Aa

Chủ tịch Địa ốc Hòa Bình: “Không thể chờ thị trường xây dựng trong nước bão hòa rồi mới ra nước ngoài”

Thứ Tư, 03/01/2018 - 07:02

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Địa ốc Hòa Bình, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng làm những công trình không thua gì quốc tế.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Địa ốc Hòa Bình, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã nhận định như vậy tại buổi tọa đàm Tiềm năng phát triển ngành xây dựng Việt Nam năm 2018, do báo Thanh Niên tổ chức ngày 2/1.

Ông Lê Viết Hải cho rằng, nếu nhìn vào con số quy mô doanh thu hơn 12 tỷ USD thì có vẻ như ngành xây dựng không phải là ngành có đóng góp lớn cho kinh tế nói chung.

Nhưng ông phân tích thực ra con số này chỉ là phần giá trị gia tăng mà ngành xây dựng đóng góp cho nền kinh tế, đã loại ra rất nhiều lĩnh vực  như xi măng, sắt thép, trang trí thiết bị gia dụng…

Nếu cộng tất cả lại thì giá trị cấu thành những công trình xây dựng sẽ gấp 4-5 lần giá trị gia tăng, quy mô ngành xây dựng có thể lên đến 50-60 tỷ USD.

Các diễn giả nhận định về tiềm năng thị trường xây dựng - Ảnh: Huyền Trâm.

Các diễn giả nhận định về tiềm năng thị trường xây dựng - Ảnh: Huyền Trâm.

Ông Hải cũng nhận định nếu xây dựng phát triển ra nước ngoài cũng có khả năng đem đến giá trị lớn, do sử dụng nhiều nguồn vật tư trang thiết bị trong nước xuất khẩu ra nước ngoài.

“Tổng giá trị ngành xây dựng của 36 quốc gia được đánh giá có ngành xây dựng phát triển là hơn 12.000 tỷ USD. Nếu Việt Nam tham gia được vào ngành xây dựng trên thế giới thì có thể đem về hàng trăm tỷ USD, tức gấp nhiều lần giá trị trong nước”, ông Hải nhấn mạnh.

Ông lưu ý nếu chúng ta chỉ làm xây dựng những dự án trong nước mà không đưa nguồn lực ra nước ngoài, không tiếp cận thị trường quốc tế thì xây dựng Việt Nam một thời gian nữa có khả năng sẽ lạc hậu. Việc Hòa Bình tham gia thị trường Malaysia, Myanmar tuy không phải là nước có ngành xây dựng phát triển mạnh nhưng doanh nghiệp cũng học hỏi được nhiều điều mới.

“Không thể chờ thị trường trong nước bão hòa rồi mới ra nước ngoài mà doanh nghiệp xây dựng phải chủ động. Nguy cơ lạc hậu cần phải lưu ý, nguy cơ giai đoạn thoái trào, biến động khủng hoảng cũng cần suy nghĩ”, ông Hải chia sẻ.

Vậy cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng Việt phát triển ở thị trường nước ngoài là gì?

Ông Hải cho rằng, hiện nay rất nhiều nước có giá thành xây dựng cao, từ 1.500 – 2.000 USD/m2. Trong khi chúng ta làm những công tình tương tự chỉ 400 - 500 USD/m2, công trình cao cấp cũng ở mức 1000 USD/m2.

Năng lực cạnh tranh về công nghệ kỹ thuật, hệ thống quản lý… hiện nay doanh nghiệp Việt không hề thua kém doanh nghiệp nước ngoài ở các công trình nhà ở, khách sạn, resort, văn phòng, ông Hải nói.

“Tiềm năng ngành xây dựng là rất lớn, không chỉ tăng trưởng ở mức 5-7% mà có thể tăng trưởng 15-20% bằng việc phát triển ra nước ngoài”, ông Hải nhấn mạnh.

Bài toán nguồn vốn cho ngành xây dựng?

Theo TS. Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân Bizlight, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng những năm qua là 3,4%. Được xem là tốc độ tăng trương nhanh, hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng dân số bình quân của Việt Nam.

Kể từ 1/1/2018, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông khoảng 48 tỷ USD. Với số tiền này vốn NSNN chỉ đáp ứng 37,2%, ODA vào khoảng 28,2%, dự kiến tiếp tục giảm. Còn lại 34,6% thì nguồn vốn phải tự sắp xếp.

Để đáp ứng phát triển hạ tầng giao thông một phần triển khai theo hình thức công tư PPP. Tuy nhiên, các dự án BOT thời gian qua có quá nhiều bất cập và vô số vấn đề trong chỉ định thầu…

Ngoài ra còn có nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trước đây là 60% hiện nay là 50%. Từ 1/1/2018 giảm còn 40%. Với tỷ lệ giảm tác động đến hoạt động vay vốn của doanh nghiệp xây dựng cũng như bất động sản.

Chủ trương của NHNN tập trung vào lĩnh vực sản xuất thay vì phi sản xuất. Tỷ trọng vốn đổ vào xây dựng bất động sản năm 2017 chiếm khoảng 16%, giảm khoảng 1,6% so với 2016. Trong đó ngành xây dựng tỷ lệ vốn ngân hàng chiếm gần 9%. Dự kiến thời gian tới tới nguồn vốn của ngân hàng đổ vào xây dựng có thể giảm trong 2018.

Theo đó, ông Tín đưa ra một số giải pháp về vốn cho doanh nghiệp ngành xây dựng thời gian tới. Cụ thể, tính tới cuối 2017, nhiều công ty xây dựng có xu hướng chuyển dần nợ phải trả qua vốn chủ sở hữu, bằng cách tăng vốn chủ sở hữu, có thể sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Thứ 2, công ty xây dựng sẽ tiếp tục tăng cường đa dạng hóa ngành nghề, thêm nguồn thu từ phát triển bất động sản. Thậm chí mở rộng thị trường tham gia đấu thầu.

Thứ ba, theo báo cáo tài chính của các công ty xây dựng, cơ cấu nợ phải trả chủ yếu là nợ ngắn hạn, trên 90% nợ của doanh nghiệp. Tuy nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là lớn nhưng là nợ ngắn hạn nên độ rủi ro không lớn. Phần lớn là khoản nhận tiền ứng trước của khách hàng, rủi ro các khoản nợ là không đáng kể. Trong năm 2018 doanh nghiệp xây dựng sẽ nỗ lực giảm các khoản nợ ngắn hạn, điều này là nằm trong bàn tay của doanh nghiệp.

Thứ tư, doanh nghiệp có thể xem xét bán cổ phần cho đối tác nước ngoài thông qua hoạt động M&A.

Thứ năm, doanh nghiệp sử dụng quản lý hiệu quả kênh truyền thông để có cách ứng phó tích cực.

Thứ sáu, quản lý tốt quan hệ công chúng, quan hệ với cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn.

Thứ bảy, tăng cường cạnh tranh ở các công trình lớn tại Việt Nam. Cuối cùng, trong thời gian tới mở rộng thị trường nước ngoài. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top