PV: Theo ông, vì sao việc tháo dỡ các công trình xây dựng vượt tầng trên địa bàn TP. Hà Nội trong thời gian gần đây không đạt kết quả tích cực?
ThS. KTS Trần Tuấn Anh: Thực tế, việc xử lý hành chính cũng không đủ sức răn đe, nên đã có thêm chế tài xử lý bằng tháo dỡ phần vi phạm.
Song, việc tháo dỡ một công trình cao tầng là không đơn giản vì nó liên quan đến tổng thể kết cấu của toàn tòa nhà, tháo dỡ những hạng mục vi phạm nó sẽ ảnh hưởng đến các hạng mục khác nếu không có kỹ thuật tốt, việc hư hỏng này thì nhà nước sẽ phải bồi thường.
Vì vậy khi chưa tìm ra được đơn vị thi công tháo dỡ, hay phương án tháo dỡ hợp lý thì việc xử lý vẫn bị “dậm chân tại chỗ”.
Để giải quyết những trường hợp vi phạm vượt tầng khó xử lý, theo ông cần phải làm gì?
ThS. KTS Trần Tuấn Anh: Đối với những trường hợp đã được các cơ quan chức năng đã ban hành văn bản tháo dỡ thì vẫn cần phải có chế tài mạnh tay, đó là buộc phải tháo dỡ.
Việc tháo dỡ một vài hạng mục sai phạm ở những công trình cao tầng có kết cấu kiên cố, khó xử lý có thể có mức chi phí tháo dỡ tương đương với giá trị của một nửa tòa nhà, thậm chí nhiều hơn.
Dù vậy, theo tôi, chi phí có cao vẫn phải làm, vì đây là câu chuyện liên quan đến pháp luật về quy hoạch - xây dựng, nếu không thực hiện nghiêm, pháp luật sẽ thiếu đi tính răn đe cần thiết. Nhưng cũng cần phải cân nhắc vì không phải công trình nào nói tháo dỡ là tháo dỡ, nếu công trình vi phạm mà không ảnh hưởng đến quy hoạch thì nên cân nhắc phương án xử lý phù hợp.
Theo tôi, để ngăn ngừa những vi phạm có thể xảy ra trong thời gian tới, cốt lõi của vấn đề không phải là chỉ xử lý những doanh nghiệp vi phạm; chúng ta cần phải nói nhiều hơn đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Làm sao một công trình xây dựng khủng mà sai phạm ở đó chỉ bị phát hiện khi đã đi vào sử dụng? Nhà nước cần xây dựng một quy chế rõ ràng, cách chức, đuổi việc luôn những cán bộ, lãnh đạo bao che cho những công trình sai phạm, như vậy sẽ giải quyết được căn nguyên của vấn đề.
Xin cảm ơn ông!