thứ hai. Ảnh: VIẾT LONG
Tuy nhiên, phương án ba có thể có một số khó khăn trong việc tính toán hệ kèo mái cho quá trình thi công và làm giá thành công trình tăng lên.
Còn với phương án 4, tác giả quan điểm kiến trúc công trình chủ yếu là điểm nhấn nội thất nên phần ngoại thất mái nhà ga sử dụng đơn giản, không chia nhỏ mái nên thuận tiện cho việc thi công và bảo dưỡng công trình. Ý tưởng nội thất chính của tác giả là sử dụng vật liệu tre, được thiết kế thành hệ kết cấu đan kết để áp dụng cho toàn bộ các không gian chính của nhà ga (sảnh ga đi, khu kinh doanh dịch vụ, miễn thuế, khu phòng chờ, hành lang ga đến...).
Phương án 4 được xếp thứ ba. Ảnh: VIẾT LONG
Tuy nhiên tác giả chỉ tập trung điểm nhất kiến trúc là nội thất nên phần ngoại thất mái nhà ga có hình thức đơn giản, không đa dạng và nổi trội so với các phương án dự thi khác.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng (chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam), cần phải xác định đây là công trình thế kỷ, sử dụng lâu dài, bền vững và nó phải là biểu tượng cho một nền kiến trúc hiện đại của một đất nước đang đổi mới, vươn lên, chứ không thể bị bó buộc trong cái gọi là bản sắc Việt Nam. Sân bay Long Thành không chỉ là sân bay của TP.HCM hay Đồng Nai mà là sân bay của khu vực Nam bộ, là đầu mối kết nối quan trọng. Trong kiến trúc, nhà ga hàng không là cửa ngõ của một đất nước, nhìn nhà ga hàng không, người ta đánh giá được sự phát triển của đất nước đó.
Trước đó, vào ngày 7/12/2016, Hội Kiến trúc sư Việt Nam có công văn gửi Bộ GTVT, ACV nêu rõ trong 9 phương án được đưa ra thì hai phương án 4 và 7 có nhiều ưu điểm hơn cả. Hội thống nhất cao trong việc lựa chọn phương án 4 là phương án có nhiều ưu điểm để tiếp tục nghiên cứu triển khai.