Chủ đầu tư sẽ không còn được thu phí bảo trì chung cư?
Trước kiến nghị của Sở Xây dựng TPHCM không nên để chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì nhà chung cư 2% vì là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp tại các chung cư, Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, quyết định cao nhất về vấn đề quỹ bảo trì nhà chung cư thuộc các cơ quan ban hành luật, quy định thu phí bảo trì 2% nằm trong Luật Nhà ở năm 2014 nên thay đổi cũng phải dựa trên sửa đổi luật.
“Bộ Xây dựng đã tổ chức kiểm tra và làm việc với hai thành phố Hà Nội, TPHCM. Theo kế hoạch, cuối tháng 4 này Bộ Xây dựng sẽ có buổi giải trình trước Ủy ban Pháp luật Quốc hội về vấn đề quỹ bảo trì nhà chung cư. Còn việc bỏ không thu, thu sau hay giữ nguyên như hiện tại, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định” ông Nguyễn Trọng Ninh nói.
Theo ông Ninh, hiện có 3 luồng ý kiến chính, thứ nhất là đề nghị giữ nguyên như hiện nay. Vấn đề đặt ra là quản quỹ bảo trì thế nào và sử dụng ra sao cho hợp lý, hiệu quả, công khai minh bạch.
Luồng ý kiến thứ hai là bỏ 2% quỹ bảo trì chung cư, không thu nữa. Bao giờ có phát sinh bảo trì, hư hỏng sẽ thu sau. Ý kiến thứ ba là không thu ngay 2% quỹ bảo trì một lúc khi ký hợp đồng mà thu dần sau 5 năm các chung cư đi vào hoạt động.
Bất chấp bê bối, Sông Đà 11 vẫn được “chọn mặt gửi vàng”
Theo tìm hiểu, bất chấp vụ bê bối “bê tông trộn đất” đầy tai tiếng diễn ra năm 2016, trong những năm qua, Công ty Cổ phần Sông Đà 11 vẫn được Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) “chọn mặt gửi vàng” nhiều gói thầu có quy mô hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, trong vòng 3 năm trở lại đây, Công ty Cổ phần Sông Đà 11 được công bố trúng 23 gói thầu và các gói thầu này đều thuộc ngành điện.
Theo các nguồn tư liệu của Reatimes thì sau sự cố nêu trên, Sông Đà 11 tưởng như sẽ bị chủ đầu tư “cạch mặt” vì làm ăn gian dối, nhưng trái lại, nhà thầu này lại tiếp tục trúng nhiều gói thầu giá trị lớn vẫn do EVNNPT làm chủ đầu tư.
Mở rộng tìm hiểu về hoạt động đấu thầu của Sông Đà 11 tại EVNNPT, sau sự việc “bê tông trộn đất”, nhóm PV ghi nhận, không những “trúng nhiều, trúng lớn, trúng liên tục”, Sông Đà 11 còn có “khả năng” trúng thầu sát giá.
Ví như gần đây nhất vào tháng 11/2018, một gói thầu có giá hơn 90 tỷ đồng, nhưng giá trúng của Sông Đà 11 chỉ tiết kiệm được hơn 50 triệu đồng.
Vì sao quỹ ngoại “phản đòn” Chủ tịch Nguyễn Bá Dương?
Liên quan đến việc sáp nhập Ricons vào CTD, tại ĐHĐCĐ tổ chức sáng 9/4, Coteccons cho rằng, việc sở hữu Ricons sẽ giúp Coteccons tạo lợi thế cạnh tranh về quy mô, tăng năng lực triển khai các dự án lớn và đặc biệt lớn, thúc đẩy việc tăng doanh thu và lợi nhuận Công ty.
Tuy nhiên, trái với mong muốn của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương, trong đại hội lần này Kusto là cổ đông lớn chiếm 17% cổ phần đã phản đối kế hoạch sáp nhập Ricons vào CTD với lí do “lợi ích trong việc sáp nhập với Ricons là chưa rõ ràng...”
Trong đại hội lần này, chia sẻ với các cổ đông, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTD cho biết: “Nếu sáp nhập với Ricons, CTD sẽ có 3 công ty lớn nhất trong top 5 công ty xây dựng lớn nhất thị trường, doanh thu và lợi nhuận sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng mới. Đề nghị cổ đông cân nhắc kỹ việc này vì đây chính là quyền lợi của cổ đông, không sáp nhập thì cơ hội sẽ qua đi và tăng trưởng của CTD thời gian tới cũng không biết nói thế nào. Việc hoán đổi cổ phiếu sẽ được làm một cách nghiêm túc, được tư vấn bởi các công ty tư vấn định giá hàng đầu”.
“Chấm điểm” 3 phương án di dời trụ sở các Bộ ngành
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, việc di dời trụ sở các bộ ngành là vấn đề lớn đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên nguồn lực thực hiện chưa có vì vậy xã hội hóa là cần thiết.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, cuối tháng 3/2019, Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP) gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo bổ sung phương án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Nhiều Bộ, ngành, cơ quan trung ương đang ở giai đoạn tìm địa điểm xây dựng mới song nhiều chuyên gia, người dân đã lên tiếng đề nghị dành quỹ đất sau khi di dời bộ, ngành cho mục đích công cộng, phục vụ cộng đồng dân cư. Đặc biệt, phải hạn chế tới mức thấp nhất việc cho phép xây dựng các khu nhà ở, căn hộ chung cư cao tầng ở các khu đất này.
Về định hướng sử dụng quỹ “đất vàng” ở nội thành sau khi di dời, trong báo cáo Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở các bộ, ngành tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, những khu đất vàng này sẽ thực hiện quản lý, sử dụng, chuyển đổi chức năng phù hợp với các quy hoạch, quy chế quản lý của TP Hà Nội.
Biệt thự cổ Hà Nội: Sau lớp vỏ vang bóng một thời
Thiếu thốn, chật chội, nứt tường, ẩm thấp là tình trạng xuống cấp trầm trọng của các căn biệt thự cổ giữa lòng Hà Nội.
Mặc dù được người Pháp xây dựng với cấu trúc kiên cố, tuy nhiên trải qua lịch sử hàng trăm năm, những căn biệt thự cổ tại Hà Nội cũng không nằm ngoài sự bào mòn của thời gian, của quá trình đô thị hóa. Rõ ràng mang tiếng sống trong “biệt thự” nhưng phải tận mắt chứng kiến mới thấy được sự nguy hiểm, nỗi lo âu của những cư dân nơi đây.
Nét đẹp của một Hà Nội yêu kiều, cổ kính có lẽ không thể không nhắc đến những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc. Nổi bật là những căn biệt thự cổ đặc trưng được xây dựng kiên cố theo phong cách Pháp nhưng vẫn thấp thoáng hơi thở lối sống của người Việt. Đa phần các biệt thự cổ khi xưa đều thuộc sở hữu của những quan chức, sĩ quan Pháp hoặc những gia đình Việt giàu có. Tuy nhiên, qua lớp bụi của thời gian, cuộc sống xa hoa, cổ kính ở những căn biệt thự này chỉ còn là những hồi ức của một thời vang bóng. Thay vào đó là sự chen chúc, chật chội, khổ sở của người dân và những mâu thuẫn trong câu chuyện bảo tồn và phát triển vẫn chưa tìm ra lời giải.