Aa

Chủ tịch HĐQT MBBank kiến nghị 4 giải pháp để TTCK phát triển bền vững

Thứ Tư, 28/02/2024 - 17:17

Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội MB, để TTCK Việt Nam phát triển bền vững, cần chú trọng vào việc tăng quy mô, tăng số lượng hàng hoá cũng như tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp tham gia niêm yết.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 diễn ra vào ngày 28/2, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội MB đã đưa ra những đánh giá, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển theo chiều sâu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch HĐQT MBBank, yếu tố tiên quyết đầu tiên để thúc đẩy thị trường phát triển và tăng khả năng tiếp cận vốn doanh nghiệp (DN) thường là yếu tố kinh tế vĩ mô được điều hành bởi Chính phủ. Cụ thể, trong năm 2023, Chính phủ điều hành linh hoạt, ban hành chính sách kích thích người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và tăng trưởng GDP ở mức độ cao so với tình hình chung của thế giới. Lạm phát mức thấp và FDI tăng trưởng nhanh khoảng 32%, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp là 2,28%, tín dụng tăng trưởng ở mức 13,7%, tỷgiá ổn định. Như vậy đã thúc đẩy TTCK với mức tăng của VN-Index đạt 12% vốn hóa tăng gần đến 4%.

Chủ tịch HĐQT MBBank kiến nghị 4 giải pháp để TTCK phát triển bền vững- Ảnh 1.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội MB tham luận về "Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển theo chiều sâu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Chúng tôi đánh giá đây là yếu tố quan trọng bậc nhất trong quá trình thu hút vốn cũng như thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu", Chủ tịch HĐQT MBBank đưa ra qua điểm. 

Bên cạnh đó, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các công điện yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ban, ngành có giải pháp nâng hạng thị trường, chuẩn hóa các cơ sở của hệ thống giao dịch trái phiếu, trên cơ sở đó xử ý các vấn đề, các vụ việc của TTCK, giúp cho TTCK phát triển minh bạch.

Do đó, nhằm hướng tới mục tiêu giúp cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững và theo chiều sâu, ông Lưu Trung Thái cho rằng cần chú trọng vào 4 vấn đề dưới đây:

Vấn đề thứ nhất, tăng quy mô của thị trường.

"Hiện nay quy mô của TTCK chiếm khoảng 56-58% GDP các nước đang phát triển. Tôi thấy chỉ số lên trung bình từ 50-80%, vì vậy chúng ta ở mức khá. Vấn đề đầu tiên là tăng được quy mô của thị trường", ông Thái đưa ra quan điểm.

Vấn đề thứ hai là tăng số lượng hàng hoá cũng như tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp tham gia niêm yết.

Vấn đề thứ ba là tăng số lượng và chất lượng của ngân hàng đầu tư trên thị trường thông qua các giải pháp.

Vấn đề thứ tư là nâng cấp được các hệ thống giao dịch và khuôn khổ pháp lý để thu hút nhà đầu tư.

Chủ tịch HĐQT MBBank kiến nghị 4 giải pháp để TTCK phát triển bền vững- Ảnh 2.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch MB có một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tốt trên thị trường bằng cách phân loại và xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động, để tăng sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành, minh bạch thông tin, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp tiềm năng tham gia TTCK. Đồng thời, cần áp dụng các chuẩn mực quốc tế và thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho các doanh nghiệp niêm yết để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thông qua thị trường tốt hơn.

"Như báo cáo của UBCK Nhà nước, năm qua số lượng giá trị tăng mới của giá trị niêm yết khoảng 56 nghìn tỷ. Số lượng này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, nhu cầu của doanh nghiệp", Chủ tịch MB đánh giá.

Thứ hai, cần tiến tới nâng hạng thị trường. 

Về kiến nghị này, ông Thái cho rằng, nội lực là quan trọng, do đó chất lượng hàng hóa trong thị trường cũng rất quan trọng. Khi chất lượng thị trường tốt, giá trị cao thì nhà đầu tư nước ngoài đến đây để tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Do đó, chất lượng thị trường và quan trọng hơn là kiện toàn Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường. Hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến sở hữu nước ngoài.

Thứ ba là tăng cường ứng dụng về công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý và giám sát. Nghiên cứu các hệ thống triển khai giám sát tự động, kết nối với hệ thống dữ liệu và các cơ quan như thuế, cơ quan giám sát của ngân hàng và giám sát tài chính quốc gia, tăng khả năng giám sát và chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường.

Cuối cùng là cung cấp hệ thống công nghệ và dữ liệu để tăng khả năng số hóa, tiếp cận để nhà đầu tư và công chúng xử lý thời gian phát hành, thời gian đầu tư được tiết kiệm thời gian hơn.

Ngoài ra, tại hội nghị, ông Lưu Trung Thái cũng cho biết thêm về tình hình của MB. Cụ thể, MB đã tham gia thị trường chứng khoán 13 năm (niêm yết tại HOSE từ 01/11/2011). Từ thời điểm đó đến nay, MB đã thu hút được nguồn vốn phục vụ cho phát triển và tăng trưởng. Vốn hoá của Ngân hàng tính ở thời điểm hiện tại đạt trên 120.000 tỷ đồng với 150.000 cổ đông. MB triển khai thành công các phương án phát hành cổ phiếu (thông qua trả cổ tức hàng năm, phương án riêng lẻ) để bổ sung và tăng quy mô vốn điều lệ và các phương án phát hành TPDN để tăng nguồn vốn kinh doanh, vốn cấp 2. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng các quy định, yêu cầu về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top