Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định để có thể mở bán dự án nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng, biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng, văn bản xác nhận cho phép bán nhà của Sở Xây dựng, được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng.
Chủ đầu tư hoàn thiện đầy đủ những điều kiện trước khi mở bán cũng là sự khẳng định năng lực triển khai dự án cả về tài chính và yếu tố pháp lý. Tuy nhiên, hiện nay, cũng có những chủ đầu tư lách luật mở bán dự án khi chưa đủ điều kiện nhằm huy động vốn để thực hiện dự án, một số khách hàng chấp nhận mua nhà trên giấy để thu được lợi nhuận khi đầu tư hoặc để hưởng ưu đãi.
Rủi ro phổ biến nhất và thường gặp với người mua nhà là Dự án bị chậm bàn giao. Có những Dự án thời gian chậm bàn giao nhà lên đến nhiều năm, thậm chí không biết khi nào khách mới được nhận nhà. Bên cạnh đó, việc chậm được cấp, chưa có giấy tờ sở hữu nhà (dù đã nhận nhà vào ở) cũng rất phổ biến, kéo dài
Theo Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, “hợp đồng vay vốn” là một trong những cách “lách luật” khi dự án chưa đủ điều kiện mở bán. Hợp đồng được ký giữa chủ đầu tư và một cá nhân hợp pháp, đúng pháp luật. Nhưng rủi ro sẽ nằm về phía người mua nhà theo hình thức này là phần nhiều.
Người cho vay vốn với lãi suất thấp với kỳ vọng sẽ được quyền mua nhà của chủ đầu tư, họ kỳ vọng vào một chủ đầu tư thiếu năng lực. Khi tiềm lực tài chính của chủ đầu tư không đủ, thiếu vốn mới huy động vốn thông qua những bản hợp đồng vay vốn đổi lấy quyền mua nhà. Với chủ đầu tư có khả năng sẽ thực hiện bán nhà huy động vốn khi đủ điều kiện.
“Các chủ đầu tư khi triển khai dự án bất động sản đều phải chứng minh được có 20% vốn tự có để thực hiện dự án. Với 20% số vốn này chủ đầu tư hoàn toàn có thể thực hiện dự án đến đến khi đủ điều kiện mở bán”, Luật sư Trương Anh Tuấn nói.
"Nếu nhà đầu tư đã thiếu năng lực tài chính, phải huy động vốn khi chưa đủ điều kiện mở bán thì liệu có đảm bảo được tiến độ dự án? Việc đảm bảo các quy chuẩn thiết kế có được thực hiện, chất lượng công trình như thế nào? Đây là những vấn đề rủi ro cho người mua nhà của dự án", Luật sư Trương Anh Tuấn phân tích.
Mỗi người sẽ có quyết định riêng của mình trong việc cân nhắc, lựa chọn mua một căn hộ phù hợp, nhưng yếu tố cần thiết phải được đặt lên hàng đầu, đó là yếu tố pháp lý, Luật sư Tuấn phân tích.
Một thực tế đang diễn ra là người mua không nắm vững những quy định pháp luật, cơ sở pháp lý cần thiết khi mua nhà để ở hoặc đầu tư nhưng thường không tham vấn luật sư. Dù khách hàng có hiểu các quy định cũng có thể không hiểu hết các vấn đề được đưa vào hợp đồng mua bán, cơ sở pháp lý không chặt chẽ đã đẩy khách hàng đến những rủi ro.
Để đảm bảo quyền lợi, khách hàng phải xem xét thật kỹ hợp đồng mua bán các điều khoản như thanh toán, thời hạn bàn giao, các khoản phạt vi phạm hợp đồng, trách nhiệm của chủ đầu tư, bảo lãnh ngân hàng, nghĩa vụ của khách hàng…