Aa

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo tăng cường xử lý, vi phạm trật tự xây dựng “hết cửa“ lộng hành

Ngọc Tiến
Ngọc Tiến ngoctienreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 31/08/2022 - 06:20

Vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng quản lý,... là một trong những nguyên khiến vi phạm xây dựng ở Hà Nội còn xảy ra.

LTS: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Đặc biệt, nhiều công trình xây dựng trái phép đưa vào sử dụng khi không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy dẫn đến nguy cơ xảy ra hỏa hoạn và thực tế đã có những vụ việc gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Trước tình trạng này, thời gian qua chính quyền Thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục triệt để các vi phạm đất đai, xây dựng.

Thế nhưng, câu chuyện tháo dỡ, trả lại nguyên trạng đất bị chuyển đổi mục đích, xây dựng trái phép ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Dư luận đặt dấu hỏi trước việc hàng loạt công trình xây dựng trái phép mọc lên và thậm chí thản nhiên hoạt động, nhưng không thấy chính quyền buộc dừng thi công, xử phạt, hoặc có biện pháp xử lý, cưỡng chế.

Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Bài học về xử lý vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng ở Hà Nội".

Bài 1: Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo tăng cường xử lý, vi phạm trật tự xây dựng “hết cửa“ lộng hành.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Có dấu hiệu buông lỏng quản lý về trật tự xây dựng

Thời gian qua, số lượng các vụ cháy, nổ trên địa bàn TP. Hà Nội không ngừng gia tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân và trật tự an toàn xã hội. Điều này đã gây bức xúc trong dư luận và một câu hỏi được đặt ra là tại sao chính quyền Hà Nội dù nỗ lực chỉ đạo, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng tình trạng vi phạm vẫn xảy ra?

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 14 về việc tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn TP. Hà Nội.

vi phạm đất đai Hà Nội
Nhiều trường hợp vi phạm đất đai, lấn chiếm đất rừng tại huyện Sóc Sơn.

Chỉ thị 14 nêu rõ, nguyên nhân những tồn tại về PCCC còn nhiều vấn đề tồn tại là do ý thức chấp hành quy định về PCCC của chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở chưa cao. Công tác quản lý nhà nước về PCCC còn những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng quản lý. Cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Trước thực trạng đáng báo động nêu trên, UBND TP. Hà Nội giao Công an Thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm đang tồn tại chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Đồng thời hướng dẫn chủ đầu tư khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC trong quá trình triển khai thi công xây dựng công trình. Cùng với đó, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC của UBND cấp huyện, cấp xã theo quy định. Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép và các công trình có vi phạm về trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn Thành phố.

Vi phạm xây dựng quận Cầu Giấy
Hàng loạt công trình được thi công, lắp đặt trên khu "đất vàng" tọa lạc tại con phố Nguyễn Phong Sắc - Trần Quốc Hoàn (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội).

"UBND TP. Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu chủ đầu tư các công trình vi phạm khẩn trương nghiêm túc thực hiện hoàn thành việc khắc phục ngay đối với từng tồn tại, vi phạm về PCCC. Đồng thời, chỉ đạo Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các công trình sai phạm trong đầu tư xây dựng, ngăn chặn kịp thời không để phát sinh mới công trình vi phạm", nội dung Chỉ thị 14 nêu rõ.

Quản lý trật tự xây dựng: Đừng để "con voi chui lọt lỗ kim"

Vấn đề quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua đã tốn nhiều giấy mực và là chủ đề nóng dư luận đặc biệt quan tâm. Người dân trên địa bàn TP. Hà Nội phản ánh nhiều về tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn một số quận, huyện. Có những vi phạm kéo dài qua các thời kỳ và đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Cũng có trường hợp chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, khiến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp bị chuyển đổi, xây dựng trái phép và sử dụng sai mục đích. 

Tình trạng vi phạm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng nổi cộm phải kể đến là trên địa bàn huyện Thạch Thất như một số xã Hữu Bằng, Thạch Xá, Phùng Xá, Tiến Xuân,... Về vấn đề này, trước đó ngày 12/3/2021, Thanh tra TP. Hà Nội đã ban hành Văn bản 993/TTTP-P6 kết luận hàng loạt vi phạm về đất đai, xây dựng còn tồn tại trên địa bàn huyện này. Sau đó, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản đôn đốc xử lý, khắc phục vi phạm nhưng chính quyền địa phương dường như rất bị động trong công tác xử lý, chỉ đạo khắc phục vi phạm. Sau thời điểm thanh tra, nhiều vi phạm thậm chí còn phình to hơn, có nơi vi phạm về đất đai, xây dựng lại tái diễn.

Vi phạm đất đai xã Minh Trí
“Theo rà soát và kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, xã có khoảng gần 400 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp và hơn 500 trường hợp vi phạm đất công",  ông Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) trả lời với báo chí.

Đơn cử, kết luận của Thanh tra TP. Hà Nội nêu rõ, riêng xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) có 29 trường hợp vi phạm về đất đai, dựng lán xưởng trên đất nông nghiệp tại khu Đồng Bùi, Đồng Màu, với diện tích 6.720,3m2. Các trường hợp trên đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp (đào hố móng, xây tường bao, xây móng, dựng lán xưởng).

Theo phản ánh của người dân, thời gian qua có nhiều công trình vi phạm mới phát sinh nhưng không bị chính quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời.

“Theo rà soát và kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, xã có khoảng gần 400 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp và hơn 500 trường hợp vi phạm đất công. Các trường hợp này vi phạm trước ngày 1/7/2014...”, ông Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) trả lời với báo chí.

Còn tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trên địa bàn xã Minh Trí có nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng cũ chưa được xử lý dứt điểm thậm chí xuất hiện vi phạm mới. Đáng chú ý, tình trạng sai phạm trên không những không được UBND xã Minh Trí xử lý dứt điểm, mà UBND xã còn không lập hồ sơ xử lý vi phạm về đất đai. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã có văn bản xin ý kiến UBND huyện Sóc Sơn cho phép được chuyển hồ sơ mua bán, chuyển nhượng đất rừng tại xã Minh Trí cho Công an huyện Sóc Sơn để xác minh, điều tra và xử lý.

Vi phạm đất đai xã Minh Trí
Nội dung Chỉ thị 14 nêu rõ: "Vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng quản lý".

Ngay sau đó, UBND huyện Sóc Sơn ban hành văn bản chấn chỉnh công tác quản lý đất đai tại xã Minh Trí. UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo Thanh tra huyện thanh tra trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã Minh Trí trong việc thiết lập hồ sơ, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai tại địa phương. Đồng thời, đề nghị giao Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn chủ trì phối hợp với các ngành: Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Sóc Sơn, UBND xã Minh Trí thiết lập, hoàn thiện hồ sơ, tham mưu UBND huyện xử lý các vi phạm có công trình trên đất đảm bảo đất đai được sử dụng đúng mục đích, theo quy định.

Phòng Tài nguyên & Môi trường và Quản lý đô thị tham mưu UBND huyện xử lý dứt điểm các vi phạm về đất đai vượt thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã Minh Trí. Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Sóc Sơn cung cấp hồ sơ, hợp đồng quản lý bảo vệ rừng cho các cá nhân thuê đất rừng gửi về UBND xã Minh Trí để phục vụ việc thiết lập, hoàn thiện hồ sơ xử lý các vi phạm theo quy định.

Còn theo báo cáo của Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Quốc Oai (Hà Nội), từ ngày 25/11/2021 đến ngày 26/5/2022, trên địa bàn huyện đã phát sinh 89 trường hợp vi phạm đất đai. Đến nay, huyện đã chỉ đạo xử lý xong 73 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp, đất công và tập trung chỉ đạo xử lý 16 trường hợp. Đối với những vi phạm về đất đai nói trên, UBND huyện Quốc Oai đã yêu cầu các phòng, ban, ngành có liên quan của huyện căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các xã, thị trấn đôn đốc, kiểm tra đối với việc xử lý vi phạm đất đai trật tự xây dựng trên địa bàn. Đồng thời, huyện yêu cầu các xã, thị trấn, cần tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ vi phạm tự giác tháo dỡ công trình vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh của xã và đến trực tiếp tận hộ gia đình.

Với việc Chỉ thị số 14 được ban hành, dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền TP. Hà Nội, nhằm xử lý triệt để các công trình vi phạm trật tự xây dựng, PCCC trên địa bàn Thành phố. Điều quan trọng hơn nữa là, với sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Thành phố thì có lẽ sẽ triệt tiêu được những công trình vi phạm mới đang manh nha phát sinh. Tuy nhiên, để làm được điều này không chỉ cần các cấp quản lý Nhà nước đồng loạt vào cuộc, nhằm tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý, mà bản thân người dân phải nâng cao ý thức chấp hành các quy định về xây dựng, PCCC.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top