Aa

Chủ nghĩa cá nhân hoang dã

Thứ Hai, 25/03/2019 - 06:00

Chúng ta đã trang bị cho công dân khá tốt các kiến thức hiện đại (cứ nhìn bây giờ người ta ngồi với nhau tâm sự nhưng từng người đều chúi mặt vào cái điện thoại trước mặt thì biết), nhưng cái phông văn hóa, cái lòng tự trọng, nhân cách của từng con người thì chúng ta chưa kịp trang bị. Cái mà đang phát triển lại là, tính hoang dã, cái tôi tự cao tự đại, thói chỉ biết mình, sống tận cùng... cho mình.

Mấy năm nay, và năm nào cũng vậy, vào dịp lễ hội đầu xuân, người ta nói nhiều về các cuộc tranh cướp, từ ấn đến lộc, và cả... hoa. Điều mà ai cũng thấy xấu hổ nhưng rồi vẫn cứ tiếp diễn như một... "đặc sản" của ta vậy . Mới nhất là những người đang sinh sống ở Thủ đô, còn có phải dân thủ đô không thì chưa biết, hôi hoa trên đường sau sự kiện gặp gỡ cấp cao Mỹ - Triều. Có cả người ngang nhiên đậu xe ô tô giữa đường bình thản xuống bê từng chậu hoa chất vào ô tô.

Cũng nhân nói chuyện ô tô nghênh ngang, mới nhất, ở thành phố Huế thanh lịch, giữa làn đường đông đúc người qua kẻ lại, một công dân hạng sang cũng đậu xe giữa đường hàng mười mấy phút để vào... mua cháo dinh dưỡng, mặc người đi đường phải đợi... Nói hạng sang là bởi, ở Việt Nam thì cũng phải... như thế nào mới sắm được ô tô. Và cũng chả cứ ô tô biển trắng, ngay xe biển xanh, được mặc định là... sang hơn, vì đa phần là quan đi, lâu lâu vẫn có người ngồi trong xe hạ kính xuống, hoặc là một bãi nước bọt bay ra, hoặc là một túi rác tung xuống. Tất nhiên, đấy đa phần không phải tài xế, mà là của người ngồi bên. Ai ngồi bên thì chúng ta biết cả. Tài xế xe xanh thì đa phần cho mình cái quyền... chạy nhanh.

Mới nhất nữa, một ông được gọi là Rapper nào đấy, vào trường Ams quay clip ca nhạc, và “tiện thể” đốt sách của học sinh ở đấy làm đạo cụ, rồi xin lỗi rất cợt nhả, khiến ta nhớ cái tích từ xửa xưa rồi, Tần Thủy Hoàng đốt sách.

Hãy vào các tiệm internet mà xem, rất đông thanh thiếu niên ngồi gác hai chân lên bàn, miệng ngậm thuốc và chửi tục, rất tục.

Hãy để ý khi đi ngoài đường mà xem, người ta vô tư khạc nhổ, vất rác ra đường. Có người còn lấy cái sự khạc to nhổ xa làm hãnh diện.

Hãy vào các quán ăn mà xem. Họ nói rất to, gõ bát đũa ầm ĩ và quát tháo nhà hàng như nô lệ. Nhìn biết ngay họ là "thượng đế", những thượng đế có tiền nhưng thiếu một mặt bằng văn hóa.

Hoang dã nơi lễ hội...

Hoang dã nơi lễ hội...

... Và cướp hoa trên đường phố.

... Và cướp hoa trên đường phố.

Rất nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng biến thành người thành phố, và họ vác cái lối sống nông thôn áp dụng vào thành phố. Như một cô cử nhân tôi biết, nhà cô ở huyện, nhưng vừa rồi xin được việc làm ở một cơ quan trên thành phố. Thế là cô mang cái lối sống nông thôn lên áp dụng vào thành phố.

7 giờ thì xe rác đến thu gom rác, nhưng 7h30 cô mới uể oải mở cửa vất toẹt bịch rác không cột miệng ra đường. Thế là bịch rác nằm tô hô ở đấy đến sáng hôm sau, và hôm sau lại tiếp diễn như thế, lúc nào cũng có một bịch rác không cột miệng chình ình trên đường. Chưa hết, cô còn rất khoái khoe đồ, đặc biệt là nội y trước nhà hàng xóm?... Nhưng cô lại học rất nhanh thói tiêu cực của người thành phố, ấy là cô độc. Nhà luôn đóng cửa, không nghe ai góp ý, không bao giờ đi họp tổ dân phố, cũng chả bao giờ đóng góp hay tham gia gì với tổ dân phố...

Hãy ngồi một tiếng đồng hồ ở đầu đường ngược chiều mà xem, hàng chục người, rất diện, vô tư lao xe, cả xe máy và ô tô, có cả ô tô biển xanh, vào đường ngược chiều. Thi thoảng bị công an thổi còi lại gãi đầu: Em ở huyện lên, em ở tỉnh về... Làm như ở huyện, ở tỉnh thì được quyền bầy hầy, thì được quyền phạm luật. Mà Công an thì ít nên người ta cứ vô tư ngược chiều...

Có một hiện tượng là người ta sợ công an chứ không sợ luật, nên cứ không có công an là lấn làn, là vượt đèn đỏ, là chạy ẩu. Nhưng giờ, thi thoảng xem những clip trên mạng, thấy họ cũng chả sợ công an nữa, xuống xe là sẵn cái điện thoại trên tay rồi, livestram luôn, ăn nói rất xấc xược. Tất nhiên riêng về việc này thì cũng cần xem lại cả hai phía, là tại làm sao mà cán bộ chức năng lại để dân xem thường làm vậy.

Tôi thì chả dám, lỡ có sai sót gì khi chạy trên đường, bị thổi lại, là xin lỗi ngay, bước xuống xe là xin lỗi, nhẹ thì thôi xin cảnh cáo, nặng thì chấp nhận bị phạt, vì mình có lỗi, còn lỗi của họ (kiểm tra giấy rất nhanh chẳng hạn, cưa đôi chẳng hạn...), tính sau.

Đã đành tất cả chúng ta đều có xuất xứ từ một nền văn minh nông nghiệp với đặc thù rất riêng của nó. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể áp đặt nó ở mọi nơi mọi chỗ. Người được trang bị mặt bằng văn hóa tốt là người biết ứng xử như thế nào cho tốt nhất, phù hợp với mọi người trong từng trường hợp cụ thể để không làm tổn thương cái đẹp, không làm tổn thương lòng tốt, không làm tổn thương lòng tự trọng và nhân cách của con người...

Càng hiện đại con người càng phải biết sống vì nhau, càng phải biết ứng xử có văn hóa. Và văn hóa phải được trang bị, phải được dạy dỗ từ thời còn đi học, trong nhà trường và gia đình...

Cái việc mấy cơ quan vừa rồi làm cái dự thảo nước mắm ấy, có cái gì đấy cũng... hoang dã, dẫu nó nhân danh văn minh, nhân danh vệ sinh, nhân danh vì sức khỏe con người...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top