Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Công ty Thiết kế, xây dựng Việt Hưng tại TP.HCM cho biết, ông chính thức không dùng cát tự nhiên ở các công trình mà ông vừa ký. Lý do, cát tự nhiên quá đắt, lại đang khan kiếm.
Giải pháp thay thế cát tự nhiên ở các công trình xây dựng được ông Toàn bật mí, là dùng bêtông bằng cát mặn và nước mặn. Theo ông Toàn, ông mạnh dạn làm điều này vì đã đi tìm hiểu rất kỹ từ các nhà chuyên môn và họ khẳng định, có thể trộn bêtông từ cát biển và nước biển mà không phụ thuộc hoàn toàn vào cát nước ngọt như cách sử dụng truyền thống lâu nay.
“Theo thường thức khoa học, nếu sử dụng cát mặn và nước mặn để phối trộn bêtông thì bêtông không đông kết, bám dính với nhau được, nhưng các chuyên gia cho tôi thấy, họ làm được bằng việc đưa một hỗn hợp chất lỏng, gọi là phụ gia, có thể hóa giải được thực tế này. Khi cho chúng vào bêtông được phối trộn từ nguồn cát mặn và nước mặn, thì mẻ bêtông đó vẫn đông kết bình thường. Chất lượng không thua gì cát ngọt tự nhiên, nhưng công thức này chưa phát triển nhiều, vì nó quá mới ở Việt Nam và chưa được người dân mấy tin tưởng”, ông Toàn nói.
Về lo lắng nhà bằng bê tông cát và nước biển sẽ ăn mòn cốt thép, ông Toàn cho biết, đã hỏi ý kiến chuyên gia và Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM thực hiện thử từ lâu, kết quả cho thấy, các sản phẩm trên thực tế và bộ số liệu khoa học cũng thu được từ quá trình thực nghiệm rất tốt.
Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Đông, Giám đốc Công ty Xây dựng Bình Phú cho biết, ông dùng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên. Việc thay thế này không chỉ đến từ việc tăng giá cát tự nhiên, mà đến từ lần qua Nhật Bản học kinh nghiệm xây dựng, được chuyên gia xây dựng Nhật Bản kể, họ dùng cát nhân tạo thay thế cho cát tự nhiên đã 40 năm.
“Theo tôi tìm hiểu, từ năm 2001, Viện Vật liệu xây dựng đã có công trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch sản xuất cát nghiền cho xây dựng. Đến nay, dự án cát nghiền từng bước đi vào thị trường, đang thay thế cho cát tự nhiên trong việc làm cốt liệu bê tông, vữa xây trát, cũng như sản xuất vật liệu không nung. Đặc biệt hiện nay, việc sử dụng cát nghiền đang được sử dụng tại các công trình thủy điện đã nâng lên từ 60 - 90% nhu cầu cát bê tông”, ông Đông nói.
Còn đại diện một tổng công ty xây dựng lớn tại TP.HCM cho biết, sau khi giá cát tự nhiên lên cao, công ty ông đã dùng tới 60% cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong các công trình lớn mà công ty đang làm.
“Trong chiến lược phát triển của đến năm 2020, chúng tôi sẽ thay thế hoàn toàn cát tự nhiên, đó cũng là trách nhiệm của công ty trong vấn đề bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để cát nhân tạo cạnh tranh được, Chính phủ phải kiểm soát được vấn đề khai thác cát tự nhiên và phải đánh thuế tài nguyên một cách hợp lý. Khi giá cát tự nhiên đắt hơn giá cát nhân tạo, thì từ từ, cát nhân tạo sẽ thay thế được cát tự nhiên”, vị này nói.
Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp này, ưu điểm của cát nhân tạo là hạt cát đồng đều hơn, có thể điều chỉnh tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau, cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình. Ở nước ta hiện nay, đá xây dựng, phế thải xây dựng và phế thải từ việc khai thác mỏ để sản xuất cát nghiền được phân bố khắp mọi vùng trên đất nước.
Mới đây, ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng đã có ý kiến với Bộ đề xuất các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sử dụng các vật liệu thay thế cát tự nhiên, đặc biệt dùng trong san lấp, tiến tới chấm dứt việc sử dụng cát nước ngọt để san lấp các công trình xây dựng...
“Bộ Xây dựng đang tiếp tục giao Viện Vật liệu xây dựng nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng thay thế cát nước ngọt tự nhiên; nghiên cứu chế tạo bê tông không cốt thép sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ làm bờ kè, tường chắn sóng, chống sụt lún, sạt lở. Nghiên cứu phụ gia cho bê tông sử dụng cát biển và nước biển, các loại phụ gia chịu ăn mòn phục vụ cho xây dựng các công trình ven biển...”, ông Khánh nói./.