Tại phiên chất vấn của UB Thường vụ QH sáng nay, nhiều ĐB đặt câu hỏi liên quan đến xử lý các công trình sai phép, không phép.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung trực tiếp giải đáp.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thừa nhận tình trạng các chủ đầu tư vi phạm quy hoạch chi tiết là có thật. Quá trình phê duyệt quy hoạch chúng ta làm đúng, nhưng trong quá trình thực hiện một số chủ đầu tư vi phạm quy hoạch chi tiết về mật độ xây dựng, chiều cao...
Trách nhiệm trước tiên thuộc về thành phố Hà Nội trong quản lý, tiếp đó là trách nhiệm của chủ đầu tư. Để khắc phục vấn đề này, vừa qua Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương để thanh tra kiểm tra; giao trách nhiệm cụ thể cho địa phương và các cơ quan chuyên môn trong quản lý, giám sát; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân, vi phạm... Vừa qua Hà Nội đã xử lý trách nhiệm của 18 cán bộ vi phạm.
Ông Chung cũng nhận trách nhiệm của Hà Nội trong việc xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực còn chậm. Chủ tịch Hà Nội cho biết, hiện đã xử lý (cắt ngọn) xong tầng 19, còn các tầng dưới xử lý giật cấp nên cần có phương án kỹ thuật. Hà Nội đang phối hợp với Bộ Xây dựng, trình thẩm định phương án kỹ thuật để xử lý ngôi nhà đảm bảo an toàn cho tòa nhà và tòa nhà bên... Hà Nội cam kết xử lý nghiêm vi phạm tại tòa nhà này.
“Theo tôi biết, hiện Bộ cũng đang mời một số nhà khoa học xem cắt như vậy có đảm bảo về mặt kỹ thuật để người dân sau này ở được hay không, vì đặt vấn đề an toàn của toà nhà lên trên. Thời gian qua chậm trễ là vì nguyên nhân này”, ông Chung cho hay.
Ông Chung cam kết, trong thời gian tới, với trách nhiệm cá nhân, xin hứa với chủ tịch QH cũng như Phó Thủ tướng và lãnh đạo các ban ngành, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thẩm định kỹ thuật và sẽ công khai với dư luận.
Trả lời bổ sung, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, liên quan kết cấu an toàn của công trình nên dù trách nhiệm thuộc UBND TP.Hà Nội nhưng Bộ thấy đây là vấn đề lớn nên cùng với Hà Nội mời chuyên gia thẩm định phương án khẳng định vấn đề an toàn. Trong tháng 8 sẽ có ý kiến chính thức với Hà Nội về việc này.
Về vấn đề chỉnh trang đô thị, khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, ông Chung cho biết đây là vấn đề được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, vào cuộc rà soát, tiến hành xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường. Trước 2015 toàn thành phố có trên 300 trường hợp siêu mỏng, siêu méo, hiện còn 132 trường hợp. Những nhà diện tích dưới 30m2 thành phố kiên quyết thu hồi hoặc tiến hành cho các chủ hộ hợp khối, hợp thửa, hạn chế không làm phát sinh thêm các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo mới. Hà Nội hứa trong thời gian tới sẽ chấm dứt tình trạng này.
Chủ tịch Hà Nội cũng giải trình về các giải pháp xử lý tình trạng ngập lụt trong các quận nội thành như: Triển khai các dự án thoát nước; xây thêm 25 hồ chứa; thu gom xử lý nước thải sông Tô Lịch; triển khai các dự án nạo vét 128 hồ ở các quận nội thành;...
Về vấn đề lấn chiếm đất đai ở các vùng bến bãi, Hà Nội có hơn 5000ha, thành phố đã giao cho cơ sở quản lý, song vừa qua có việc vi phạm lấn chiếm để canh tác, xây dựng các khu du lịch sinh thái,... Thành phố đã phối hợp với các cơ quan trung ương lập các đoàn kiểm tra, xử lý trên 200 trường hợp; kiên quyết giải tỏa các công trình vi phạm.
Chủ tịch Hà Nội cũng thừa nhận tình trạng đô thị còn nhếch nhác, Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp quyết liệt, cụ thể như: Hạ ngầm hệ thống điện, cáp viễn thông (2016 hạ được 19 tuyến, từ đầu năm 2017 đến nay đã hạ được 72 tuyến); thay thế hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện; chỉnh trang lại mặt tiền các tuyến phố (biển hiệu, quảng cáo); sau khi làm xong những việc trên, Hà Nội mới tiến hành lát lại vỉa hè, khắc phục trình trạng vừa làm xong lại đào lên; cơ giới hóa việc thu gom rác thải; đồng thời tiến hành tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân;...