Aa

Chủ đầu tư chung cư "lật kèo"

Thứ Ba, 13/06/2017 - 19:02

Tình trạng chủ đầu tư chung cư “lật kèo” cam kết ngày càng phổ biến khiến thị trường sản phẩm căn hộ chung cư đang méo mó.

Chung cư Helios - nơi cư dân bị chủ đầu tư “lật kèo”

Chung cư Helios - nơi cư dân bị chủ đầu tư “lật kèo”

Biến diện tích chung thành của riêng

Đầu tháng 6 vừa qua, hàng trăm cư dân ở chung cư Helios Tower tại 75 Tam Trinh (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) tập trung căng băng rôn phản đối chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư xây dựng NHS (Công ty NHS) “hô biến” tầng trung tâm thương mại thành hơn 20 căn hộ không đúng với thiết kế ban đầu. Chưa hết, Công ty NHS còn tự ý đổ bê tông “cấy” thêm một tầng tại tầng 4 tạo thành tầng 4A ở cả hai tòa nhà A và B không có trong thiết kế được cơ quan chức năng duyệt.

Người dân khi mua nhà nên tìm hiểu kỹ thông tin về uy tín chủ đầu tư, pháp lý dự án, chọn những chủ đầu tư đã khẳng định được thương hiệu, đã có dự án đi vào hoạt động sẽ hạn chế được rủi ro mất quyền lợi. Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch VNREA

“Tại tầng 35 tòa B, chủ đầu tư đã để mặc cá nhân sở hữu các căn hộ 1, 2, 3, 4 đục thông mái, xây dựng thêm hạng mục không có trong thiết kế được duyệt ban đầu hòng chiếm dụng tầng thượng tòa nhà làm căn hộ penthouse. Phần hành lang chung ở khu vực bốn căn hộ kể trên cũng bị lấn chiếm sử dụng thành diện tích riêng”, anh Nguyễn Tiến Công (cư dân tại tòa B chung cư Helios Tower) cho biết.

Ông Nguyễn Đức Chính, Đội phó Đội thanh tra xây dựng Q.Hoàng Mai, khẳng định việc chủ đầu tư xây dựng các bức tường ngăn tại tầng 3 và 4, đổ thêm sàn bê tông tạo thành tầng 4A là sai với thiết kế. Đội thanh tra xây dựng Q.Hoàng Mai đã lập biên bản, yêu cầu Công ty NHS dừng ngay hoạt động xây dựng các hạng mục kể trên để báo cáo cấp trên xử lý.

Cuối tháng 5 vừa qua, cư dân chung cư Golden West ở số 2 Lê Văn Thiêm (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty cổ phần phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) làm chủ đầu tư cũng căng băng rôn, treo khẩu hiệu tại ban công phản đối chủ đầu tư lấn chiếm khoảng thoáng tại nhiều tầng, biến thành căn hộ không có trong thiết kế được duyệt để bán thu lời bất chính.

Anh Phạm Đức Thịnh (cư dân ở chung cư này) cho biết tòa nhà này cao 27 tầng với hơn 600 căn hộ. “Từ khi chưa về ở, chúng tôi đã phát hiện Vietradico tự ý thay đổi thiết kế, chiếm dụng 58 phần diện tích khoảng thoáng ở mỗi tầng, cơi nới thành căn hộ để bán. Sau khi chúng tôi gửi đơn thư kiến nghị, cơ quan chức năng đã đình chỉ việc cơi nới của chủ đầu tư, xử phạt 90 triệu đồng vi phạm này. Công ty Vietradico cũng đã cam kết không tiếp tục vi phạm.

Nhưng sau đó, chủ đầu tư vẫn ngang nhiên tiếp tục cho xây bịt diện tích làm khoảng thoáng khiến việc thông gió, lấy ánh sáng cho tòa nhà bị ảnh hưởng, cư dân rất bức xúc”, anh Thịnh nói.

Cộng đồng cư dân chung cư Golden West còn gửi đơn kêu cứu nhiều lần đến các cơ quan chức năng về tình trạng phải sống giữa công trường do chủ đầu tư cố tình kéo dài thi công. Thế nhưng, gần đây Công ty Vietradico ngăn một phần diện tích tầng hầm B1 cho thuê làm rạp chiếu phim hơn 2.000 m2. Q.Thanh Xuân cũng đã có văn bản yêu cầu đình chỉ hoạt động của rạp phim.

Ông Đào Duy Ninh, Chủ tịch Công ty Vietradico, thừa nhận những sai phạm nêu trên nhưng… chưa biết khi nào sẽ khắc phục xong (!?).

Tiêu hết tiền quỹ bảo trì chung cư

Ông Đỗ Quang Bình, Trưởng ban Quản trị chung cư Thăng Long Garden tại 250 Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết trong cuộc họp gần đây nhất với cư dân, ông Ngô Văn Đơn, Phó tổng giám đốc Công ty CP may Thăng Long - đại diện chủ đầu tư, ngang nhiên tuyên bố công ty đã không còn tiền mặt để trả hơn 14 tỉ đồng quỹ bảo trì cho cư dân.

“Ông Đơn lấy lý do công ty kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thua lỗ nên không còn tiền mặt để trả phí bảo trì cho cư dân. Chủ đầu tư đề nghị cư dân tạo điều kiện tìm kiếm khách hàng thuê diện tích thương mại tại tầng 1, từ đó tạo nguồn thu để chuyển trả dần quỹ bảo trì với tỷ lệ 10% trên tổng số hơn 14 tỉ đồng mỗi quý”, ông Bình bức xúc.

Luật sư Bùi Quang Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết tình trạng cư dân chung cư phản đối sự “lật kèo” của chủ đầu tư thời gian gần đây gia tăng về số lượng. Nhiều văn phòng luật sư thường xuyên nhận hồ sơ tư vấn luật về các tranh chấp nhà chung cư. Sai phạm của các chủ đầu tư chủ yếu là không đúng diện tích căn hộ, sai thiết kế được duyệt ban đầu, chậm thành lập ban quản trị để trì hoãn trả phí bảo trì, cơi nới tầng thương mại, kỹ thuật để bán, sử dụng sai mục đích tầng hầm, chậm cấp sổ đỏ...

Xác nhận thông tin về vụ việc này, ông Phạm Bảo Chung, đại diện Phòng Quản lý đô thị Q.Hai Bà Trưng, cho biết việc kinh doanh thua lỗ của công ty không ảnh hưởng tới quỹ bảo trì do đây là nguồn thu độc lập với hoạt động của công ty. Công ty CP may Thăng Long phải bàn giao ngay phần kinh phí bảo trì đối với phần căn hộ đã được các bên thống nhất.

“Việc chủ đầu tư sử dụng quỹ bảo trì vào việc khác là vi phạm pháp luật. Ban Quản trị đề nghị Công ty CP may Thăng Long thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, phải bàn giao phần kinh phí bảo trì với diện tích căn hộ đã được thống nhất trước ngày 5.6 nhưng đến ngày 10.6 chủ đầu tư vẫn chưa trả”, ông Bình cho biết.

Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhìn nhận tình trạng chủ đầu tư nhà chung cư chây ì bàn giao phí bảo trì nhà chung cư thời gian gần đây ngày càng phổ biến. Ngay ở Hà Nội, điểm danh được hàng chục tòa chung cư có chủ đầu tư cố tình giữ tiền phí bảo trì: Sky City ở 88 Láng Hạ thuộc Q.Đống Đa, Keangnam ở Q.Nam Từ Liêm, Hồ Gươm Plaza ở Q.Hà Đông, Hancorp Plaza trên đường Trần Đăng Ninh, Q.Cầu Giấy...

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà Việt Nam, cho rằng người mua nhà chung cư thường phải đóng ngay 2% phí bảo trì mới được nhận nhà ở, nhưng sau đó lại phải chật vật đòi chủ đầu tư khoản tiền của chính mình đã bỏ ra. Còn vai trò của cơ quan chức năng can thiệp vào vẫn quá mờ nhạt để tình trạng các chủ đầu tư “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Tình trạng này hiện diễn ra khá phổ biến ở nhiều nhà chung cư. Lâu dần, tòa nhà không có nguồn kinh phí duy trì sẽ nhanh chóng xuống cấp, ảnh hưởng đến vận hành, an toàn của cư dân.Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), nhìn nhận những vụ việc chủ đầu tư “lật kèo” là hệ lụy khó tránh đối với thị trường bất động sản còn trẻ như ở nước ta.

Nhất là trong điều kiện hành lang pháp lý chưa chặt chẽ, ý thức tuân thủ pháp luật không tốt của nhiều chủ đầu tư. Về lâu dài, những chủ đầu tư làm ăn thiếu đàng hoàng sẽ gây ảnh hưởng niềm tin vào loại hình nhà ở này, trong khi đây là xu thế đô thị hiện đại. “Người dân khi mua nhà nên tìm hiểu kỹ thông tin về uy tín chủ đầu tư, pháp lý dự án, chọn những chủ đầu tư đã khẳng định được thương hiệu, đã có dự án đi vào hoạt động sẽ hạn chế được rủi ro mất quyền lợi”, ông Nguyễn Ngọc Thành khuyên./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top